Trần Đăng Khoa - "thần đồng thơ văn"
Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, Khoa đã được xem là "thần đồng thơ văn". Lên 8 tuổi, cậu bé đã có thơ được đăng báo. Khi mới 10 tuổi, thần đồng đã cho ra đời tập thơ đầu tiên với tựa đề "Từ góc sân nhà em", do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.
Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ nhí tài năng ra đời sau đó cũng thành công vang dội, được tái bản khoảng 30 lần, dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới. Chưa dừng lại ở đó, Trần Đăng Khoa còn xuất bản 10 tập thơ, 4 tập văn xuôi bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Có lẽ tác phẩm phổ biến nhất trong số đó là bài thơ "Hạt gạo làng ta" mà nhiều người trưởng thành đến giờ vẫn thuộc làu.
Điều khiến tác phẩm của Trần Đăng Khoa “vượt hơn” so với các cây bút cùng trang lứa, đó là thơ, văn của cậu bé thần đồng không chỉ hay ở tài quan sát, ở óc tưởng tượng, mà hay ở khả năng cảm nhận về "bề sâu, bề xa" của đời sống, ở sự "biết nghĩ" trước những vấn đề lớn gắn bó mật thiết với cuộc sống của cộng đồng. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói "Giời đã mượn cái miệng trẻ con của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc".
Cậu bé thần đồng cũng được biết đến nhiều với câu truyện khi mới hơn 10 tuổi đã đề nghị đổi câu thơ "Đường ta đi rộng thênh thang tám thước" thành "Đường ta rộng thênh thang ta bước" trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ là Tố Hữu.
Trần Đăng Khoa ba lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).
Tên tuổi của cậu bé Trần Đăng Khoa từng làm mê mẩn nhiều người. Có những bà mẹ trẻ thời ấy mơ sinh ra một đứa con như Trần Đăng Khoa. Nhưng cho đến bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, các bà mẹ đã không sinh ra được một cậu bé nào như thế.
Trần Đăng Khoa nhập ngũ năm 1975 khi đang học lớp 10/10 tại trường phổ thông cấp 3 Nam Sách. Sau khi thống nhất, việc bổ sung quân cho chiến trường không còn cần thiết nữa, chàng trai theo học Trường Viết văn Nguyễn Du và được cử sang học tại Viện Văn học Thế giới M.Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga.
Khi trở về nước, Trần Đăng Khoa làm biên tập viên Văn nghệ quân đội. Từ tháng 6 năm 2004, khi đã mang quân hàm thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, ông chuyển sang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, giữ chức Phó Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật, sau đó là Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2008, khi Đài tiếng nói Việt Nam thành lập Hệ phát thanh có hình VOVTV, ông được phân công làm Giám đốc đầu tiên của hệ này đến khoảng giữa năm 2011. Hiện nay, ông là Phó Bí thư Đảng Ủy Đài Tiếng nói Việt Nam VOV.
Nguyễn Việt Trung - "thần đồng âm nhạc"
Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996 tại thủ đô Hà Nội, nhưng 1 tuổi đã theo ba mẹ sang Ba Lan sinh sống. Năm 5 tuổi, Trung theo chị đến nhà cô giáo dạy piano. Trong khi chị học, cậu ngồi trên salon theo dõi. Chị vừa dừng đàn, cậu liền tới mon men dạo lại giai điệu, bà giáo sư Ba Lan ngạc nhiên nhận vào dạy rồi kèm rất nhiệt tình khi phát hiện tài năng thiên bẩm bên trong cậu bé.
Ròng rã học tư 6 năm trời, đến năm vào trung cấp, ba giáo sư nổi tiếng của Ba Lan đều ngỏ lời nhận Trung. Từ năm 7 tuổi, năm nào cậu bé cũng tham gia các cuộc thi và giành thứ hạng cao. Cậu từng giành giải nhất cuộc thi piano dành cho trẻ em ở Ba Lan năm 2003, giải Nốt nhạc vàng dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart năm 2006, giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế năm 2007, giải xuất sắc về Chopin dành cho trẻ em quốc tế tại Ba Lan 2008, và giải nhì Halina Czerny Stefanska tại Ba Lan 2009.
Hai giải Nguyễn Việt Trung cảm thấy tự hào nhất là giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski năm 2008 và giải nhì International Competion “Chopin for the Youngest” Antonin diễn ra tháng 2/2010. Tại cuộc thi Ludwik Stefanski duy nhất có Trung mới 12 tuổi, đang học sơ cấp, các thí sinh khác 16 - 17 tuổi đều học trung cấp. Cuộc thi International Competion “Chopin for the Youngest” Antonin có rất nhiều nước tham gia. Đây là giải thưởng khó nhất cho pianist trẻ quốc tế ở Ba Lan, một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt mà mọi người nghĩ cho Trung tham gia cho vui. Bà giáo đưa Trung đi thi chỉ mang theo vài bộ quần áo vì đoán Trung cùng lắm qua được vòng 2. Không ngờ, Trung vượt qua vòng 3 rồi giành giải Nhì.
Trước những thành tích ấn tượng này, tờ Twoja Muza - tạp chí âm nhạc danh tiếng của Ba Lan gọi Trung là "Ngôi sao âm nhạc với tài năng piano không có gì phải bàn cãi”. Nhiều tờ báo trong nước và quốc tế gọi cậu bé sinh năm 1996 là “thần đồng”. Tuy nhiên, Trung ngại nhất khi được gọi như vậy. Bố giải thích cho cậu, thần đồng là tài năng bẩm sinh, bộc lộ khi còn ít tuổi, còn Trung có trí tuệ âm nhạc nhưng được đào tạo bài bản chứ không phải là người chưa học hành gì đã có thể chơi đàn. Vì thế, theo ông, dùng từ “thần đồng” với Trung hơi quá.
Nguyễn Việt Trung từng về Việt Nam biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong đêm hòa nhạc Pastoral symphony tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 12/2012.
Vào tháng 3 năm nay, Trung đã trở thành gương mặt xuất sắc tại giải Junior Academy Eppan dành cho những nghệ sĩ dương cầm có năng khiếu đặc biệt dưới 18 tuổi.
Nguyễn Việt Trung hiện đã trở lại Ba Lan để tiếp tục chương trình học của mình tại nhạc viện Warsaw. Cậu được xem là gương mặt tiêu biểu cho âm nhạc bác học Việt Nam sau Đặng Thái Sơn.
Trần Nam Sơn - "thần đồng" biết đọc khi chưa biết nói
Cách đây hơn 20 năm, Trần Nam Sơn (sinh năm 1983 ở Quảng Ninh) cũng được phát hiện là cậu bé thần đồng có những khả năng đặc biệt: Biết đọc khi chưa biết nói. Người phát hiện và đăng báo về "cậu bé biết đọc khi mới 2 tuổi" là nhà báo Ngô Mai Phong. Năm ấy, Sơn mới 27 tháng tuổi, chưa biết nói bỗng dưng nhìn màn hình karaoke đọc nhoay nhoáy. Sơn gặp cái gì có chữ là đọc, tấm thẻ nhà báo cũng được cậu xướng to lên rất dõng dạc.
Ngày đó Sơn là tâm điểm của báo chí, của những người hiếu kỳ và các nhà nghiên cứu. Khi những tư chất thiên bẩm của Sơn được nhiều người biết đến, chị Ngà (mẹ Sơn) đã nhận được không ít thư từ góp ý về các phương pháp nuôi dạy “thần đồng” để Sơn phát triển được những khả năng đặc biệt của mình. Thế nhưng vì điều kiện nhiều khó khăn nên chị không thể làm theo.
Tuy nhiên, đến giờ, không những không thể phát huy được những khả năng thiên bẩm của mình mà theo chị Ngà, Sơn ngày càng tỏ ra có gì đó không bình thường. Điều dễ nhận thấy nhất là tính Sơn nhút nhát, rất ít khi đi chơi, không thích đến những nơi đông người. Ngày còn nhỏ gần như cậu không có bạn, đến lúc lớn cũng chỉ chơi với một vài người. Ngoài ra, Sơn rất kén ăn, đến năm lớp 9 mà mẹ vẫn còn phải chăm như chăm một cậu bé lớp 1.
Sơn còn có tính lơ đãng, hay quên. Mẹ cậu cho biết, cô giáo chủ nhiệm lớp 10 từng phản ánh, giờ ra chơi cậu thường leo lên đồi ngồi trầm ngâm một mình thay vì nô đùa cùng các bạn.
Học lớp 11, Sơn chỉ thích học vi tính, cậu ước mơ sau này sẽ trở thành một cử nhân tin học. Lâu nay cậu thường xuyên viết và vẽ các bộ truyện tranh. Nhiều lần Sơn ngỏ ý nhờ mẹ tìm và gửi hộ các bộ truyện tranh của mình lên các nhà xuất bản. Xem những trang sách của Sơn, thấy cậu ghi chép, trình bày rất cẩu thả chứng tỏ học không phải là niềm đam mê của cựu “thần đồng”.
Trên nhãn vở Văn, Sơn ghi như sau: “Trường: Không tên tuổi, Lớp: Vô danh” còn nội dung bên trong, có trang cậu ghi tới 3 môn Văn, Đại số, Hình học. Lồng trong nội dung bài học là chi chít những hình vẽ về các nhân vật trong truyện tranh với dao kiếm hãi hùng. Hầu như rất hiếm để tìm thấy một quyển vở được ghi chép một cách cẩn thận, sạch đẹp.
Câu chuyện về Trần Nam Sơn sau này được báo chí nhắc đến như một kết thúc buồn cho một thần đồng từng rất được kỳ vọng.
Lê Bá Khánh Trình - "thần đồng toán học"
Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1963 ở Huế trong một gia đình có 6 anh chị em, bố là giáo viên trường Đại học Y, mẹ là giáo viên cấp 2. Lê Bá Khánh Trình là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia Olympic Toán Quốc tế ở London, Anh năm 1979 khi đang là học sinh tại lớp chuyên toán trường Quốc học Huế.
Năm ấy, cái tên Lê Bá Khánh Trình ghi dấu ấn trong tâm trí nhiều người, cả trong và ngoài nước, khi đoạt Huy chương vàng và giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 với số điểm tuyệt đối 40/40. Cậu cũng đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này. Lê Bá Khánh Trình cũng là học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế tính đến nay. Với thành tích đáng ngưỡng mộ đó, Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng của toán học Việt Nam".
Sau ngày nhận giải, Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào khoa toán – cơ, Trường đại học Tổng hợp Moskva. Tiếp đến, cậu sinh viên làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).
Bốn năm sau, Lê Bá Khánh Trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi trở về Việt Nam làm giảng viên Khoa toán – tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên. Từ đó đến nay, người thầy ấy say mê với công việc của mình, say mê với việc truyền bá kiến thức toán học cho bao thế hệ học sinh.
Theo Afamily/TTVN