Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Tòa án phát triển án lệ phù hợp với tình hình thực tiễn công tác xét xử hiện nay và thông lệ một số nước có hệ thống pháp luật tương tự như Việt Nam.
Bước vận dụng pháp luật sau cùng
Theo dự kiến, đối với những vấn đề chưa có quy định của pháp luật thì quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Hội đồng Giám đốc thẩm của các tòa chuyên trách thuộc TANDTC (nếu được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua) sẽ có giá trị áp dụng bắt buộc đối với tòa cấp dưới. Việc sử dụng án lệ được coi là bước sau cùng trong quá trình vận dụng pháp luật, xếp sau việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Một biếm họa về án lệ trên báo nước ngoài |
Khi xét xử, Thẩm phán được khuyến khích viện dẫn án lệ của TANDTC nhưng không có nghĩa án lệ là cơ sở pháp lý cho quyết định giải quyết án. Cơ sở pháp lý cho phán quyết của tòa vẫn phải dựa trên quy định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Việc viện dẫn án lệ là nhằm tôn trọng tính thống nhất trong áp dụng pháp luật của Thẩm phán, đảm bảo tính chặt chẽ, có căn cứ trong quyết định của mình. Án lệ không mang tính bắt buộc. Thẩm phán tự mình có quyền quyết định có theo đường lối xét xử trong án lệ viện dẫn hay không.
Mới đây, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã chia sẻ: “Có công nhận án lệ hay không thì nó vẫn đang tồn tại trong thực tế. Điều này không có nghĩa là Tòa án thay quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật mà chỉ là thông qua thực tiễn xét xử, Tòa án đưa ra cách hiểu thống nhất về quy định nào đó. Nếu không công nhận án lệ mà phải chờ đến văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì thực chất cũng chỉ là một bước pháp điển hóa án lệ mà thôi. Vì thực tế, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng chỉ làm công tác tổng kết thực tiễn các án lệ rồi ban hành hướng dẫn”.
Từng bước phát triển án lệ
Các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng một số nước theo hệ thống thông luật như Anh, Mỹ, Hà Lan, Australia, Indonesia... thừa nhận án lệ trên thực tế dù cũng không có văn bản cụ thể nào ghi nhận. Chẳng hạn ở Thụy Sĩ, trong trường hợp không có luật thành văn hoặc luật tục tương tự thì Thẩm phán có quyền quyết định tuân theo những nguyên tắc mà họ đặt ra. Một khi đã hành động như nhà lập pháp, Thẩm phán phải chứng minh bằng những nguyên tắc luật pháp. Tại Australia, Tòa án cấp dưới phải tuân theo quyết định của Tòa án cấp trên và các Tòa cấp trên cũng phải tuân thủ các quyết định trước đây của mình.
Còn ở Mỹ, tiền lệ pháp và án lệ có vai trò quyết định trong hệ thống pháp luật, tác động tới mọi khía cạnh và đối tượng liên quan. Khi xét xử các hành vi vi phạm luật và các tranh chấp nảy sinh từ luật, các Tòa án cần phải diễn giải luật bằng các bản án trước đó của Tòa cùng cấp hoặc cao hơn. Nếu phải đối mặt với các án lệ bất lợi, bị đơn sẽ tìm cách phân biệt sự khác nhau giữa vụ việc của mình với những vụ việc trước đó. Tòa án cấp cao hơn sẽ tìm cách giải quyết mâu thuẫn này để bổ sung cho án lệ hoàn chỉnh hơn...
Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Lê Văn Minh cho biết, hiện TANDTC đã phát hành các quyển tập hợp các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của ngành nhằm giúp Tòa án cấp dưới có thêm nguồn tư liệu tham khảo, phục vụ công tác xét xử đảm bảo áp dụng đúng, thống nhất pháp luật. Đây cũng là một hình thức từng bước phát triển án lệ.
TS Nguyễn Văn Nam (Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân) thì kiến nghị phải từng bước nâng cao tư duy pháp lý về án cho Thẩm phán và giới Luật sư, Luật gia. Ngoài ra, cần quy định các biện pháp chế tài trong trường hợp Thẩm phán cố tình không sử dụng hoặc không tôn trọng án lệ. Nhưng nên có cơ chế mở là nếu Thẩm phán lập luận khác với án lệ và lập luận đó đúng, phù hợp với hoàn cảnh mới thì phải ghi nhận, thậm chí lấy nó làm án lệ mới.
Theo Thục Quyên (Pháp luật Việt Nam)