Tham vọng "khó nuốt"
Hồ Ellsworth tồn tại do sức nóng nhiệt địa từ mặt đất nung chảy phần bên dưới của lớp băng dày, dẫn đến tình trạng nước lỏng tập trung trong thung lũng hạ băng với kích thước tương tự hồ Windermere của Anh có chiều dài 17km, rộng 1,6km và sâu 67m. Các nhà khoa học Anh cho biết hồ ngầm nằm dưới mặt băng 3km ở Tây Nam Cực này có thể tiết lộ nhiều điều về cuộc sống trên Trái đất cách đây hàng triệu năm và giúp thu hẹp việc tìm kiếm cuộc sống ngoài Trái Đất.
Hồ Ellsworth có thể chứa vi khuẩn, vi sinh vật và các dạng sống đơn bào mà các chuyên gia tin rằng chúng còn sót lại từ hàng triệu năm trước. Các nhà khoa học cũng hy vọng những trầm tích lấy từ lòng hồ sẽ củng cố thuyết Dải Băng Tây Nam Cực tan chảy do sự nóng lên toàn cầu và sụp đổ trong quá khứ đồng thời làm rõ tại sao sinh vật có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt nhất trên hành tinh, một đầu mối giúp các nhà thiên văn tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.
Việc chuẩn bị cho dự án tham vọng này quả là một "sự cố gắng vĩ đại" của những người tham gia. Chỉ riêng khâu chuẩn vị với việc vận chuyển gần 100 tấn thiết bị đến một trong những nơi xa xôi tận cùng trái đất, nhiệt độ mùa hè chỉ dao động ở mức - 25 độ C cũng đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc.
Vào năm ngoái, nhóm tiền trạm đã phải rất vất vả để chuyển gần 70 tấn thiết bị vượt qua quãng đường 16.000km từ Anh đến địa điểm khoan. Để hoàn chỉnh việc chuẩn bị cho "sứ mệnh khó nuốt này" họ còn phải chuyển thêm 16 tấn nữa trong năm nay.
Các kỹ sư đang thực hiện mũi khoan xuống lớp băng dày.
Nhóm nghiên cứu gồm 12 nhà khoa học Anh do giáo sư Martin Siegert, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ đại học Bristol dẫn đầu cũng phải vượt qua những thử thách không kém. Họ đã phải ngủ và sống chen chúc trong những túp lều con hàng tháng trời nhằm kiểm tra sức bền của con người trong điều kiện khắc nghiệt ở cực nam Trái đất. Và quan trọng hơn là để rèn luyện sức khỏe cũng như thích nghi với thời tiết ở đây nhằm hoàn thành sứ mệnh khám phá thế giới bị đánh mất nằm đông cứng bên dưới lớp băng dày trong hàng trăm ngàn năm.
Sự trở về thất bại
Việc chuẩn bị cho những mũi khoan xuống lòng hồ Ellsworth được thực hiện rất kỹ càng. Mũi khoan được thiết kế để phun luồng nước nóng lên đến 100 độ C với áp suất cao để làm băng tan chảy. Các chuyên gia cũng đã phải bỏ nhiều công sức để tìm được cách vô trùng thiết bị khoan nhằm tránh tình trạng nhiễm khuẩn khu hồ. Điều đặc biệt là khi hoạt động khoan bắt đầu, các kỹ sư không thể ngừng lại cho đến khi kết thúc công việc vì toàn bộ phần đã đào có thể bị đông lại trong vòng 24 giờ. Khi khoan đến hồ Ellsworth, các chuyên gia sẽ chuyển thiết bị quan sát xuống và bắt đầu quá trình thu thập mẫu vật.
Các mũi khoan đầu tiên được nhóm nghiên cứu tiến hành trong sáng sớm ngày giáng sinh năm 2012 (24/12). Họ đều rất háo hức về kết quả sau nhiều ngày vất vả chuẩn bị và chờ đợi. Tuy nhiên, sự thất vọng nặng nề hiện lên khuôn mặt của các chuyên gia khi mũi khoan đã phải dừng lại ngay khi mới chỉ đi sâu được 300m dưới lớp băng. Nhiệt độ và công suất vẫn chưa đủ làm cho mũi khoan có thể tiến sâu hơn nữa.
Các nhà khoa học đành phải "ngậm ngùi" trở về để chuẩn bị thực hiện lại dự án "khó nuốt" vào năm tới. Nhưng điều này cũng giống như một canh bạc trong khoa học vậy, họ có thể sẽ lại thua cuộc...
Giáo sư Martin Siegert, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng trong hơn 24 giờ nhưng cuối cùng cũng không thể đạt được kết quả như mong muốn. Mặc dù hoàn cảnh khách quan không cho phép chúng tôi hoàn thành dự án nhưng đội ngũ nhân lực và các đồng nghiệp của tôi đã làm hết sức có thể.
Sau khi trở lại Anh, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cách thức để giải quyết vấn đề này. Tôi vẫn tự tin rằng chúng tôi sẽ mở khóa được những bí mật của hồ Ellsworth trong thời gian không xa".
Những giả thuyết rằng các hồ subglacial (hồ nước sâu dưới một sông băng) là môi trường sống khả thi cho cuộc sống, chứa các hồ sơ quan trọng lịch sử của băng và khí hậu đã được các nhà khoa học đưa ra từ 16 năm trước. Tuy nhiên đến giờ, những giả thuyết này vẫn chưa được kiểm chứng bởi điều kiện thực tế với lớp băng quá dày khiến việc khảo cứu không hề dễ dàng. Vì việc nghiên cứu khó khăn như vậy nên trong những năm qua các nhà khoa học đã không ngừng tìm kiếm lời giải cho những bí mật dưới dòng sông băng. Thất bại của các nhà khoa học trong lần đầu tiên thám hiểm vùng đất này đã chứng tỏ việc chinh phục thế giới tự nhiên luôn là thách thức đối với con người. |
Gia Hân (Theo BBC)