Làm rõ thẩm quyền của trọng tài
Kể từ khi Luật Trọng tài thương mại (TTTM) năm 2010 bắt đầu có hiệu lực thi hành, số lượng các vụ tranh chấp trong lĩnh vực thương mại được giải quyết bằng TTTM đã được tăng lên đáng kể, năm sau cao hơn năm trước, song thực tiễn thi hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Một trong những vấn đề có ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các bên chính là quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của TTTM.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, theo quy định thì các bên xảy ra tranh chấp được phép thỏa thuận lựa chọn trọng tài tuy nhiên chỉ áp dụng đối với những lĩnh vực mà pháp luật quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định dân đến hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, từ đó mới xác định được vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.
Theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, bao gồm các hành vi cụ thể sau: Hoạt động mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác có mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, đến năm 2010, Luật TTTM được ban hành đã có quy định về phạm vi thẩm quyền của trọng tài, cụ thể có 3 trường hợp.
Thứ nhất, tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Đây là loại tranh chấp phổ biến nhất thuộc thẩm quyền của trọng tài, khi các bên tham gia ký kết các hợp đồng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng... có thể đã vi phạm quyền, nghĩa vụ và phát sinh tranh chấp.
Thứ hai, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Thứ ba, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài thương mại.
Như vậy, Luật TTTM đã tạo điều kiện cho các trung tâm trọng tài trong quá trình xác định thẩm quyền, thụ lý và giải quyết các tranh chấp, phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp không bị giới hạn trong các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại mà còn mở rộng đối với các tranh chấp có liên quan đến một bên có hoạt động thương mại và các tranh chấp khác thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.
“Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau trong việc phân định thẩm quyền của trọng tài, tòa án dẫn đến trên thực tế đã có một số vụ tranh chấp có cùng bản chất nhưng các tòa án đã có các quyết định khác nhau. Do đó, cần có hướng dẫn, giải thích rõ về những tranh chấp nào thuộc thẩm quyền của trọng tài, tranh chấp nào thuộc thẩm quyền của tòa án”, ông Lễ cho biết.
Bên cạnh đó, ông Lễ cũng đặt vấn đề trong thực tiễn và tương lai, có những vụ việc tranh chấp về lao động, môi trường… nếu các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp thì có nên tôn trọng thỏa thuận của họ hay không? Do đó, cần có quy định rõ và mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của TTTM trong vấn đề này.
Mở rộng thẩm quyền của trọng tài là nhu cầu tất yếu
Theo GS. TSKH Đào Trí Úc - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc mở rộng thẩm quyền của trọng tài phù hợp với tính chất của các quan hệ kinh tế - xã hội hiện nay trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh.
Theo đó, ngoài thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại, Luật TTTM cần mở rộng các lĩnh vực dân sự, lao động theo yêu cầu của các bên và các bên tranh chấp không chỉ là tổ chức, cá nhân kinh doanh. Với tính chất là hình thức tài phán tư, trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp tư, bao gồm cả các tranh chấp hợp đồng và ngoài hợp đồng, trừ những quan hệ liên quan đến lợi ích công và trật tự công cộng.
Vấn đề mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài là một nhu cầu tất yếu đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thực tiễn cho thấy khi mở rộng phạm vi thẩm quyền sẽ giải quyết được vấn đề xung đột thẩm quyền của tòa án và trọng tài.
“Nếu thẩm quyền bị giới hạn trong phạm vi giải quyết tranh chấp thương mại thì không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết một tranh chấp cụ thể, mà còn có thể sẽ dẫn đến sự lạm dụng của tòa án trong việc tuyên huỷ quyết định của trọng tài. Bởi một trong những điều kiện để tòa án có thể tuyên hủy quyết định đó là tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài. Do đó, nếu không xác định rõ các tranh chấp trong nhiều trường hợp tòa án có thể tuyên huỷ phán quyết của trọng tài”, GS. TSKH Đào Trí Úc cho hay.
Tuy nhiên, ông Úc cũng nhấn mạnh, khi mở rộng phạm vi của trọng tài phải phù hợp với thực tiễn khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, ngoài ra cần học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế để lý luận chung và thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài trở nên tương thích với nhau.
Từ góc nhìn thực tế, Luật sư Nguyễn Phan Hùng Kiệt thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại Tài chính (FCCA) cho biết, hiện nay việc giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Khoản 9 Điều 26 Bộ Luật Tố tụng dân sự và Điều 203 Luật Đất đai 2003 là thuộc thẩm quyền của tòa án.
“Việc quy định như vậy do chủ yếu các bên thường tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình cá nhân với nhau mang yếu tố dân sự, tuy nhiên việc doanh nghiệp tranh chấp thương mại liên quan đến bất động sản, nhà ở ngày càng nhiều. Vì vậy cần mở rộng hơn phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp bất động sản mà chủ yếu liên quan đến nhà ở và đất đai”, ông Kiệt đánh giá.
Ngoài ra, đối với các lĩnh vực lao động cũng cần được mở rộng tùy theo thỏa thuận các bên ví dụ tranh chấp về bảo mật hạn chế cạnh tranh.
Về phía trọng tài viên, phần lớn cũng là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật. Không những thế, số vụ việc của trọng tài giải quyết hiện nay khá lớn, nhất là kể từ khi có Luật TTTM cũng thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp. Do đó có thể giảm tải áp lực cho hệ thống tòa án liên quan đến tranh chấp có yếu tố thương mại, cũng giúp nâng cao vai trò của trọng tài viên tạo điều kiện phát huy được năng lực chuyên môn.