Con đường thăng tiến của Hoà Thân
Vào tháng 7 năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), Hòa Thân ra đời trong một gia đình Phó đô đốc tại Phúc Kiến. Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. Ông may mắn được một người hầu trung thành chăm sóc, nuôi dưỡng.
Lớn lên, Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.
Năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Hòa Thân cưới con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ.
Tới năm 22 tuổi, Hòa Thân mới làm đến chức thị vệ. Năm sau đó, ông có cơ hội gặp gỡ và trổ tài trước mặt Hoàng đế Càn Long. Từ đây, cuộc đời ông sang trang mới khi được vua tin tưởng, giao cho nhiều chức vụ quan trọng.
Năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện bản lĩnh quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của họ Hòa này từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.
Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng ba năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ.
Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý “gần vua như gần cọp”. Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình. Cũng từ đây, vị quan họ Hòa này dấn thân vào con đường tham ô. Cái “nghiệp” làm tham quan này cũng gắn chặt với ông cho tối tận lúc qua đời.
Vì sao Càn Long vô cùng tin tưởng Hoà Thân?
Nhiều tài liệu ghi lại, để có được quyền lực và địa vị lớn trong triều đình nhà Thanh, Hòa Thân cố tình tiếp cận Hoàng đế Càn Long và sử dụng nhiều thủ đoạn để được vua tin tưởng, trọng dụng.
Hiểu và đáp ứng mọi sở thích của vua: Để gần vua, Hòa Thân âm thầm tìm hiểu, sưu tầm nhiều thơ văn của Hoàng đế Càn Long và học thuộc. Không những vậy, gã còn cố bắt chước cách viết và phong cách sáng tác văn thơ của nhà vua.
Khi lần đầu gặp Càn Long, Hòa Thân gây ấn tượng mạnh với nhà vua khi thông hiểu những bài thơ văn của bậc cửu ngũ chí tôn cũng như tinh thông nhiều loại sách khác. Đặc biệt, Hòa Thân có thể tung hứng, làm thơ phú chiều theo tâm tư của nhà vua. Thậm chí, nhiều bài thơ của Hòa Thân hợp với sở thích của Càn Long. Do vậy, hai người có những cuộc gặp gỡ vui vẻ. Sau vài lần gặp mặt và nói chuyện, Càn Long khen ngợi Hòa Thân là kẻ thông minh, có tài nên phong cho ông làm Tả thị lang bộ Hộ. Kể từ đây, Hòa Thân bắt đầu thăng tiến nhanh trong chốn quan trường.
Hòa Thân biết hoàng đế Càn Long là người phong lưu, thích các mỹ nhân xinh đẹp. Vì vậy, Hòa Thân thường cố ý sắp xếp cho nhà vua có cơ hội gặp gỡ các giai nhân khi xuất cung hay tuần du phương Nam.
Hoà Thân thông minh, dễ dàng hóa nguy thành an: Theo kể lại, khi về già, Càn Long rất mực sủng ái Đôn phi. Vị phi tần này càng được nước, trở nên ngang ngược, thường xuyên đánh mắng người hầu. Có lần, Đôn phi vì một chuyện nhỏ mà đánh chết cung nữ. Càn Long biết chuyện đã vô cùng tức giận, định phế truất nàng.
Đôn phi vội tìm đến cầu cứu Hòa Thân. Vốn hiểu tính Hoàng đế vị quan họ Hòa biết Càn Long chỉ tức giận nhất thời, liền lấy lý do Thập công chúa còn nhỏ, cần mẹ chăm sóc để khuyên nhà vua bớt giận. Nhờ câu nói ấy, Hoàng đế chỉ giáng Đôn phi xuống làm tần. Sau này, khi đã lấy lại được sự sủng ái, Đôn phi gả Thập công chúa cho con trai Hòa Thân để báo ân. Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc họ Hòa thời bấy giờ càng trở nên vững chắc.
Hoà thân là một mỹ nam tử: Sinh thời, Hòa Thân từng được mệnh danh là "đệ nhất mỹ nam tử Mãn Châu". Có giai thoại còn truyền lại rằng, ông sở hữu dung mạo rất mực tuấn tú, lại có vài phần giống với người tình cũ của Càn Long nên mới được Hoàng đế quan tâm, tin tưởng.
Theo kể lại, từ ngày được vua tin tưởng hai người bên nhau như hình với bóng. Ngày nào không gặp Hoà Thân vua bứt rứt, đứng ngồi không yên. Dù không nói ra, nhưng trong lòng vua Càn Long rất tin tưởng, coi Hoà Thân là người bạn, tri kỷ cùng trò chuyện, bàn công việc triều chính. Có bất kỳ việc gì, Càn Long cũng đều tham khảo qua ý kiến của vị đại thần này.
Phải sau khi Càn Long qua đời, Hoàng đế Gia Khánh kế vị ngai vàng thì nịnh thần Hòa Thân mới bị ban cho cái chết vì đã phạm phải nhiều tội nghiêm trọng. Ban đầu, Gia Khánh vốn định xử Hòa Thân bằng hình phạt lăng trì nhưng sau, dưới sự thỉnh cầu của quan lại, ông ban cho tham quan này cái chết nhẹ nhàng hơn, đó là tự kết liễu đời mình.
Lam Anh (Tổng Hợp)