“Thiên đường” của đồ tể
Khi màn đêm buông xuống, từ các ngõ ngách tối tăm tại các khu ổ chuột ngoại ô New Delhi, những băng nhóm trộm cắp bắt đầu hoạt động. Phần lớn họ xuất thân từ tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội Ấn Độ, một số là người vô gia cư. Mục tiêu hàng đầu mà những tên đạo chích này nhắm tới là những con bò. Điều này nghe có vẻ phi lý, bởi ở Ấn Độ, từ nghìn đời nay, bò luôn được coi là loài vật thiêng, được thờ cúng như những vị thần.
Nhưng sự thực đang thay đổi đến phũ phàng: Những linh vật này đang là nạn nhân của làn sóng bắt trộm và giết thịt lén lút với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, cảnh sát New Delhi đã nhiều lần phải mở chiến dịch truy quét, cho người thâm nhập vào các băng nhóm trộm bò. Hàng nghìn tên đã bị bắt giữ, nhưng giới chức thành phố phải thừa nhận rằng, họ vẫn chưa thể chấm dứt được tình trạng tồi tệ này.
Một nông dân Ấn Độ phải ngủ cùng đàn bò của mình để canh chừng kẻ trộm.
Ngoại ô New Delhi tập trung rất nhiều trang trại nuôi bò lấy sữa (theo truyền thống, người Ấn chỉ kiêng ăn thịt bò chứ không kiêng uống sữa bò). Khi một con bò sữa trở nên "hết đát", chúng thường bị thả cho đi lang thang ở bên ngoài trang trại bởi nơi đây không tồn tại thị trường thịt bò. Còn nếu tiếp tục nuôi dưỡng chúng cho đến khi chết già thì chủ trang trại sẽ phải chi một khoản phí quá lớn, lớn hơn rất nhiều lợi nhuận mà họ thu được từ con bò đó, vì vậy, đây là điều không thể xảy ra. Vì thế, số lượng “bò đi hoang” ngày càng đông hơn.
Chúng thường tập trung kiếm ăn ven đường, tại các bãi rác và bất cứ nơi đâu chúng có thể tìm thấy thức ăn và nước uống. Với những tên trộm, đây quả là một món quà trời cho. Theo ước tính của sở Cảnh sát thành phố New Delhi, chỉ riêng năm 2011 đã có khoảng 40.000 con bò bị bắt trộm. Bọn trộm thường đưa những con vật đáng thương đến các lò mổ bí mật nằm ngay ngoại ô thành phố, và tại đó, linh vật của người Ấn sẽ bị "hóa kiếp" để lấy thịt và da.
Nỗ lực ngăn chặn của cảnh sát dường như không mấy hiệu quả trước sự manh động của những tên trộm. Chúng thường dùng cả xe tải (tự mua bằng tiền thu được từ trộm bò hoặc đi thuê) khi "hành nghề". Mỗi khi nhìn thấy một chú “bò đi hoang”, những tên trộm sẽ dừng lại, dắt bò lên thùng xe rồi tiếp tục chuyến "săn đêm". Khi gặp cảnh sát, bọn trộm sẵn sàng thả, đẩy những chú bò này từ thùng xe xuống đường để làm vật cản đường cảnh sát, giúp chúng tẩu thoát.
Lợi nhuận quá lớn từ mặt hàng đặc biệt này chính là động cơ khiến những tên đạo chích bất chấp cả giá trị truyền thống của dân tộc, cũng như sự truy quét gắt gao của cảnh sát. Trung bình, mỗi con bò trộm được sẽ được các chủ lò mổ bất hợp pháp mua lại với giá khoảng 5.000 rupee (tương đương 94 USD). Mỗi đêm, với một xe tải, chúng có thể bắt được khoảng 10 con bò, và số tiền kiếm được sẽ vào khoảng hơn 900 USD.
Tại một đất nước vẫn còn hơn 800 triệu người sống dưới mức 2 USD một ngày thì mức thu nhập hơn 900 USD/đêm này quả là có sức cám dỗ không thể cưỡng lại được. Nếu bị bắt và nỗ lực hối lộ cảnh sát bất thành, những tên trộm bò chỉ phải ngồi tù từ 10 đến 15 ngày. Ngay khi ra khỏi tù, bọn chúng lại tiếp tục "công việc" cũ. Ngay cả những con bò đang được nuôi trong các trang trại, những tên đạo chích này cũng không bỏ qua.
Bò là linh vật ở Ấn Độ, nhất là với cộng đồng theo đạo Hindu.
Sự thay đổi trong lòng xã hội Ấn Độ
Phía sau sự lộng hành của các băng nhóm trộm bò tại Ấn Độ là một sự thay đổi sâu sắc của xã hội. Thực phẩm là vật thiêng đang dần được chấp nhận, ngay cả trong cộng đồng những người theo đạo Hindu. Mặt khác, mặc dù không tiêu thụ mặt hàng thực phẩm này ở nội địa (về mặt hình thức) nhưng thịt bò lại là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ. Các chủ lò mổ sẽ bán chúng cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu thịt bò với cái tên thật là thịt bò, hoặc sẽ bán ra thị trường nội địa với danh nghĩa là thịt trâu dành cho xuất khẩu.
Người Ấn theo đạo Hindu kiêng thịt bò chứ không kiêng thịt trâu nên chiêu "treo đầu trâu bán thịt bò" này dường như vô cùng hiệu quả. Nhiều người ăn thịt bò mà cứ tưởng đó là thịt trâu. Còn với những cộng đồng không kiêng kỵ thịt bò, chẳng hạn như những người theo đạo Hồi, hoặc những người thuộc tầng lớp hạ đẳng nhất của xã hội Ấn Độ (theo sự phân chia giai cấp ở đây gọi là Dalits) thì thịt bò được thoải mái là thịt bò.
Theo thống kê của Chính phủ Ấn Độ, mức độ tăng trưởng của thị trường thịt gia súc trong nước (trong đó có cả thịt bò dưới danh nghĩa thịt trâu) đã tăng 14% trong giai đoạn 2010-2012. Người Ấn Độ trẻ tuổi ngày càng ăn thịt nhiều hơn, thay vì chỉ ăn chay như các thế hệ trước.
Nhiều tổ chức xã hội và cá nhân các tín đồ của đạo Hindu cũng lên tiếng đòi Chính phủ Ấn Độ phải bảo vệ vị trí xã hội và tôn giáo của những con bò. Trong khi chờ đợi nhà cầm quyền lập lại trật tự, những "trung tâm cứu hộ bò" đã được thành lập. Tại vùng ngoại ô thủ đô New Delhi, một "khu bảo tồn" có tên Shri Mataji Gaushala đã được lập nên và đang hoạt động từ vài năm nay. Với diện tích lên đến 42 hecta, đây là nơi trú ẩn của hàng nghìn con bò được giải cứu từ các lò mổ, hoặc thu gom về khi chúng đang đi lang thang.
Ông Brijinder Sharma, người quản lý và cũng là một tín đồ đạo Hindu cho biết, kinh phí duy trì hoạt động của khu này lên tới 5,4 triệu USD mỗi năm, và những Ấn kiều giàu có đang định cư tại Hoa Kỳ hiện đang tài trợ toàn bộ số tiền này. Ông hy vọng, trong tương lai, khu bảo tồn bò của ông sẽ nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, như là một minh chứng cho sự ủng hộ và sự vào cuộc quyết liệt của nhà cầm quyền trong cuộc đấu tranh giữ gìn sự tôn kính cho con vật linh thiêng.
Người đàn ông này vô cùng đau khổ mỗi khi nghe được tin rằng ở đâu đó, người ta đã giết hại một con bò. Ông coi sự sùng bái của mình với loài vật này là nghĩa vụ của một tín đồ Hindu dành cho tôn giáo mà mình đã tin theo. Không biết rồi đây, cuộc chiến bảo vệ những con bò tại đất nước này sẽ nghiêng về phía nào, tư tưởng hiện đại hay những giá trị truyền thống nghìn đời sẽ giành chiến thắng.
Hàng nghìn cơ sở giết mổ phi pháp Có cầu ắt sẽ có cung, số lò mổ cũng vì thế mà “mọc” lên như nấm, phần lớn là bất hợp pháp. Riêng tại bang Andhra Pradesh, chính quyền ước tính đang tồn tại khoảng 3.100 cơ sở giết mổ gia súc (chủ yếu là giết mổ trâu và bò), trong khi họ chỉ cấp phép cho sáu cơ sở chính. Dù mức độ hoành hành của những tên trộm bò ở bang này được coi là khá thấp so với những bang lân cận, nhưng trung bình mỗi tháng, cảnh sát cũng bắt giữ được khoảng 150 tên trộm. Cũng giống như ở New Delhi, những tên này bị coi là tầng lớp "dưới đáy xã hội", những khoản lợi nhuận thu được từ những phi vụ làm ăn trót lọt đều đã bị chúng ăn chơi, tiêu xài hết. Sau một thời gian bị giam giữ, ra tù với hai bàn tay trắng, bọn này lại “ngựa quen đường cũ”, liên tục tái phạm hết lần này đến lần khác. Vật linh mất thiêng! Bà Clementien Pauws, chủ tịch hiệp hội Bảo vệ động vật và thiên nhiên Karunan đã phải cay đắng thốt lên rằng, bò ở Ấn Độ bây giờ chỉ đơn thuần là một mặt hàng kinh doanh chứ không còn mang ý nghĩa tôn giáo nữa. Bà nói: "Tất cả chúng đều bị đưa đến lò mổ, thật khủng khiếp!". Nhận xét này có phần bi quan, bởi việc ăn thịt bò vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi ở Ấn Độ, đại đa số người theo đạo Hindu đều vẫn rất tôn kính linh vật này. Tuy nhiên, vị thế thần linh của bò tại Ấn Độ đang bị lung lay dữ dội trước sự thay đổi của xã hội. Trước thực trạng này, mới đây đảng Bharatiya Janata - một trong hai đảng chính trị lớn nhất nước này đã phải lên tiếng yêu cầu tăng cường giám sát hiệu lực thi hành của luật cấm giết mổ bò vốn đã được ban hành từ nhiều năm nay. |
An Mai (Theo The Siasat Daily)