Tham vọng ngành chip của EU vấp phải “đá tảng”

Thứ 4, 18/09/2024 11:41

Việc Intel dừng các dự án ở châu Âu là “đòn giáng” vào nỗ lực của EU nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số công nghệ quan trọng, bao gồm chất bán dẫn.

Gã khổng lồ công nghệ Intel có trụ sở tại Mỹ vừa thông báo sẽ hoãn việc xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch lớn tại Magdeburg, Đức và cũng đình chỉ một khoản đầu tư khác tại Ba Lan trong 2 năm nhằm bù đắp những khoản lỗ lớn.

"Chúng tôi sẽ tạm dừng các dự án của mình tại Ba Lan và Đức trong khoảng 2 năm dựa trên nhu cầu thị trường dự kiến", CEO Intel Patrick P. Gelsinger cho biết trong một bài đăng trên blog vào tối muộn hôm 16/9.

Hai dự án – được tài trợ một phần thông qua tài trợ chính phủ – là những phần quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội khối để tăng khả năng phục hồi và tính độc lập của ngành này. Đạo luật Chips của EU, có hiệu lực kể từ tháng 9 năm ngoái, đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của châu Âu lên 20% vào năm 2030.

Tham vọng ngành chip của EU vấp phải “đá tảng”- Ảnh 1.

Intel đang phải vật lộn với tình trạng thua lỗ và đã khởi xướng một chương trình cắt giảm chi phí, bao gồm đình chỉ dự án xây dựng nhà máy ở Magdeburg, Đức. Ảnh: Yahoo!News

Khoản đầu tư 30 tỷ Euro của Intel vào Magdeburg là dự án lớn nhất được lên kế hoạch theo Đạo luật Chips của EU, với 1/3 số tiền đến từ các khoản trợ cấp của chính phủ Đức. Dự án trị giá 4,2 tỷ Euro của công ty tại Ba Lan được ca ngợi là "khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Ba Lan". Trong số đó, 1,7 tỷ Euro sẽ đến từ viện trợ của nhà nước, theo truyền thông Ba Lan.

Các kế hoạch đầy tham vọng này dường như đã bị cản trở bởi những khó khăn về tài chính của Intel. Intel đang tiến gần đến năm thứ 3 liên tiếp doanh số bán hàng giảm, với giá cổ phiếu mất khoảng 56% giá trị vào năm 2024, khiến công ty trở thành một trong những cổ phiếu có hiệu suất kém thứ hai trên chỉ số S&P 500.

Hồi tháng 8, Intel báo cáo khoản lỗ 1,6 tỷ USD (1,4 tỷ Euro) trong quý II năm nay, cũng như các đợt sa thải đáng kể, "tái cơ cấu và hoạt động trên toàn công ty" và cắt giảm chi tiêu hơn 10 tỷ USD vào năm 2025 so với dự kiến.

"Mọi con mắt đều đổ dồn vào Intel kể từ khi chúng tôi công bố thu nhập quý II", ông Gelsinger viết. Vị CEO là người đã cố gắng mở rộng mạng lưới nhà máy của công ty trong bối cảnh doanh số bán hàng giảm. Cuối cùng gã khổng lồ Mỹ đã cân nhắc một số lựa chọn để giải quyết các khoản lỗ, bao gồm cả việc tách bộ phận sản xuất của mình, trước khi quyết định đình chỉ các dự án tại Đức và Ba Lan, Bloomberg đưa tin.

Intel vẫn kiên định với các khoản đầu tư của mình tại Mỹ, quốc gia cũng đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất chip của mình. Hôm 16/9, Intel cũng thông báo rằng họ đã được cấp thêm 3 tỷ USD (2,7 tỷ Euro) tiền tài trợ trực tiếp của chính phủ để phát triển chất bán dẫn cho quốc phòng và tình báo. Con số này nằm ngoài khoản tài trợ trực tiếp 8,5 tỷ USD, cắt giảm thuế lên tới 25 tỷ USD và các khoản vay lên tới 11 tỷ USD mà công ty này đã đạt được thỏa thuận trước đó với Bộ Thương mại Mỹ.

Việc Intel dừng các dự án ở châu Âu là "đòn giáng" vào nỗ lực của EU nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số công nghệ quan trọng, bao gồm chất bán dẫn. Động thái này của công ty Mỹ cũng gây rắc rối cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người hôm 17/9 vừa công bố đội ngũ của mình cho nhiệm kỳ 2 và muốn một "chiến lược công nghiệp mạnh mẽ hơn".

Minh Đức (Theo Euractiv, Politico EU)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.