Tỉnh táo trước “ma trận” về quảng cáo mỹ phẩm
Như Người Đưa Tin đã phản ánh thực trạng sản phẩm mỹ phẩm của các thương hiệu như: Seimy, Bicos, San Mira đang công khai quảng cáo thổi phồng công dụng, gây hiểu hiểu nhầm nghiêm trọng về thành phần, tác dụng của nó như thuốc điều trị bệnh.
Rõ ràng khi không đủ kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ lãnh đủ hậu quả, không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe và thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý.
Trong quá trình hành nghề khám da liễu, bác sĩ Ths.CKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội da liễu Việt Nam cho biết, anh đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì tác dụng phụ không mong muốn của mỹ phẩm, hoá chất không rõ nguồn gốc.
Dưới góc độ chuyên gia da liễu, bác sĩ Thành khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, đầu tiên phải xác định đúng vấn đề mà đang mắc phải, để từ đó lựa chọn phương pháp làm đẹp thích hợp. Không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo về hiệu quả làm đẹp tức thì.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kỹ năng phân biệt, lựa chọn mỹ phẩm phù hợp, tìm hiểu thông tin tại các trang web, cửa hàng chính hãng của nhãn hàng để hạn chế rủi ro. Khi có nhu cầu chữa trị da, nên đến thăm khám trực tiếp tại các cơ sở y tế uy tín về da liễu thay vì tự ý mua và sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên thị trường.
“Người dân cần lưu ý rằng mỹ phẩm không phải là thuốc không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Ngoài ra cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo có chứa một số từ như “trị", “điều trị”,“đặc trị" của các sản phẩm mỹ phẩm.
"Trong trường hợp da gặp vấn đề bạn nên khám bệnh tại các bệnh viện da liễu hoặc các cơ sở tư nhân được cấp phép”, bác sĩ Thành nói.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Luật sư Đỗ Mạnh Hùng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc quảng cáo mỹ phẩm ngoài phải tuân thủ điều kiện chung được quy định tại Điều 4; Điều 6, Điều 15 Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25-5-2015 của Bộ Y Tế còn phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo 2012, Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013.
Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế; Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).
Đồng thời, phải có đầy đủ các nội dung gồm: Tên mỹ phẩm; Tính năng, công dụng của mỹ phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác; Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc...
"Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm theo từng loại sản phẩm, đã được quy định tại Hiệp định mỹ phẩm Asean; Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm; Công văn 1609/QLD-MP về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm.
Như vậy, các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" của các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu San Mira, Bicos hay Seimy đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm", Luật sư Mạnh Hùng khẳng định.
Theo Luật sư, Bộ Y Tế đã nêu rõ, đặc tính của mỹ phẩm là tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả không vĩnh viễn và cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả. Các sản phẩm điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là mỹ phẩm.
Do đó, việc sử dụng từ "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" là đã vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Hành vi này bị xử phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).
Luật sư Mạnh Hùng nhấn mạnh, trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Với hàng loạt dấu hiệu bất thường, đặc biệt việc lập lờ tên gọi, quảng cáo mỹ phẩm nhưng “nổ” công dụng như thuốc khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang của các công ty: TNHH thương mại và dịch vụ Bicos; Công ty cổ phần đầu tư Seimy Paris; San Mira, Luật sư cho hay các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc cần thiết tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chung tay phản ảnh các hành vi quảng cáo sai sự thật bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo sai sự thật
1, Xử phạt hành chính:
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
2, Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:
- Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nhóm PV