Thần đồng 24 tháng tuổi chống chọi với căn bệnh bạch cầu cấp

Thần đồng 24 tháng tuổi chống chọi với căn bệnh bạch cầu cấp

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Cậu bé đánh đàn “tự chế” rất hay, thuộc ngay những bài hát mới nghe.

Lần đầu tiên gặp Nguyễn Bảo Lâm tại lớp học Nhân Aái ở Viện Huyết học Trung ương là lúc bé liên tục đòi: “Bà ơi mở đàn”. Ngạc nhiên trước đòi hỏi của đứa trẻ 2 tuổi, tôi lân la hỏi chuyện. Bà ngoại cậu vừa cố dỗ dành cháu vừa giãi bày tình thế khó xử của mình: Bé rất thích được đánh đàn, nhìn thấy đàn là “thèm”.

Pháp luật - Thần đồng 24 tháng tuổi chống chọi với căn bệnh bạch cầu cấp

Bé Bảo Lâm hồn nhiên, vui tươi ngay khi bé mới truyền nước xong.

16 tháng hát được tất cả bài hát đã nghe

Gia đình không biết cậu bé có thể nhận biết được phím đàn hay không nhưng có thể đánh được những bài “tự chế” rất hay. Cậu tỏ ra rất say mê và hứng thú mỗi khi tiếng đàn được cất lên từ những ngón tay của mình. Và cứ thế, cây đàn nhanh chóng trở thành một sức hút kỳ lạ đối với cậu bé mới 2 tuổi này. Ở đâu có cây đàn là cậu tìm mọi cách để được đặt ngón tay lên phím. Trước sự đam mê âm nhạc và ham muốn được đánh đàn, bố mẹ cậu bé đã mua cho con chiếc đàn đồ chơi

Nhưng bé có thể nhận biết được một chiếc đàn đồ chơi trẻ em và cây đàn piano thật. Trong khi trước đó cậu mới chỉ được nghe các đĩa nhạc của bé Xuân Mai mà chưa từng một lần biết chiếc đàn piano có hình dạng như thế nào. Được bà ngoại cõng đến lớp học Nhân ái (lớp học dành cho những trẻ em không may bị mắc căn bệnh bạch cầu cấp hiểm ác ở Viện huyết học) Bảo Lâm đã làm mọi người ngạc nhiên. Chiếc đàn piano nằm gọn ở góc nhà đã được đóng cẩn thận nhưng bé vẫn nhận ra và nằng nặc đòi bà mở ra để đánh đàn. Bà ngoại bé phải dỗ dành đủ thứ nhưng bé vẫn không quên cây đàn. Sau khi được chạm vào đàn, Bảo Lâm không ngừng ca hát các bài hát thiếu nhi, giọng cậu thánh thót, rõ từng câu chữ, ngây thơ, trong trẻo và dễ thương.

Cảm kích trước niềm say mê âm nhạc của em bé mắc bệnh hiểm nghèo, tôi trở lại Viện Huyết học thăm Bảo Lâm. Lần này tôi mới có cơ hội được nghe câu chuyện kỳ lạ về một thiên tài âm nhạc. Mẹ của bé kể trong nước mắt: “Từ khi bé sinh ra đã là một thiên thần rất dễ thương. Mỗi khi đến giờ ăn chỉ cần bật đĩa ca sỹ “nhí” Xuân Mai là bé ngoan ngoãn ăn rất nhanh. Và cứ như vậy, âm nhạc đã ngấm vào cậu bé lúc nào không hay. Sự chăm chú cùng những động tác “múa máy chân tay”, những tiếng bi bô theo những nhịp nhạc đã hé lộ thiên tài âm nhạc bẩm sinh. Và khi được16 tháng tuổi, cậu bé cất tiếng gọi mẹ, gọi bố, gọi bà.

Một lần đang cho con ăn, mẹ bé giật mình bởi tiếng hát của con mình. Bé Bảo Lâm hát rõ từng câu theo nhạc bài “Cả nhà vui” cùng ca sĩ “nhí” Xuân Mai. Không thể tin được, mẹ bé nhiều lần thử kiểm tra xem con thuộc lời, nhạc thật không, kết quả, lần nào Bảo Lâm cũng hát rất chuẩn. Bố mẹ yêu cầu, bé có thể hát gần như tất cả những bài hát đã từng được nghe từ các đĩa Xuân Mai. Niềm hạnh phúc ngập tràn trong lòng đôi vợ chồng trẻ với hi vọng về một tương lai sáng ngời của con.

“Mong con mãi ca hát bên bố mẹ”

Hạnh phúc và có phần tự hào về con, bố mẹ cậu quên đi mọi vất vả của cuộc sống. Nhưng không thể ngờ, chỉ qua một cơn sốt của con, cháu Bảo Lâm nổi mẩn đỏ khắp mặt. Chị Nguyên (mẹ của bé) hoảng hốt vội đưa con đến bệnh viện huyện Từ Liêm để điều trị. Các bác sỹ kiểm tra và đưa ra chẩn đoán, cậu bé có khả năng mắc bệnh “bạch cầu cấp”. Bác sỹ nói, cần phải chuyển cậu lên tuyến trên thì sẽ tốt hơn, chị hoang mang không rõ con mình mắc phải căn bệnh nguy hiểm ra sao. Đến bệnh viên Xanh pôn chị mới thực sự bị “sốc” khi biết về căn bệnh quái ác mà đứa con bé bỏng của chị đang mắc phải. Chị gần như chết lặng. “Nước mắt lưng tròng”, chị ôm con sang Viện huyết học trung ương để điều trị.

Đến đây, bé được kiểm tra lại cẩn thận và kết quả vẫn như cũ. Còn Bảo Lâm, dù đau đớn chịu đựng bệnh tật, vẫn ngây thơ hát: “Ba thương con thì con giống mẹ, mẹ thương con thì con giống ba. Cả nhà ta cùng yêu thương nhau. Xa là nhớ, gặp nhau là cười”. Nhìn con ngây thơ hát mà chị xót xa: “Chừng nào còn có thể duy trì sự sống cho con để con có thể vô tư hát ca thì chừng đó anh chị sẽ không ngừng cố gắng chạy chữa”.

Chị Nguyên là công nhân cho công ty may tại xã Thượng Cát, chồng chị cũng chỉ là một công nhân lắp đặt điện nước ở xã. Hai vợ chồng đều là công nhân, lương “ba cọc ba đồng”. Vì thế, trong thời buổi kinh tế khó khăn, anh chị chỉ đủ sống ở mức tiết kiệm nhất. Bà nội bé Bảo Lâm rất thương cháu, khi biết cháu bị bệnh, bà lấy hết khoản tiền chuẩn bị sửa sang nhà để cho cháu.

Để chống chọi với căn bệnh hiểm ác, hàng ngày, bé phải tuân theo phác đồ điều trị với từng diễn biến của bệnh bạch cầu cấp. Cháu chưa đầy chục cân nhưng mỗi ngày phải đưa vào trong người 3 chai kháng sinh, hóa chất để “chiến đấu” với bệnh. Càng ngày bé càng ăn ít đi, thay vào đó là kháng sinh, hóa chất. Nhìn nước da vàng vọt, những đường gân xanh hiện lên đôi tay, đôi chân tí hon của Bảo Lâm, hai vợ chồng trẻ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong lòng. Họ vẫn phải gắng cười, hát bắt nhịp bài quen thuộc để xoa dịu cơn đau cho con. Họ mong ước làm sao có đủ tiền để kéo dài thời gian bên con, được nghe con hát và được nhìn thấy con lớn dần lên với đam mê của mình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Nguyễn Thị Nguyên, đội 1, xóm Đông, xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội, sđt 0982 899 380. Hoặc địa chỉ báo Người đưa tin, tòa nhà A6 khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 0462810837 (nhánh 19), hoặc số đường dây nóng của chuyên mục Ước mơ thành sự thật 0978080388. Những sự giúp đỡ của các “mạnh thường quân” sẽ được chuyển đến tận gia đình và đăng tải đầy đủ trên Người đưa tin.

Bình Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.