Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho biết: “Cử tri mong muốn chuyển tới Quốc hội câu hỏi: “Có hay không có tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ công chức”.
Bởi lẽ, nếu có thì báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng là chưa đầy đủ. Còn nếu không thì tại sao việc bổ nhiệm cán bộ công chức đúng quy trình mà người tài, người có đức tốt hơn lại không được bổ nhiệm? Một bộ phận cán bộ công chức có năng lực hạn chế hơn, đạo đức kém hơn lại được bổ nhiệm.
Tai hại hơn, khi được bổ nhiệm, đội ngũ cán bộ công chức này lại được tổ chức cho họ quyền rất lớn là hành dân và hành doanh nghiệp.
Cá nhân tôi thì cho rằng, tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là có. Sở dĩ có vì, theo nguyên lý “không có lửa thì không có khói”. Cho nên, dân ta mới kết luận “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” hẳn là có lý”.
Ông cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của ĐBQH Đặng Thuần Phong (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) từng nhận xét, nạn chạy chức chạy quyền là một trong 6 bất an của xã hội.
Ngoài nguyên nhân do “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ” thì quy định pháp luật về cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ dẫn tới tham nhũng trong công tác bổ nhiệm là có.
“Tôi chứng minh, Điều 27, Điều 28 luật Cán bộ công chức có quy định mục đích đánh giá cán bộ công chức và nội dung đánh giá cán bộ công chức, nhưng trong đó không quy định về phương pháp đánh giá bằng quy định pháp luật. Cho nên, việc đánh giá cán bộ công chức, kể cả bổ nhiệm phụ thuộc nhiều người và phụ thuộc vị trí của người đánh giá.
Ví dụ chúng tôi hay trò chuyện, hai người có hai đặc tính là: Tốt và uống rượu, nhưng được nhận xét: Tay này “hay uống rượu nhưng mà tốt”, còn tay kia “tốt nhưng hay uống rượu”. Giả sử đây là câu đánh giá từ người có chức vụ, quyền hạn để xem xét bổ nhiệm cán bộ thì tai họa của nó sẽ đến đâu. Tôi xin thay mặt cử tri gửi đến Quốc hội: Trong hai người đó thì ai uống rượu với ai?”, ông Bộ nói.
Ông cũng bày tỏ chia sẻ với cơ quan có trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Phòng, chống tham nhũng trong trường hợp này là rất khó, bởi lẽ cán bộ tham nhũng và hành vi tham nhũng chỉ có hai hành vi là nhận và đưa hối lộ. Cả hai người này không ai tự khai báo về hành vi của mình, còn người thứ ba thì không có bằng chứng để chứng minh.
Tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là cần phải chống, vì nếu không làm tốt, hệ quả sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ công chức yếu kém và hệ lụy lớn hơn là thế hệ tham nhũng thứ hai lại xuất hiện.
“Họ đã bỏ tiền ra để chạy chức, chạy quyền thì khi được giao quyền sẽ tính bài để thu lại. Không cách nào thu lại khác đó chính là cách tham nhũng tiếp theo”, vị ĐBQH tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Từ những quan điểm và nhìn nhận này, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đề nghị sửa luật Cán bộ công chức, bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ công chức trước khi bổ nhiệm. Ông ví dụ, cần so sánh hai hoặc ba cán bộ nguồn để đánh giá theo từng tiêu chí của chức vụ. Chỉ cần dùng 2 chữ H và K, người nào tốt hơn về tiêu chí này thì đề H, đương nhiên người còn lại là K. Cứ như vậy, đến tiêu chí cuối cùng cộng lại, cán bộ nào nhiều chữ H hơn đương nhiên tốt hơn.
“Nếu luật hóa như vậy sẽ không còn kẽ hở để tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Ví dụ như cán bộ cấp vụ ở ban Tổ chức Trung ương vừa qua được bổ nhiệm thông qua thi tuyển, người trúng tuyển sẽ rất tự hào vì được bổ nhiệm xứng đáng, người không trúng tuyển cũng hài lòng”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ cho hay.