Monica đã bị buộc tội giết cha đẻ của mình bằng ma thuật. Hiện tại, cô không thể sử dụng tên đầy đủ của mình do lo ngại bị trả thù.
‘Anh trai tôi đuổi theo tôi và nói với tôi như thể tôi đã giết cha mình bằng ma thuật. Và tôi không thể tin điều đó, vì đó là cha của tôi, tôi yêu ông ấy. Tôi quay lại và hỏi “Anh nói gì?”. Và anh trai tôi nói: “Mày là đồ phù thủy, mày đã giết cha”, Monica kể lại.
Tôi bị sỉ nhục ở bất cứ nơi nào: “Nó đã giết cha mình, nó đã giết cha mình”.
Monica đã thoát khỏi cảnh bị đối xử tàn bạo đó. Hiện tại, cô là một nhà bảo vệ nhân quyền tại Central Highlands của Papua New Guinea
Monica cho hay, cô và đồng nghiệp của mình, Mary, đang giúp những người ở trong các hoàn cảnh còn tồi tệ hơn nhiều.
Những người bị cho là thầy phù thủy bị hành hung bởi những người bị kích động do lòng đố kị, sự ngờ vực và nỗi sợ hãi. Sự hành hạ này diễn ra trước một đám đông hào hứng, và theo Mary, trong số khán giả đó có cả trẻ em.
“Họ không làm gì cả mà chỉ đứng nhìn, và đó là điều mà bạn sẽ khó mà tin được. Nhưng điều đó đang diễn ra tại cộng đồng và không có ai ở đó để giúp đỡ nạn nhân’.
(Ảnh: abc news)
Ngày càng nhiều những người trẻ tuổi tham gia vào các vụ tấn công bạo lực như vậy. Trong một xã hội đàn ông thống trị ở Papua New Guinea, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Mary cho biết chỉ có nạn nhân may mắn mới sống sót.
‘Chúng tôi phải vật lộn với rất nhiều trở ngại khi làm việc. Hiện giờ chúng tôi có nhiều khách hàng và họ đang cần được giúp đỡ”, Mary nói.
Một cuộc hội thảo quy tụ hàng trăm chuyên gia vừa được tổ chức ở Canberra về vấn đề này. Mỗi năm có hàng trăm người trở thành nạn nhân của những vụ tấn công bạo lực, tuy nhiên theo tiến sĩ Richard Eves (Đại học Quốc gia Australia), đồng chủ tịch hội thảo cho biết, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
‘Đây là vấn đề nghiêm trọng mà chính phủ Papua New Guinea chưa thực sự giải quyết một cách nghiêm túc’, ông nói.
Việc khởi tố những vụ việc như vậy rất hiếm khi xảy ra ở Papua New Guinea. Các chuyên gia cho rằng điều này đang giúp hợp pháp hóa tình trạng bạo lực tại đây.
Tuần trước, Papua New Guinea đã cho tái áp dụng án tử hình bất chấp sự chỉ trích của quốc tế. Tiến sĩ Richard Eves cho biết việc này sẽ không giải quyết được vấn đề.
‘Papua New Guinea vốn đã có án tử hình trong luật và đó không phải là vũ khí ngăn cản tội phạm bạo lực hoặc giết người, do vậy, nó thực sự không phải là giải pháp’.
Hiện tại các chuyên gia đang lo ngại rằng vấn đề bạo lực sẽ lan rộng sang cả đảo Solomon và Vanuatu.
Ngọc Long (Theo ABC News)
> Xem bản dịch song ngữ Anh - Việt và nghe Audio news tại đây