Tình trạng bị lạm dụng tình dục có thể xảy ra với bất kì ai và bất kể đối tượng nào, tuy nhiên với những người bị mắc chứng bệnh tâm thần sẽ càng khó khăn hơn trong việc bảo vệ quyền con người, thưa ông?
Riêng với những người bị mắc chứng bệnh tâm thần nói chung và tâm thần phân liệt (tâm thần lang thang-PV) nói riêng, ngăn ngừa lạm dụng tình dục sẽ càng khó khăn gấp bội. Mỗi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng và thực tế, cũng có xảy ra việc bị xâm hại, hay lạm dụng tình dục đối với những người mắc chứng bệnh này. Đặc biệt những người mắc bệnh là nữ giới. Họ vừa trẻ, xinh xắn không may bị tâm thần phân liệt, bị trầm cảm hoặc có thể bị thiểu năng tâm thần thì càng dễ bị người khác lợi dụng để tiến hành lạm dụng tình dục.
Trên thực tế, đã có một số trường hợp xảy ra, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về vấn đề này nhưng trong quá trình làm nghề, tôi cũng đã chứng kiến một số trường hợp người mắc bệnh tâm thần được đưa đến giám định, còn trong quá trình điều trị thì rất ít gặp.
TS. Phạm Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương.
Ông có thể nói rõ hơn về những người bị tâm thần và khả năng phòng vệ, nhận thức của họ trước những diễn biến của xã hội ra sao?
Về bệnh lý, mà thực chất là bệnh tâm thần và sự rối loạn tình dục có thể xảy ra bởi nhiều yếu tố. Trong đó có những yếu tố chính như: Nội tiết, tâm lý và bị lệch lạc về sức khỏe tâm thần. Đối với những trường hợp bị tâm thần, từ chỗ lệch lạc đó, dễ bị lạm dụng ở nhiều góc độ. Thông thường, những trường hợp bị stress nhiều, liên tục như vậy nhưng sau khi huấn luyện, người ta có kinh nghiệm sẽ có các cách thức xử lý phù hợp trong hoạt động nghề nghiệp, cũng như trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.
Riêng đối với tâm thần lang thang (tâm thần phân liệt), họ bị mất trí sớm và bị mất mối liên hệ với xã hội. Họ bị mất cảm xúc và hành vi; tư duy đơn điệu, hành vi bị cùn mòn, mọi cái đều do mình tự nghĩ ra và có nhiều yếu tố loạn thần như hoang tưởng, ảo giác. Từ những yếu tố này, đã dẫn đến người bệnh đó bị rối loạn cảm xúc và hành vi. Bản thân họ không có cảm giác với người thân, không có cảm giác hoặc phân biệt được đâu là sạch, đâu là bẩn, nóng hay lạnh. Với biểu hiện bệnh như vậy, người tâm thần sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro tới sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Vậy phải chăng do chúng ta chưa có chính sách chăm sóc, điều trị thoả đáng cho người tâm thần, nên dẫn tới tình trạng người tâm thần lang thang gia tăng?
Những trường hợp bị bệnh tâm thần hiện tại được quản lý chủ yếu tại cộng đồng (đặc biệt là 2 bệnh động kinh và tâm thần phân liệt-PV). Ngoài việc quản lý, điều trị tại cộng đồng, được cấp, phát miễn phí về thuốc men thì hiện vẫn còn một số khó khăn như chưa thực hiện được tất cả các xã, huyện trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mặt khác, do thiếu cán bộ, không quản lý được hết (chỉ quản lý được khoảng 80% các phường, xã, bản), người ta cấp, phát thuốc tại các địa bàn để người bệnh đến lấy theo đúng chẩn đoán, kê đơn thuốc của bệnh viện cho người mắc bệnh. Còn các bệnh lý khác, hiện chưa được đầu tư, hỗ trợ do nguồn kinh phí của Nhà nước còn hạn hẹp dẫn đến chưa có sự hỗ trợ thỏa đáng cho người bệnh.
Một số ý kiến cho rằng, nên thực hiện triệt sản, đình sản đối với những trường hợp mắc bệnh tâm thần nhằm giảm thiểu những rủi ro lạm dụng tình dục, ông nghĩ sao về việc này?
Với những trường hợp bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, về mặt sinh sản không thấy bất kỳ quy định nào bắt buộc người ta phải đình sản cả. Người ta bị lệch lạc về tâm lý thì phải điều trị về mặt tâm lý, bị lệch lạc về tâm thần thì điều trị về tâm thần. Điều quan trọng, cần phải phát hiện ra bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả cho những người mắc bệnh. Về ngành y hay quy định của pháp luật không bắt buộc phải thế. Trước một số ý kiến đưa ra, tôi nghĩ đây cũng là một giải pháp, nó cũng có cái hay của nó. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần phải được sự đồng ý, chấp thuận của gia đình và người bảo hộ cho người đó thì mới được thực hiện đình sản, triệt sản.
Xin cảm ơn ông!
H. Anh- Ngân Giang (thực hiện)