"Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp"

"Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp"

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 2, 04/11/2019 10:22

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận. Thậm chí, tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp.

Xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng

Sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục tuần làm việc thứ 3 trong kỳ họp thứ 8. Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian vừa qua, số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”...

Ngoài ra, tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Chính sách - 'Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp'

Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội. Ảnh Ngọc Thắng.


Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh. Các đối tượng, tổ chức này đã lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng gây áp lực lớn làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội. Tội phạm, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng...

Người đứng đầu ngành Công an cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới mà Chính phủ tập trung là tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi lên.

Tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất hàng giả; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đánh bạc; tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường...

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Điều chỉnh, bố trí lực lượng Công an hướng về cơ sở và tăng cường cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu, nhất là thực hiện chủ trương chính quy Công an xã. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Số vụ án tạm đình chỉ điều tra tăng

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, năm 2019, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 63 của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, việc phát hiện còn chậm, số lượng chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm trên thực tế, kết quả xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước.

“Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm 4,18% so với cùng kỳ”, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá.

Chính sách - 'Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp' (Hình 2).

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh Ngọc Thắng.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, năm 2019, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Tuy nhiên, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế, đơn cử như, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mới đạt 87,4%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Còn 2.261 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết. Trong kỳ báo cáo, VKSND các cấp đã yêu cầu hủy bỏ 160 quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra và đã ban hành 1.258 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm.

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến VKSND các cấp không phê chuẩn 111 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 172 quyết định gia hạn tạm giữ, 256 lệnh tạm giam, 156 lệnh bắt bị can để tạm giam. Số người bị tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, không xử lý hình sự còn tới 1.256 người.

Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế. Năm 2019, còn để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan. Đáng lưu ý, số lượng các vụ án tạm đình chỉ điều tra trong năm 2019 vẫn tăng tới 2.115 vụ. Đây là vấn đề lớn, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị qua nhiều năm nhưng số vụ tạm đình chỉ không những không giảm mà tiếp tục tăng lên qua các năm, cho tới nay còn tới 96.800 vụ án bị tạm đình chỉ, trong đó một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Từ đó, bà Lê Thị Nga thay mặt Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có giải pháp để xử lý tình trạng này.

Công Luân - Hoa Liên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.