"Thần xà" chỉ là loại rắn nước bình thường

"Thần xà" chỉ là loại rắn nước bình thường

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Những con vật hễ mang hình thức lạ, không chỉ riêng gì rắn mà cua có mặt người, ba ba có hình cụ già cũng khiến người dân tò mò, tôn thành "thần" để thờ cúng.

TS Nguyễn Văn Sáng (Viện sinh thái tài nguyên sinh vật) khẳng định, loại rắn này đã xuất hiện ở nhiều nơi.

TS Nguyễn Văn Sáng cho biết, đây là loại rắn sọc đuôi khoang thuộc họ rắn nước. Loài rắn này có đặc tính chính là không độc và gần như không cắn người. Rắn sọc đuôi khoang sống chủ yếu ở vùng núi đá, nhất là hang có dơi sinh sống bởi thức ăn chính của rắn là loài dơi và một số ít ếch nhái. Khi thấy dơi nằm treo thân trên vách đá, rắn sẽ luồn lách vào và ngoạm. Người ta thường thấy rắn đuôi khoang ở nhiều nơi như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Theo thống kê của TS Sáng, rắn nước có 131 loài. Rắn đuôi, đầu và lưỡi đỏ nằm trong số đó. Các tính chất cơ thể đỏ của loài rắn này được di truyền từ nhiều đời. Đến nay chưa có ai có thể giải thích được.

Xã hội - 'Thần xà' chỉ là loại rắn nước bình thường

Rắn đỏ cũng xuất hiện ở Thanh Hóa mà người dân đồn là "rắn thần"

Để chứng minh loài rắn này không phải rắn lạ hay "rắn thần" như người dân đồn thổi, TS Sáng dẫn chứng loại rắn này cũng từng xuất hiện ở Thanh Hóa. Khoảng giữa tháng 3/2012 trong lúc chăn trâu, một nhóm trẻ ở xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, bắt được một con rắn lạ. Con rắn có chiều dài 1,8m; nặng 1,5kg, trên mình có những chấm đen, đặc biệt đầu và đuôi đều có màu đỏ lửa. Em Hiển và vài bạn khi đang chăn trâu ở dưới chân núi gần chùa Vồm thì thấy một con rắn lạ khá lớn từ trên núi trườn xuống.

Sau khi đám trẻ bắt con rắn dài gần 2m này mang về những người lớn trong làng cho rằng là rắn thần sống ở chùa Vồm từ lâu. Nhiều người đã từng bắt gặp nhưng không ai dám bắt vì sợ. Các cụ cao niên cũng kể lại những câu chuyện kỳ bí do người dân đánh rắn nên bị tai ương. Do vậy, sau khi thấy bọn trẻ bắt rắn lạ mang về, mọi người đã sợ họa sắp đến nên yêu cầu cậu bé đem con rắn thả lại chỗ cũ ngay chiều cùng ngày.

Trả lời về việc rắn "lạ" có đầu, lưỡi và đuôi đỏ khiến nhiều người dân cho rằng việc bắt rắn có thể bị điềm báo xấu, TS Nguyễn Văn Sáng khẳng định đó chỉ là tin đồn do những người hiếu kỳ tạo nên. "Tôi đã nghiên cứu về rắn 40 năm, bắt khá nhiều rắn ở những nơi khác nhau như trong nhà, chùa... Nếu có điềm báo hay xúi quẩy chắc tôi là người bị nhiều nhất. Nhưng hoàn toàn không có điều đó", TS Sáng nhấn mạnh.

Với những đặc tính khoa học về loài rắn sọc đuôi khoang mà TS Nguyễn Văn Sáng đưa ra, có cơ sở để cho rằng đó cũng là loài rắn "thần" nơi đền Cấm. Chính vì màu sắc đỏ rực trên cơ thể chúng mà những người tín ngưỡng tâm linh và thiếu hiểu biết đã đinh ninh rằng đó là những "ông rắn thần" mà thần linh nơi đây sử dụng làm ngựa cưỡi. Nếu những thông tin khoa học về loài bò sát này được phổ biến rộng rãi ở đại ngàn xứ Tuyên thì chắc hẳn những câu chuyện mê tín dị đoan sẽ chẳng còn đất sống.

"Rắn là một trong những loài cực độc, tuy nhiên loài rắn này rất thông minh, nhạy cảm và có hệ thần kinh nhận biết thái độ ứng xử của con người. Trong trường hợp này, chủ nhà đối xử tốt với rắn nên rắn quen âm thanh của con người nên có thể nghe lời. Đó là lý do mà người ta có thể huấn luyện rắn. Tuy nhiên, không nên thấy rắn hiền mà chủ quan vì chúng có thể gây nguy hiểm khi phản ứng qua nọc độc", GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết thêm.

Tuân Cao


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.