'Thần đèn' đất Bắc: 'Kẻ gở mồm' và ý tưởng gây choáng váng

'Thần đèn' đất Bắc: 'Kẻ gở mồm' và ý tưởng gây choáng váng

Thứ 5, 01/08/2013 10:29

Không giống những người thợ khác, ở "thần đèn" Đỗ Quốc Khánh, không một bí quyết nào được coi là thần bí và không thể tiết lộ. Một điều nghe có vẻ đặc biệt, nhưng đó lại chính là sự khác biệt để làm nên tên tuổi của một Đỗ Quốc Khánh lẫy lừng trong làng xây dựng Việt Nam.

10 lần xin việc đều bị từ chối

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, trải qua không ít sóng gió, từng nếm đủ mùi thất bại, "thần đèn" Đỗ Quốc Khánh đã để lại một bộ sưu tập độc nhất vô nhị những công trình được di dời. Mỗi công trình được di dời thành công, là thêm một lần tên tuổi ông lan đến tận... thế giới. Nhiều người những tưởng vị "thần đèn" đã nắm được một bí mật thần kì nào đó. Nhưng thật bất ngờ, những bí mật ấy đã được ông Khánh tiết lộ thẳng thắn, thậm chí khuyến khích đồng nghiệp học theo. Vừa nói, "thần đèn" vừa chỉ đống linh kiện xếp gọn trên giá "trông nhỏ vậy thôi, nhưng đừng coi thường. Những "con rùa" này có thể cõng trên mình khoảng 30 tấn đấy", "thần đèn" Khánh vui vẻ cho biết thêm.

Xã hội - 'Thần đèn' đất Bắc: 'Kẻ gở mồm' và ý tưởng gây choáng váng

Hiện trường khu nhà 3.000 tấn và là công trình được xét kỉ lục Việt Nam năm 2008.

Chưa từng nhận mình là người thành công, nhưng thực tế, ông đã làm nên những kì tích. Thậm chí, nhiều người còn không ngần ngại thốt lên, vị "thần đèn"... bất bại. Nhưng với ông Khánh, thành công không thể tồn tại độc lập, mà luôn song hành với thất bại. Và chính ông cũng thừa nhận, ông cũng từng đón nhận thất bại. Ít ai biết rằng, ông từng có thời gian dài... thất nghiệp. Sau 10 năm tu nghiệp tại Tiệp Khắc, ông về nước hăm hở đi xin việc nhưng đều nhận được cái lắc đầu nguây nguẩy chỉ vì: ngành học quá lạ. Mười lần xin việc, cũng từng ấy lần ông chua chát vì chẳng nơi nào nhận.

Một tình huống dở khóc dở cười khác mà ông cũng từng gặp phải. Lần đó, cả đội tham gia thi công chống lún cho công trình chợ Đồng Xuân. Sẵn máu nghề nghiệp, ông đã tự sáng chế ra chiếc máy thay thế sức người. Hiệu quả thì ai cũng nhìn thấy nhưng ông bị rơi vào tầm ngắm của sếp vì dám tự ý vượt mặt lãnh đạo. Một thời gian sau, ông bị cho nghỉ việc tạm thời không lương mà chính ông cũng không hiểu được lý do. Bài học để đời mà giờ nhớ lại ông Khánh vẫn nở nụ cười hóm hỉnh.

"Thần đèn" Việt Nam làm thế giới kinh ngạc

Đã quen gọi ông là "thần đèn", nhưng chính chúng tôi cũng không thể lí giải gốc tích của danh xưng này. Hỏi chủ nhân, thì được ông cho hay: Đó là một sự tình cờ, do bạn bè quốc tế gán cho. Ít người biết, Đỗ Quốc Khánh chính là công dân châu Á đầu tiên được kết nạp vào Hiệp hội quốc tế về di dời nhà. Biệt danh "thần đèn" với những phép màu thần kì, hô biến cũng xuất hiện sau khi ông chinh phục thành công căn nhà nặng 3.000 tấn trên đường Láng Hòa Lạc (Hà Nội) năm 2008

Xã hội - 'Thần đèn' đất Bắc: 'Kẻ gở mồm' và ý tưởng gây choáng váng (Hình 2).

Chân dung cha con "thần đèn" Đỗ Quốc Khánh.

Nhớ lại thời điểm di dời căn nhà "khủng" đó, chính "thần đèn" còn thấy toát mồ hôi hột bởi đây là công trình có quy mô lớn đầu tiên ông đảm nhận. Mặt khác, áp lực từ sự thất bại của các công ty khác, trong đó có cả một vị "thần đèn" nổi tiếng ở miền Nam (giấu tên) khiến "thần đèn" ngoài Bắc phải phân vân trước khi đi đến quyết định kí vào bản hợp đồng có giá nửa tỷ đồng. "Lúc đó, chính chủ nhà cũng không dám chắc về khả năng thành công của công trình. Chỉ biết rằng khi được chúng tôi nhận lời, họ cũng mừng lắm, nhưng vẫn không giấu nổi vẻ lo lắng", ông Khánh nhớ lại.

Hồi đó, chính những chuyên gia xây dựng, người dắt mối cho ông Khánh cũng không dám tin là công trình sẽ được di dời thành công. Sau hơn chục ngày can thiệp, công trình nặng 3.000 tấn đã chuyển động và thay đổi vị trí. Cuối cùng, nó dừng lại ở mốc 50m an toàn theo yêu cầu của gia chủ. Lập tức, thông tin chấn động này đã đến tai Hiệp hội di dời quốc tế. Và chỉ ít lâu sau, một quyết định công nhận công trình di dời nặng nhất thế giới trong năm 2008 đã được chuyển đến tay "thần đèn".

Theo ông Khánh, trong lần sang gặp Hiệp hội, chính những giáo sư nổi tiếng sinh hoạt trong hội cũng không thể tin nổi về những thành công của vị "thần đèn" Việt Nam. Trong mắt họ, đến giờ, con người nhỏ bé kia vẫn là một điều bí ẩn mà như chính lời của một lãnh đạo Hiệp hội: "cần những nghiên cứu sâu về ông, hơn là những thành công của ông".

Ý tưởng gây choáng váng

Bậc thầy cảnh báo nhà nguy hiểm

Một trong những câu chuyện thú vị khác mà "thần đèn" chia sẻ đó chính là cái tài suýt kèm theo tai họa mà ông từng trải qua. Sự là, những ngày chân ướt chân ráo bước vào nghề, nhiều người phủi tay gọi ông là "kẻ gở mồm". Họ thậm chí còn xua đuổi mỗi khi ông xuất hiện. Sau này tìm hiểu mới biết, họ cho rằng ông toàn nói điều... xui xẻo. Cũng chẳng trách họ được, khi những lần đi khảo sát công trình, thấy điểm không bình thường, ông Khánh đều tìm gặp gia chủ và cảnh báo rằng: "Nhà trong tình trạng nguy hiểm...". "Cũng may là dần dần người dân hiểu ra", ông cười nhân hậu.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, "thần đèn" xứ Bắc chỉ cần nhìn ngôi nhà là biết tình trạng của nó như thế nào. Thậm chí, có người còn đồn thổi, ông Khánh có khả năng "bắt bệnh" nhà nghiêng và chữa bệnh mà không tái phát.

Ở tuổi lục tuần, nhưng nhìn lịch trình làm việc của "thần đèn" Quốc Khánh, nhiều thợ trẻ còn phải xuýt xoa kính nể. Vị "thần đèn" đất Bắc làm việc với tất cả sự đam mê, nhiệt huyết, ông luôn mong mỏi được truyền nghề cho thế hệ trẻ. "Tuổi cũng già rồi, thời gian qua nhanh lắm. Tôi cũng chỉ mong đem lại cho ngành xây dựng nói chung và nghề xử lý lún, nghiêng ở nước ta những ứng dụng tiến bộ mà thôi", ông Khánh tâm sự.

Bản thân ông Khánh cũng phải thừa nhận, đây là nghề khô khan. Do vậy, ông luôn làm mềm hóa những thuật ngữ công trình, xi măng... và gọi tên nghề là nghề "khám bệnh công trình". Theo ông, quy trình xử lý sự cố công trình không khác phác đồ điều trị bên ngành y. Lý thuyết bệnh học công trình dù đã khá phổ biến trên thế giới, song tại Việt Nam, nó lại hoàn toàn mới mẻ và chưa được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Mặt khác, do quan niệm ở Việt Nam, đó là công trình sau khi thi công xong thì không còn "sống" nữa, chỉ khi nào có sự cố xảy ra người ta mới bảo trì mà không có bảo trì định kì. Bởi vậy, theo ông Khánh, đến khi sự cố xảy ra thường rất khó khắc phục. 

Trước khi chia tay vị "thần đèn" Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi được ông tiết lộ, vào ngày không xa, ông sẽ hoàn thiện giấc mơ đẩy nhà... lên núi, góp thêm vào bảng kỉ lục di dời công trình ở độ cao nhất. Nếu không có gì thay đổi, ông sẽ thực hiện được ước mơ đẩy nhà lên núi trong vòng một, hai năm tới. 

Ứng dụng việc di chuyển không cần điểm tựa

Ông Khánh phân tích, các đồng nghiệp cho rằng cần một điểm tựa để di chuyển ngôi nhà nhưng theo ông không cần điểm tựa vẫn có thể di chuyển. Chính phát ngôn này đã từng có thời gian dài gây sốc, ngay cả đối với những chuyên gia đầu ngành xây dựng. Nhưng thực tế minh chứng, "thần đèn"... nói được, làm được.

Ông đã thành công trong việc di chuyển ngôi nhà nặng 3.000 tấn mà không cần dùng điểm tựa với công cụ chính là những con lăn. Cũng theo tính toán của ông Khánh, khi đó, trọng lượng ngôi nhà được đặt trên con lăn sẽ giảm đi chỉ còn 1/10 so với trọng lượng thực, như vậy, thực tế là không hề cần một điểm tựa nào cả. "Khi thực hiện công trình, chúng tôi chỉ thiết kế thêm những đường ray luồn dưới chân tòa nhà, sau đó dùng máy kéo để đẩy ngôi nhà tới vị trí yêu cầu mà thôi", "thần đèn" tiết lộ.

Anh Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.