Tuy nhiên, trong
lịch sử Thalidomide lại khiến cho hơn 10.000 em bé ở gần 46 nước sinh ra trong tình trạng bị dị tật. Cho tới nay, thảm kịch này vẫn là nỗi ám ảnh lớn, nỗi đau dai dẳng với nhiều gia đình...
Sản phẩm của Đức Quốc Xã
Thalidomide là một dẫn chất tổng hợp của acid glutamic, một loại biệt dược giảm đau, an thần, hỗ trợ giấc ngủ. Loại biệt dược này được bác sĩ Heinrich Mueckter - thành viên Đức Quốc Xã chủ trì việc nghiên cứu phát minh và chế tạo. Ông là một bác sĩ, nhà nghiên cứu giỏi của Đức thời bấy giờ. Dược phẩm khi được sáng chế đã từng được Đức Quốc Xã thử nghiệm tại các trại tập trung ở Ba Lan hồi Thế chiến II.
Loại biệt dược Thalidomide.
Vào năm 1957, sản phẩm bắt đầu xuất hiện ở các hiệu thuốc của Đức với quảng cáo ghi rõ dòng chữ “thần dược”. Chúng có tác dụng an thần, giảm các triệu chứng buồn nôn, chán ăn, của phụ nữ thời kì mang thai. Thalidomide hiệu quả rất nhanh trong điều trị và giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong thời kì sinh sản, chính vì vậy 1 năm sau, nó đã có mặt ở Anh.
Tại thời điểm phát triển của loại thuốc này, các nhà khoa học tin rằng, không có loại thuốc nào dùng cho phụ nữ mang thai có thể vượt qua hàng rào nhau thai và gây tổn hại cho bào thai đang phát triển. Chính vì vậy, việc sử dụng các loại dược phẩm để hỗ trợ trong việc sinh con rất được ủng hộ.
Kể từ đây, Thalidomide có mặt tại hàng loạt quốc gia trên thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn lưu hành, từ tháng 10/1957 đến đầu năm 1962, Thalidomide đã được tiêu thụ tại ít nhất 46 quốc gia trên thế giới.
“Thần dược” tạo... quái thai
Đầu thập niên 1960, các bác sĩ bắt đầu lo ngại về tác dụng phụ của Thalidomide. Một số bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh ở chân, tay sau khi sử dụng dược phẩm lâu dài. Đồng thời, các chuyên gia nhận thấy có sự gia tăng tỉ lệ sinh trẻ em bị dị tật ở Đức và các nơi khác. Tuy nhiên, không có cáo buộc sự liên quan của Thalidomide với hiện tượng này.
Ở châu Âu và nhiều nước bắt đầu xuất hiện những ca sinh non và sinh con dị tật. Chỉ trong 3 năm, số nạn nhân dị tật do dùng thuốc Thalidomide gia tăng chóng mặt, và Thalidomide đã biến thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành y dược thế giới.
Từ 1956 - 1962, khoảng 10.000 trẻ em được sinh ra với dị tật nghiêm trọng, bao gồm cả quái thai ngắn chi. Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận ra một điều đáng chú ý là tất cả mẹ của những đứa trẻ này đã sử dụng Thalidomide trong quá trình mang thai. Ước tính, số người dùng thuốc Thalidomide rồi sinh con dị tật nằm trong khoảng từ 10.000 - 20.000 người.
Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm Thalidomide gây ra các dị tật bẩm sinh này là điều không dễ dàng bởi kiến thức y học thời đó còn hạn hẹp. Hơn thế, không một vị bác sĩ nào bấy giờ dám đưa ra nhận xét hay nghiên cứu để lý giải vấn đề trên.
Tuy vậy, nhiều nhà khoa học cũng đưa ra lời lời biện hộ trước tình trạng trẻ sơ sinh dị tật co rút tay, chân ngày càng tăng mạnh, đó là do phóng xạ hạt nhân trong chiến tranh.
Hình ảnh những nạn nhân của Thalidomide vui vẻ chơi đùa
Mãi đến khi nữ phóng viên Marjorie Wallace làm việc cho tuần báo Sunday Times của Anh - một người mẹ dùng Thalidomide và sinh ra đứa trẻ không có cả chân lẫn tay đã công bố phóng sự điều tra của bà liên quan đến tác dụng phụ của Thalidomide. Bài báo này đã làm xôn xao dư luận khi nói rằng, chính Thalidimide là nguyên nhân khiến các trẻ sinh ra bị khiếm khuyết cả tay và chân.
Lúc này, các nghiên cứu y khoa bắt đầu tập trung chứng minh tác hại của Thalidomide. Năm 1961, bác sĩ sản khoa William McBride và bác sĩ nhi khoa Widukind Lenz đã chứng minh được mối liên hệ giữa Thalidomide với khuyết tật ở trẻ sơ sinh.
Mọi người đều kinh ngạc khi các nghiên cứu cho thấy, Thalidomide gây ảnh hưởng trầm trọng đến quá trình phát triển của thai nhi giai đoạn phôi. Đây chính là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với những tác nhân bên ngoài.
Hậu quả khiến cho nhiều người dùng Thalidomide sinh ra những đứa con dị tật, thậm chí có trường hợp tử vong sau sinh. Nếu sống sót, đứa bé cũng dễ mắc chứng ngón chân, tay dính liền nhau, hoặc không có cánh tay, cẳng chân, các chi ngắn hơn bình thường, tổn thương não và nội tạng. Trước những bằng chứng rõ ràng, các nước bắt đầu ban lệnh cấm lưu hành Thalidomide vào năm 1961.
Thalidmode đã khiến cho nhiều trẻ em khi sinh ra bị dị tật dính liền ngón tay, chân.
Tuy nhiên, trước khi bị cấm ban hành, loại thuốc này cũng để lại di chứng nặng nề. Ở Anh, loại thuốc này đã khiến 2.000 trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, một nửa trong số đó đã chết trong vòng vài tháng...
Ở Đức, có khoảng 2.500 bé ra đời không có chân, tay, bàn chân, bàn tay; cột sống khuyết tật, hở môi hoặc hàm ếch, dị tật hoặc không có tai ngoài, dị tật tim thận sinh dục, hệ tiêu hoá bất thường.
Trong số hơn 10.000 nạn nhân của thuốc Thalidomide, có đến gần 8.000 người đã chết trong độ tuổi vị thành niên, còn lại khoảng 5.000 - 6.000 người còn sống đến ngày nay.
Lời xin lỗi muộn màng
Đứng trước các bằng chứng rõ ràng thế nhưng các công ty phát hành thuốc Thalidomide luôn cho rằng họ đã làm đúng. Việc nghiên cứu chế tạo thuốc Thalidomide hoàn toàn tốt và không gây ảnh hưởng tới xã hội.
Tuy nhiên, sau nhiều phiên tòa xét xử đấu tranh đòi quyền lợi, cuối cùng công ty chủ quản của Thalidomide - hãng dược Gruenenthal đã chính thức gửi lời xin lỗi cùng mức bồi thường tới tất cả các nạn nhân trên toàn thế giới.
Mặc dù lời xin lỗi bị chỉ trích là quá muộn màng nhưng nó sẽ là lời cảnh tỉnh dư luận, khiến các quốc gia và nhà chức trách chú tâm hơn vào vấn đề sức khỏe và sự an toàn của các sản phẩm khoa học.
Theo
Tri thức trẻ