Các nhà lịch sử cùng các chuyên gia Ai Cập đang cố gắng tìm hiểu bộ xương được cho là của thầy pháp hoàng gia Wahtye, sống ở thời pharaoh Neferirkare.
Tại thời điểm khai quật, ngôi mộ của vị thầy pháp này trở thành điều bí ẩn bởi ông là người duy nhất được ở gần các kim tự tháp cổ đại của pharaoh.
Được mệnh danh là phát hiện "chỉ gặp một lần trong một thế hệ khảo cổ", lăng mộ của Wahtye gần như còn nguyên vẹn.
Phía trong lăng mộ của Wahtye có 55 bức tượng được tạc trên tường. Đây là lăng mộ được trang trí đẹp nhất từng được phát hiện ở Saqqara – khu vực có nhiều kim tự tháp ở Ai Cập.
"Bộ xương của thầy pháp Wahtye được bảo quản rất tốt. Mặc dù là đàn ông, nhưng phân tích hộp sọ cho thấy Wahtye vẫn có một số nét nữ tính. Ông ấy cũng không có những cơ bắp rắn chắc. Có vẻ Wahtye là một người rất tinh tế", Amira Shaheen – giáo sư tại đại học Cairo nhận xét.
Theo tài liệu khảo cổ, dù không thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng Wahtye vẫn được đưa vào an táng trong nghĩa trang của hoàng tộc Ai Cập. Điều này cho thấy thầy pháp Wahtye có vị thế rất lớn trong triều.
Số đông ý kiến đều cho rằng người này qua đời vì bệnh tật, hơn nữa ông ta phải chịu rất nhiều đau đớn đến tận lúc chết.
Giáo sư Shaheen đã so sánh xương của Wahtye với một số mẫu xương khác của những người nằm cùng lăng mộ và kết luận xương của vị pháp sư không khỏe như người bình thường. Dấu hiệu xương cho thấy Wahtye bị thiếu máu trước khi chết. Nhiều khả năng là bệnh sốt rét. Nếu điều này đúng, nó sẽ thay đổi toàn bộ lịch sử Ai Cập cổ đại.
Theo các chuyên gia khảo cổ, trước thời điểm Wahtye sống, lịch sử Ai Cập chưa từng ghi nhận bất kỳ trường hợp chết vì sốt rét nào. Thầy pháp hoàng gia nổi tiếng của Ai Cập có thể là bệnh nhân chết vì sốt rét đầu tiên trên thế giới.
Mới đây, Ai Cập cũng thông báo phát hiện hơn 80 quan tài chứa xác ướp ở nghĩa trang Saqqara.
Những chiếc quan tài này được trang trí rất công phu, nhiều màu sắc và còn rất nguyên vẹn. Niên đại của chúng cách đây khoảng 2.500 năm.
Nguyên Anh (Nguồn Ancient Origins)