Ông Jang Song-thaek bắt đầu thăng quan tiến chức và củng cố quyền lực kể từ khi kết hôn với em gái ông Kim Jong-il là Kim Kyong-hui vào năm 1972. Từ đó đến nay, ông Jang có khoảng 20.000 thuộc hạ thân tín.
Một trong những quan chức cao cấp nắm giữ bí mật tài chính của ông Jang và nhà lãnh đạo Kim Jong-un được đồn đại đã trốn sang Trung Quốc. Nguồn tin cao cấp chính phủ Hàn Quốc ngày 10.12 nói rằng những lời đồn đại không phải không có căn cứ, nhưng từ chối cho biết chi tiết. Nguồn tin bổ sung việc triệt hạ ông Jang có thể dẫn đến làn sóng đào tẩu của những tay chân thân tín.
Các nguồn tin ở Trung Quốc chắc chắn biết rõ về những tin đồn. Họ cho biết Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đều muốn nắm giữ thông tin.
Một trong những nhân vật khác được ông Jang tin dùng là Ri Su-yong, cựu đại sứ Triều Tiên ở Thụy Sĩ và là Chủ nhiệm Ủy ban Đầu tư của Đảng Lao động. Ông Ri chủ yếu làm việc ở Châu Âu từ những năm 1980. Ông là tổng lãnh sự ở Geneva, đại diện thường trực tại Ban Thư ký LHQ ở Geneva và đại sứ tại Hà Lan.
Ông Ri phụ trách tài chính cho ông Kim Jong-un khi ông này còn học ở trường nội trú Thụy Sĩ và được cho là người quản lý các khoản ngân quỹ bí mật của triều đại họ Kim tại các ngân hàng Thụy Sĩ.
Sau khi trở về Triều Tiên vào năm 2010, ông Ri là cánh tay đắc lực của Jang Song-thaek trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một vị trí cho phép ông có quan hệ sâu rộng hơn về thương mại với Trung Quốc.
Các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cũng không rõ tung tích hiện tại của ông Ri. Ông ta có thể đã chạy sang Trung Quốc, nhưng một nguồn tin khác nói rằng ông ta đã bị bắt ở Triều Tiên. Ri Su-yong là "mục tiêu tiếp theo" sau khi hai nhân vật thân tín nhất của ông Jang là Ri Yong-ha và Jang Su-kil đã bị xử tử - nguồn tin cho biết.
Ngoài ra còn có nhiều tin đồn về một quan chức Triều Tiên khác, người quản lý quỹ của ông Jang, đã bỏ trốn sang Hàn Quốc. Một nguồn tin cho biết quan chức bậc trung, chủ yếu phụ trách thương mại qua biên giới về khoáng sản và hải sản, gần đây yêu cầu đến Seoul và Hàn Quốc đang "chăm sóc bảo vệ" người này.
Tiếp theo là một tin đồn khác về một vị tướng Triều Tiên đào thoát với thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc không xác nhận những thông tin trên. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Ryoo Kihl-jae xuất hiện trước Ủy ban đối ngoại và thống nhất Quốc hội hôm 10.12 và nói rằng không biết về những vụ đào tẩu như vậy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cho Tae-young cũng phủ nhận có những yêu cầu đào tẩu từ phía quan chức Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tay chân của ông Jang - những người nắm giữ việc kinh doanh của Triều Tiên ở nước ngoài - sẽ chọn cách đào tẩu thay vì quay về Bình Nhưỡng. Trong một cuộc thanh trừng tương tự năm 1956, hàng trăm quan chức Triều Tiên ở Trung Quốc và Xô Viết chọn cách đào thoát hơn là đối mặt với tương lai bất định ở quê nhà.
Ông Cho Bong-hyun, Viện Nghiên cứu Kinh tế IBK nói rằng có hàng trăm quan chức Triều Tiên như vậy ở Trung Quốc và hầu hết họ có thể không muốn quay về. Tuy nhiên, ông Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc nói rằng có thể có 1-2 trường hợp đào tẩu, nhưng hầu hết họ đều có gia đình ở Triều Tiên, do vậy việc đào tẩu ồ ạt ít khả năng diễn ra.