ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: Mặc dù một số "đại án" tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử nghiêm minh nhưng lòng dân vẫn chưa an, bởi tệ nạn tham nhũng xuất hiện ở cả các địa phương.
Vừa qua, trong cuộc khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt ở Việt Nam phổ biến, trở thành vấn nạn.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra: Thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều nhất. Người dân không những chưa hài lòng với dịch vụ và quy trình thủ tục, mà còn phàn nàn nhiều về thái độ làm việc của công chức. Ngoài ra, khi được hỏi về một số hành vi tham nhũng cụ thể trong lĩnh vực công, có tới 31% người tham gia khảo sát (trong tổng số 13.600 người) xác nhận có tình trạng hối lộ trong dịch vụ y tế công, 29% thừa nhận có phong bì "lót tay" khi xin việc làm trong khu vực Nhà nước, 21% xác nhận chi phong bì khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 17% cho biết có phong bì cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn ở trường.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: "Nếu không xử lý những vụ án tham nhũng tận gốc thì sẽ phát sinh thêm rất nhiều tiêu cực. Cần phải xây dựng hệ thống quản lý như thế nào, hệ thống cơ quan giám sát thế nào, điều tra khi phát hiện có tham nhũng thế nào... Tất cả phải được làm quyết liệt thì mới có hiệu quả được".
Cựu chiến binh Lê Hữu Dai ở Thanh Hóa bức xúc: "Có quá nhiều con "sâu mọt" mượn danh quan chức đang gây nhũng nhiễu, moi túi tiền của người dân. Thời trước chúng tôi đâu có vậy, cán bộ hỏi thăm người dân, dân tuyệt đối tin tưởng cán bộ. Còn bây giờ, như tôi đi khám bệnh, lấy thuốc muốn nhanh thì cũng phải đưa phong bì cho bác sỹ, y tá. Cháu nội tôi mới vào lớp 1 mà cũng thấy mẹ cháu phải đến gặp thầy cô để gửi gắm, quà cáp. Rồi mấy người dân cũng quê tôi, cứ có việc gì liên quan đến đất đai lên xã, lên huyện xin xác nhận thôi nếu không "lót tay" tiền cho họ thì cũng chẳng xong".
Bàn về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: "Trước đây khi còn làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tôi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về tình trạng tham nhũng ở các địa phương. Kể cả bây giờ vẫn bức xúc về vấn đề này từ "quan xã" đến "quan huyện"...
"Tôi nghĩ rằng, chống tham nhũng phải chống từ gốc, phòng chống từ cấp cơ sở đến Trung ương. Lãnh đạo cơ quan các cấp cần lắng nghe người dân, lắng nghe báo chí phản ánh để xem xét và xử lý. Phải phanh phui việc cán bộ nhũng nhiễu, ngăn chặn cán bộ công chức vòi vĩnh. Làm quan mà không dựa vào dân, không lắng nghe ý kiến của người dân thì cuối cùng vẫn chỉ khổ dân", ông Hùng nói.
Bộ máy hành chính đang bị "khô dầu"!? TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng cho biết: Phong bì "bôi trơn" cũng cho thấy bộ máy hành chính bị "khô dầu". Người dân đã chủ động đưa tiền để lách thủ tục hành chính quá rườm rà. Thậm chí có địa phương, phong bì "bôi cũng không trơn". Các khoản "tham nhũng vặt" như vậy được người dân xem là chi phí "bôi trơn" để đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục hành chính hay xử lý vi phạm hành chính khi mình có vi phạm. |
Minh Khánh - Cao Tuân