Thông tin về bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà đúng quy trình đang là một trong những vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc. Ngay tại phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra ở Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thẳn thắn nói về vấn đề này.
Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xung quanh vấn đề bổ nhiệm thần tốc người nhà, đúng quy trình nhưng vẫn khiến dư luận băn khoăn thời gian qua.
PV: Thưa bà, bà suy nghĩ thế nào về một thực tế mà có đại biểu Quốc hội đã nêu khi chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, rằng “những từ khóa như “đúng quy trình bổ nhiệm, phân cấp, giải cứu” đang dần khép lại niềm tin của người dân"?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Đúng là trên thực tế, từ khóa “đúng quy trình bổ nhiệm” “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm người nhà” đang là điều khiến nhân dân băn khoăn và lo lắng.
Theo tôi, bản thân “quy trình bổ nhiệm” không có lỗi, bởi quy trình đặt ra là để đảm bảo sự công bằng, chính xác trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Lỗi ở đây là do thực hiện quy trình không đúng hoặc cố tình lợi dụng quy trình phục vụ lợi ích cá nhân hay nhóm người nhỏ.
PV: Quy trình không có lỗi, nhưng nhiều sai phạm lại có thể đổ lỗi tại quy trình. Theo bà, vì sao?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Khi đặt ra quy trình, chúng ta hướng đến sự chặt chẽ, đúng đắn để thông qua quy trình, tìm đúng người có đủ đức, đủ tài vào một vị trí nhất định. Các quy trình cũng quy định rõ tiêu chuẩn với mỗi một vị trí công tác nhất định. Nếu người thực hiện quy trình công tâm, khách quan thì quy trình sẽ mang lại hiệu quả nhất định.
Những người được xem xét bổ nhiệm theo quy trình cần có sự tự trọng, nếu cảm thấy mình không đủ năng lực, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì nên tự rút lui. Những người có thẩm quyền trong việc xem xét bổ nhiệm cũng cần làm quy trình bổ nhiệm với tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung; tìm được một người thực sự có đức, có tài, phù hợp với vị trí được bổ nhiệm để người đó phát huy khả năng của mình và đóng góp cho công việc và cho nhân dân, cho xã hội.
Đảng, Nhà nước luôn mong muốn có một quy trình bổ nhiệm cán bộ một cách đúng pháp luật, khoa học và chặt chẽ. Tôi được biết, Ban Tổ chức Trung ương đang được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy trình bổ nhiệm cán bộ. Tôi hy vọng lần sửa đổi này sẽ xây dựng được một quy trình bổ nhiệm chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, các bước thực hiện quy trình không chỉ đúng, đủ mà còn phải thực sự chất lượng.
PV: Một trong những băn khoăn và trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội khi chất vấn Phó Thủ tướng thường trực là “tư duy nhiệm kỳ” ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cán bộ. Phải chăng, “tư duy nhiệm kỳ” cũng khiến nhiều người “thần tốc” làm quy trình để bổ nhiệm người nhà theo kiểu “giọt máu đào hơn ao nước lã”, thưa bà?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: “Tư duy nhiệm kỳ” theo kiểu bổ nhiệm đúng quy trình nhưng yếu tố quyết định là “người nhà”, là “giọt máu đào” có thể vẫn còn ở đâu đó trong một vài cấp, ngành, đơn vị. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều phổ biến. Niềm tin của nhân dân và cử tri có được từ rất nhiều yếu tố, không riêng gì việc bổ nhiệm cán bộ.
Mong muốn một bộ máy hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích tốt đẹp nhất cho mình và xã hội là mong muốn chính đáng của nhân dân. Tôi nghĩ trong câu chuyện này, cần tăng cường hơn nữa giám sát của chính người dân, mọi việc càng công khai, minh bạch thì niềm tin của nhân dân được củng cố. Nhiệm vụ của những người làm công tác cán bộ không chỉ là làm đúng, làm đủ, làm chất lượng mà còn đáp ứng sự tin tưởng của nhân dân.
Một điều nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là vẫn còn hiện tượng lợi dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo” của một bộ phận cán bộ để biến thành tích đạt được là “của tôi” còn trách nhiệm là “của chúng ta”. Do đó, một trong những giải pháp mang tính then chốt để mở rộng cánh cửa niềm tin trong nhân dân vào công tác cán bộ ấy là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Dương Thu (thực hiện)