Đừng chơi với đứa trẻ đi ra từ căn nhà ấy...
Kể cho chúng tôi câu chuyện của người bạn mình, Yến (31 tuổi, hiện đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh) không tránh khỏi xúc động. Yến có một người bạn chuyển giới từ nữ sang nam cách đây hơn mười năm, may mắn có được một người bạn đời như ý nên cuộc sống gia đình cũng không có gì phải phàn nàn. Hai vợ chồng người bạn tên X. này có một đứa con được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ, họ hàng nội ngoại ba bên (cả họ nội của cháu), điều này không phải đứa trẻ nào cũng có được. Tuy nhiên, khi đứa con lên 3 tuổi, trong một lần vô tình đứng ở con ngõ, anh X. nghe được câu chuyện của những đứa trẻ đang hướng về phía con mình. Một đứa bé nói: "Con nhỏ đó đi ra từ cái căn nhà đó, mẹ tớ bảo đừng chơi với nó...".
Bình thường, với những người xung quanh, một phần vì bận rộn, vợ chồng anh cũng không cảm nhận được có sự kì thị nào với gia đình mình, thậm chí đứa con nhỏ cũng không phàn nàn gì. Câu chuyện của những đứa trẻ thực sự khiến anh X. bị sốc. Ngay sau đó, anh chị bàn nhau chuyển nhà đến một nơi khác tốt hơn. Chuyện cũng đã hơn 10 năm, đến giờ đứa con của anh chị cũng đã trưởng thành, thương yêu bố mẹ và phát triển hoàn toàn bình thường. Anh X. cảm thấy may mắn vì sớm nhận ra môi trường không phù hợp với gia đình để phòng tránh những tác động không tốt đối với đứa con của mình.
Cặp đôi Yến- Hương và câu chuyện về đứa con nhỏ khiến nhiều người phải suy nghĩ về việc phát triển của những đứa con trong gia đình đồng tính.
Vợ chồng Yến, Hương hiện cũng là một trong những cặp đôi đồng tính công khai mối quan hệ của mình với xung quanh. Họ cũng là một trong những cặp vợ chồng đồng tính may mắn có được một đứa con gái nhỏ sống cùng. Cháu bé là con gái của Hương với người chồng trước. Do kết hôn theo mong muốn của cha mẹ, không có tình yêu nên chỉ được một thời gian ngắn, Hương kiên quyết đòi chia tay với chồng để được sống đúng với giới tính thật của mình.
Hương người gốc Hà Nội, vì không chịu được áp lực của gia đình nên chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Tại đây cô gặp Yến cũng có chung hoàn cảnh như vậy. Lâu dần tiếp xúc, cả hai đem lòng yêu thương, chuyển về sống với nhau như vợ chồng. Đến nay, gia đình hai bên cũng đã phải công nhận mối quan hệ của họ. Gần một năm rưỡi nay, cả hai đã đưa con của Hương, năm nay mới 5 tuổi vào sống chung trong căn hộ chung cư của họ. Với Yến đây là một thử thách lớn bởi vì cô vốn không quen và chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ. Ban đầu, cháu bé cũng chỉ coi Yến như một người bạn của mẹ mình: "Con không yêu mẹ Pheo (tên thường gọi ở nhà của Yến), mẹ Pheo chỉ là bạn của mẹ con thôi", Yến nhớ lại lời của cháu khi lần đầu tiên vào TP. Hồ Chí Minh thăm mẹ.
Có thêm đứa con, cả hai thấy vui, cùng đưa cháu đi chơi công viên, bách thảo, khu vui chơi,... Đến hôm về, đột nhiên cháu mới bảo: "Ngày mai con về Hà Nội rồi, mẹ Yến nhớ chăm sóc mẹ Hương cho con nhé!". Được một thời gian sau, cả hai quyết định đưa cháu vào sống cùng. Dần dà, cháu cũng quen được với cuộc sống cùng lúc có hai mẹ.
Về sau, khi hỏi cháu, nếu hai mẹ thương yêu nhau thì sao, cháu trả lời: "Thì hai mẹ làm đám cưới với nhau, con làm phù dâu", Yến- Hương không tránh khỏi xúc động vì sự công nhận của cháu. Cho đến giờ, trong gia đình ba người của họ hầu như không có sự khác biệt nào so với những gia đình bình thường. Cả hai cùng đưa đón con đi học, đưa con đi siêu thị, nấu cơm, cùng nhau vui chơi. Trong khu chung cư của họ, từ người giữ xe, bác bảo vệ cho đến người hàng nước xung quanh cũng đều cảm thấy yêu mến cháu bé vì "chưa thấy người đã thấy tiếng chào".
Hương tâm sự: "Là một người mẹ, tôi mong muốn cháu được phát triển một cách toàn diện. Chúng tôi vẫn cố gắng để cháu được đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi cháu lớn lên, đi học ở trường học thì những định kiến của xã hội không thể nào lường trước được có thể làm tổn thương cháu. Chúng tôi muốn cuộc sống của mình được đảm bảo và tương lai của con em mình được như những gia đình khác".
Ảnh minh họa.
Thêm một niềm hạnh phúc hay là sự tổn thuơng?
Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 1,6 triệu người thuộc giới tính thứ ba. Hầu hết những người này đều gặp không ít những trường hợp bị kì thị bởi giới tính của mình. Nhiều người may mắn tìm được bạn đời như ý. Tuy hôn nhân của họ chưa được pháp luật thừa nhận. Song niềm đau đáu nhất của những cặp vợ chồng này vẫn là chuyện con cái. "Ai mà chẳng mong muốn có được một đứa con ruột máu mủ của mình bất kể giới tính của mình ra sao. Tuy nhiên, có con rồi nhưng làm sao để đảm bảo cho tương lai của con em mình không gặp phải sự kỳ thị của xã hội thì chúng em cũng chưa thể nào biết được", L.Anh- một đồng tính nữ cho biết.
Chuyện của Lâm, một đồng tính nam khiến nhiều người phải suy nghĩ. Lâm có một đứa con trai với người vợ gia đình ép cưới. Sau mấy năm chung sống với vợ không tình yêu, Lâm gặp được Tùng hiện nay là bạn đời của mình. Lúc đó vợ chồng Lâm đã có một đứa con 6 tuổi. Sau khi bố mẹ chia tay, cháu về sống với mẹ. Tuy nhiên, khi biết bố mình có quan hệ yêu đương với một người đồng giới, thái độ của cháu trở nên khác hẳn. Đi học, cháu bị bạn bè trêu chọc tới mức nhiều lần trở về nhà mếu máo nhất quyết không đi học, tính tình cũng trở nên trầm lặng hơn. Cho dù vợ cũ của Lâm đã tìm cách chuyển trường cho con, nhưng tình trạng này vẫn cứ lặp đi lặp lại.
Việc kỳ thị người đồng tính hiện nay ở Việt Nam tuy không còn gay gắt như trước nhưng những tác động của nó, dù chỉ là một câu nói, một thái độ cũng có thể khiến cộng đồng người đồng tính bị tổn thương. Nhất là với những đối tượng liên đới như con cái, cha mẹ cũng không tránh khỏi. Đối với đối tượng là trẻ em, là con cái của những người đồng tính lại là đối tượng dễ bị tổn thương và tác động nhất. Chính vì vậy, những người đồng tính dù đảm bảo đầy đủ về điều kiện kinh tế và chăm sóc con cái cũng vẫn chần chừ trong việc sinh con.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Nam, viện Chiến lược và chính sách y tế, ở các nước công nhận hôn nhân đồng giới, tỉ lệ kết hôn có tăng lên trong một vài năm đầu áp dụng quy định, nhưng sau đó đã trở lại bình thường. Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thu Nam, ở nước ta hiện nay, việc người đồng tính có thể tiếp cận được với những phương pháp hỗ trợ sinh con vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở. Về việc hỗ trợ đồng tính nữ sinh con đã có ngân hàng tinh trùng, việc này dễ dàng hơn bởi vì xin tinh trùng dễ hơn và không liên quan nhiều tới việc gắn kết huyết thống như việc mang thai hộ. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này vì chưa có quy định cụ thể. Bà Nam cũng hoàn toàn ủng hộ việc người đồng tính có thể có con bởi vì: "Mong muốn có con là quyền lợi chính đáng của tất cả mọi người".
Làm sao mở cánh của bị khoá? Khoa học hiện đại phát triển, người đồng tính cũng có thể có con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như sử dụng ngân hàng tinh trùng với người đồng tính nữ, mang thai hộ với người đồng tính nam. Về căn bản, người đồng tính vẫn mang đầy đủ chức năng giới tính như người bình thường, nghĩa là vẫn có thể sản xuất ra trứng và tinh trùng để sinh con. Tuy nhiên, điều kiện để họ có thể có con thì vẫn là một cánh cửa bị khoá và vẫn chưa có chiếc chìa nào có thể mở ra. "Bằng cách "chui" thì vẫn được nhưng chúng em không muốn như vậy. Chúng em muốn được luật pháp thừa nhận để con chúng em được thừa nhận. Thực tế ở những nước phát triển, những nơi đã công nhận hôn nhân đồng tính, việc một đứa trẻ có cùng lúc hai bố hoặc hai mẹ không hề ảnh hưởng tới tâm sinh lý của cháu", L. Anh tâm sự. |
Đỗ Huệ