"Bảo bối" chữa bách bệnh
Theo cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã được tái bản rất nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng thì cây từ bi thuộc họ cúc, có nhiều tên gọi khác là băng phiến, long não hương, mai hoa não, ngãi phiến, đại bi. Cây từ bi được phân bố khắp nơi, thường mọc thành bãi ở nơi có ánh nhiều ánh sáng, cây cao từ 1,5 đến 2,5m. Cây Từ bi là loại cây chỉ mọc trên đại ngàn Trường Sơn, từ "từ bi" là cách gọi của người Pa Cô. Lá có kích thước cỡ nửa bàn tay người lớn, màu xanh mướt, không có mùi đặc trưng, nhìn thoáng qua thì giống chiếc lá dâu ở miền xuôi. Cũng theo sách này thì lá từ bi chủ yếu được dùng để chữa cảm sốt, chữa ho, trừ đờm, đầy bụng không tiêu, lá cây cũng có hiệu nghiệm rất lớn đối với việc chữa trị bệnh tật của trẻ em... Còn băng phiến được chiết xuất từ lá này có vị cay, đắng, có tác dụng sáng mắt, chữa đau bụng, ho lâu ngày, đau răng, bôi vào chỗ lở loét...
Trong thực tế, đồng bào vùng cao các huyện miền tây của tỉnh Quảng Trị như Hướng Hóa, Đakrông đều sử dụng cây từ bi để chữa... bách bệnh, đặc biệt là trong việc thổi các bệnh về xương khớp, gãy chân tay, trị các loại nọc độc của rắn.
Ông Rây đang chữa bệnh cho anh Lợi bị gãy chân bằng lá từ bi và... thổi.
Chia sẻ về loại cây đặc của đồng bào dân tộc Vân Kiều mình, ông Hồ Văn Hùng (59 tuổi), trú Bản Xe Túc, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, người hơn 40 năm chữa bệnh cho dân bản và nhiều người từ xuôi lên cho hay: "Lá từ bi chữa được rất nhiều bệnh thường gặp, nó không những hiệu nghiệm mà còn dễ tìm và rẻ tiền". Nhưng ông cũng thẳng thắn chia sẻ, nếu chỉ dùng lá cây đó thôi thì không thể chữa được bệnh mà lá cây đó còn phải có sự kết hợp với ly rượu cúng từ những thầy lang của dân bản, chứ người bình thường không biết cách chữa trị thì sẽ không hiệu nghiệm.
Lương y Trương Đình Ý, phó chủ tịch hội Y học cổ truyền huyện Hướng Hóa cho biết, hiện nay Hội có 140 hội viên, một phần ba trong số đó là người Vân Kiều, Pa Cô và hầu hết họ đều dùng lá từ bi như bảo bối trong cách chữa bệnh của mình. Từ bi là một loại cây nhỏ bé, chẳng có gì nổi bật nếu như ta không chạm vào nó, lấy tay vò nhẹ sẽ toát ra một mùi thơm lạ lùng. "Có khi phải mất cả ngày mùi thơm đó mới tản đi hết. Người dân tại các bản đều sử dụng cách chữa trị đó. Thú thực tôi là người trong nghề nhưng cũng chưa hiểu hết sự màu nhiệm của lá cây từ bi", ông Ý nói.
Theo sự giới thiệu của ông phó chủ tịch Hội y học cổ truyền, chúng tôi đi tìm ông Hồ Văn Rây (SN 1946), ở khóm 5, thị trấn Khe Sanh (huyện Đakrông). Quả nhiên, với tài thổi chữa bệnh của mình từ lá từ bi ông Rây rất nổi tiếng, được bà con kính trọng. Bằng chứng là khi chúng tôi tạt vào một quán nước ven đường hỏi nhà ông Rây, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều gật đầu nói biết, rồi tận tình chỉ đường vào nhà ông cho chúng tôi.
Trong đám người đó, có ông Hồ Văn Tùng (46 tuổi) ở khóm 1, thị trấn Khe Sanh liền chạy đến hồ hởi bắt chuyện, vừa nói người đàn ông này vừa đưa cánh tay phải bầm tím ra. "Ông ấy chữa giỏi lắm, cả huyện này ai mà chả biết. Năm ngày trước tôi bị rắn lục xanh cắn vào cánh tay, sau khi đến chữa trị nhà ông Rây bằng chiếc lá từ bi, giờ thấy đỡ không còn đau nhức như hôm mới bị rắn cắn nữa. Thầy nói, viết thương của tôi chỉ cần khoảng 12 ngày là khỏi hẳn". Ông Tùng còn cho biết thêm, cách đây ba năm ông bị gãy ba chiếc xương sườn bên phải và một xương sườn bên trái, sau khi chữa trị tại nhà ông Rây khoảng hai tuần, ông đã dần trở lại như người bình thường, hiện nay người đàn ông này đã bình phục hoàn toàn.
Ông Hồ Văn Rây bên báu vật của mình gồm lá từ bi và chai rượu cúng.
"Từ bi phải đi liền với phép thổi"
Căn nhà ông Rây khá khang trang, được thiết kế theo phong cách của đồng bào miền xuôi, nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là rất đông đồng bào dân tộc đang ngồi trong nhà. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Rây liền cười giòn và nói: "Đó là những bệnh nhân từ các bản đến chữa trị đó. Bữa ni đông người quá nên miềng (tôi - pv) chữa bệnh không kịp".
Ông Hồ Văn Rây trước kia làm công an, hơn 30 năm công tác trong ngành, ông đã đi sâu vào các bản làng, cùng ăn, cùng ngủ với đồng bào. Do vậy, ông hiểu được những khó khăn của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nhất là cái đói và bệnh tật. Sau khi về hưu, với kinh nghiệm gia truyền được học từ khi lên 10 tuổi, ông bắt đầu áp dụng chữa trị cho nhiều người trong bản. Dù là một tay ngang trong nghề y nhưng tên tuổi của ông vang rất xa. Những bệnh nhân tìm đến ông có từ khắp nơi, trong tỉnh có mà ngoài tỉnh thì càng nhiều. Hơn thế nữa nhiều vị lãnh đạo và những người giàu có cũng phải đến cầu cạnh ông. "Độc chiêu" của ông Rây chính là chữa bệnh về thoái hóa đốt sống, gai cột sống, gãy xương, có nhiều ca bệnh viện trả về ông vẫn chữa được. Và liều thuốc duy nhất mà ông thường dùng đó là chiếc lá từ bi.
Trong số những bệnh nhân ông đang chữa trị có anh Lợi (35 tuổi), xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Lâm (Quảng Trị). Anh Lợi bị gãy chân khi sang Lào làm thuê. Sau khi chụp phim ở bệnh viện Trung ương Huế xong, anh liền cầm phim lên cho ông Rây xem xét để chữa trị. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò về cách chữa bệnh trên, ông Rây liền mời chúng tôi tận mắt chứng kiến cách ông chữa bệnh cho anh Lợi. Sau khi đã chuẩn bị xong lá từ bi và chai rượu cúng, một tay ông cầm khoảng hai chiếc lá, rồi xoa nhẹ lên vết thương, đồng thời với hành động đó là ông ngậm rượu rồi thổi phù phù lên chỗ cần chữa trị, sau đó ông lẩm nhẩm mấy câu trên miệng. Ông lặp, đi lặp lại liên tục chừng hai phút là hoàn thành việc chữa bệnh. Sau khi hoàn thành thao tác, ông rót cho người bệnh một ly rượu để họ cùng uống. "Chỉ với một lá từ bi, bằng phương pháp thổi nhưng mỗi bệnh bắt buộc tôi phải đọc những câu khác nhau thì mới hiệu nghiệm", ông Rây nói.
Điều đáng lưu ý nữa là trong quá trình chữa trị bằng thuật thổi, cả người bệnh lẫn "thầy thổi" phải tuyệt đối kiêng những thức ăn nhiều mỡ, đạm như thịt chó, mèo, thịt rắn... nếu phạm phải sẽ khiến "phép mất thiêng, bệnh không khỏi".
Nhìn cách chữa bệnh bằng cách xoa xoa lá từ bi, nếu ai là người "bình thường" thì chắc sẽ hoài nghi, có người phải cười phì nhưng trớ trêu đa số những người bệnh khi được chữa trị bằng cách này đều đã khỏi hẳn. Họ đều coi những người thầy thuốc đó là ân nhân cứu mạng. Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều có rất nhiều thầy lang chữa khỏi bệnh bằng phương pháp đó như ông Hồ Vế (xã Tân Liên), ông Hồ Cù (bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo), bà Hồ Thị Năm (thị trấn Khe Sanh) đã chữa bệnh nhiều năm với chiếc lá từ bi. "Nếu có kinh phí và ai đó nhiệt huyết bỏ công nghiên cứu sâu hơn về lá từ bi và cách "thổi" bằng rượu và lá từ bi thì thật tốt...", ông Ý khơi gợi.
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa lý giải được sự hiệu nghiệm của cây từ bi và phương pháp thổi của đồng bào các dân tộc vùng núi. Thế nhưng, đồng bào dân tộc và nhiều người vùng xuôi hoàn toàn tin vào công dụng của cây từ bi khi chiếc lá đã chữa bách bệnh cho con người.
Bí kíp gia truyền Hỏi cặn kẽ thì ông Rây vẫn quyết giấu nghề, không chịu giải thích gì, rồi nói: "Đó là bí quyết của ông bà lưu truyền lại, không thể tiết lộ được. "Mỗi ngày thổi đều đặn hai lần vào sáng sớm và chiều tối. Đối với trẻ em, người nhỏ tuổi chỉ cần "thổi" chưa đến mười ngày sẽ khỏi. Còn với người lớn tuổi quá trình này dài hơn nhưng tối đa chưa đến một tháng sẽ hoàn toàn dứt bệnh", "thầy thổi" Rây khẳng định. Ông cũng không quên chú thích rằng, phép thổi chỉ chữa được những chứng bệnh đã xác định rõ nguyên nhân, còn các bệnh khác chung chung thì không thể chữa bằng phương pháp này được. |
Kim Long - Loan Nguyễn