Thông tin trên đã được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết vào ngày 10/10, theo đó cựu Thứ trưởng Quốc phòng Oleg Ostapenko sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang (Roscosmos), thay thế ông Vladimir Popovkin, trong một động thái nhằm vực lại ngành vũ trụ đang yếu kém này.
Ông Medvedev cho rằng, với tư cách là Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang, Trung tướng Ostapenko sẽ giúp tổ chức tốt hơn chương trình vũ trụ của nước này, vốn đã tụt hậu và gặp nhiều thất bại trong những năm gần đây.
Chính phủ Nga đang thực hiện kế hoạch cải tổ triệt để cơ cấu tổ chức của ngành công nghiệp vũ trụ nhằm tăng hiệu quả hoạt động và giảm thiểu việc sử dụng sai ngân sách, theo kế hoạch vừa được Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người giám sát lĩnh vực quốc phòng và vũ trụ, công bố hôm 9/10 với Tổng thống Putin.
Trung tướng Ostapenko được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang
Ông Rogozin cho biết, một tập đoàn nhà nước mới sẽ được thành lập để quản lý các cơ sở sản xuất từ Cơ quan Vũ trụ Liên bang, nơi mà uy tín đã bị giảm sút nghiêm trọng do một loạt vụ phóng tên lửa thất bại trong những năm gần đây.
Nằm trong kế hoạch chấn hưng ngành vũ trụ của Nga, hồi năm 2011, Nga quyết định xây mới sân bay vũ trụ Phương Đông.
Với sân bay vũ trụ Phương Đông, Nga tham vọng sẽ biến thành phố Uglegorsk thành một trung tâm vũ trụ hiện đại về mọi mặt, chuyên phục vụ cho ngành vũ trụ Nga trong tương lai. Các phi hành gia và gia đình của họ sẽ sinh sống và làm việc tại đây.
Phó Giám đốc tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos Reminshevski tuyên bố, kể từ năm 2020, 45% các cuộc phóng tên lửa đẩy của Nga lên quỹ đạo sẽ được thực hiện trên sân bay vũ trụ Phương Đông. Ông Reminshevski cho biết thêm, Nga sẽ đầu tư xây dựng hơn 1500 công trình khác nhau tại sân bay vũ trụ này, trong đó có 2 tổ hợp phóng tên lửa đẩy, tổ hợp đào tạo phi công vũ trụ và kiểm tra y tế, các nhà máy sản xuất oxy và hydrogen. Bên cạnh đó, hơn 150km đường ray sẽ được lắp đặt tại khu vực sân bay.
Theo kế hoạch sân bay Phương Đông sẽ đảm nhiệm phóng lên quỹ đạo Trái đất các tàu vũ trụ có người lái và các loại vệ tinh nhân tạo đảm bảo thông tin liên lạc, truyền hình, dẫn đường và thăm dò Trái đất từ vũ trụ.
Mô hình sân bay vũ trụ Phương Đông
Các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng từ sân bay vũ trụ này, Nga sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên của mình lên sao Hỏa.
So với sân bay vũ trụ Baikonur trên lãnh thổ Kazakhstan, Phương Đông có diện tích nhỏ hơn 10 lần nhưng lại có đầy đủ những tổ hợp và công trình cần thiết cho một sân bay vũ trụ hiện đại của tương lai.
Trong vòng 3 năm tới, Chính phủ Nga sẽ đầu tư 24,7 tỷ rúp (tương đương 823 triệu USD) để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng của Phương Đông. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2016, tổ hợp bệ phóng thứ nhất sẽ đi vào hoạt động và bắt đầu phóng các thiết bị vũ trụ.
Bệ phóng thứ hai sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2016-2018. Sau đó, kể từ năm 2018-2020, Phương Đông sẽ chính thức đảm nhiệm phóng các tàu vũ trụ có người lái.
Theo Báo Đất Việt