Sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Donald Trump hạn chế người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ đã vấp phải những phản ứng giận dữ, sau khi có đông người nhập cư và người tị nạn bị mắc kẹt tại sân bay hôm 28/1.
Với quyết định có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất kể từ khi nhậm chức, ông Trump đang đối mặt với làn sóng đấu tranh từ các nhóm bảo vệ quyền dân sự, các nhóm tôn giáo, các nhà hoạt động dân chủ ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
Sau khi tình trạng hỗn loạn và biểu tình tại một số sân bay diễn ra, một thẩm phán liên bang ở Brooklyn, New York, đã ra phán quyết ngừng sắc lệnh tạm thời theo kiến nghị của Liên đoàn tự do dân sự Mỹ, cho phép các hành khách bị bắt giữ được thả tự do.
Trong tuyên bố của mình trước đó, ông Trump hứa rằng đây chỉ là hành động "rà soát" lại toàn bộ những người nhập cư và người tị nạn đang đổ về nước Mỹ và lưu ý rằng đây "không phải là một lệnh cấm người Hồi giáo".
Tuy nhiên theo Reuters, một số thống đốc thuộc đảng Dân chủ cho biết đang xem xét về mặt pháp lý đối với sắc lệnh nói trên, trong khi các nhóm khác đòi khởi kiện với lập luận đây là động thái kỳ thị tôn giáo.
Mark Krikorian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di trú lại cho rằng, các vụ kiện như vậy là không khả thi bởi quyết định của ông Trump được bảo vệ bởi Hiến pháp nước Mỹ.
"Luật pháp Mỹ xác định rõ ràng tổng thống có quyền trục xuất bất kỳ ai theo ý muốn", Krikorian nói.
Cùng với Syria, lệnh cấm ảnh hưởng đến du khách có hộ chiếu từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết khoảng 375 du khách đã bị ảnh hưởng khi sắc lệnh vừa có hiệu lực, 109 trong số đó đã quá cảnh nhưng bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. 173 người khác bị chặn lại bởi các hãng hàng không trước khi lên máy bay.
Phản ứng trước quyết định nói trên, một số du khách Ả Rập nói họ bị phân biệt đối xử, trong khi phía Iran thề sẽ trả đũa.
Sudan gọi hành động nói trên là "rất đáng tiếc", sau khi Washington vừa dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này mới chỉ vài tuần.
Cựu đại sứ Iraq ở Mỹ, Lukman faily, nói với Reuters rằng lệnh cấm của ông Trump là không công bằng cho một quốc gia đã từng là nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố, và nhắc nhở rằng điều này có thể phản tác dụng.
Trong khi đồng minh của Mỹ bao gồm Anh, Pháp và Đức đang tỏ ra bối rối, thì ở chiều ngược lại Thủ tướng Canada Justin Trudeau chia sẻ một bức ảnh trên trang cá nhân nói rằng ông chào đón tất cả mọi người kể cả những người tị nạn.
Quốc Vinh