Chân dung "thần y"
Căn nhà nhỏ của anh Hoàng Văn Châu nằm nép mình giữa lưng chừng một ngọn đồi heo hút ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ở vùng rừng núi Hồng Sơn nói riêng và các bản làng lân cận, thời gian trước có rất nhiều rắn, rết. Rất nhiều người bị rắn độc cắn và tử nạn.
Anh Hoàng Văn Châu năm nay 44 tuổi, là con út trong gia đình có 7 người con. Anh Châu may mắn khi được cha truyền lại "bí kíp" về bài thuốc chữa rắn độc cắn do tổ tiên để lại.
Anh Châu lên rừng hái thuốc.
Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về nghề gia truyền này, anh Châu mở đầu câu chuyện: "Khi bố tôi còn sống, ông kể rằng, ngày trước, vào thời của cụ cố nội, có một bà người dân tộc đến đây xin sống nhờ một thời gian dài. Bà lão này biết được bài thuốc chữa hổ cắn (mà các cụ gọi là bài thuốc chữa khái cắn). Cụ nội nhà tôi phải khó khăn lắm mới xin được phương thuốc của bà lão người dân tộc này. Tính ra phải mất mấy con trâu để cưu mang và thuyết phục bà lão truyền lại cho bí kíp đó".
Năm 15 tuổi, anh đã theo bố lên núi học hái thuốc chữa rắn độc cắn. Đến năm 18 tuổi, anh mới chính thức bắt đầu học làm người thầy thuốc. Anh Châu chia sẻ: "Khi mới bắt đầu lấy thuốc, tôi cũng thấy khó khăn lắm, giữa rừng đủ các loại cây như vậy, việc phân biệt cây thuốc, cây độc là rất khó khăn bởi nếu chỉ nhìn qua thì chúng rất giống nhau".
Sau này, phải mất cả năm ròng chuyên tâm theo cha đi khắp các cánh rừng, anh Châu mới nhớ và phân biệt được các loại cây một cách thành thạo. Cho đến một hôm, cha anh đi vắng, nhà chỉ còn mình anh và một người chị thì chợt thấy ngoài ngõ mọi người chạy rầm rập. Khi anh còn đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đoàn người đã vào tận sân nhà anh. Đâu đó tiếng khóc lóc, nỉ non. Khi anh Châu chạy ra xem thì mới biết có một người đàn ông ở xã Bồi Sơn trong lúc đi làm rừng bị rắn hổ chì cắn. Lúc đó anh Châu lo lắng vì cứu người như cứu hỏa trong khi cha anh lại vắng nhà còn bản thân anh chưa từng trực tiếp cứu chữa cho ai. Nhưng thấy người thân của người đàn ông đó cứ van xin mãi nên anh cũng làm liều. Anh đem đủ 7 thứ lá mà cha vẫn hái nghiền ra rồi lấy nước dùng thìa cạy miệng nạn nhân đổ thuốc vào.
"Sau khi cho người bệnh uống thuốc xong, tôi lo lắm sợ nhỡ có chuyện xảy ra thì mình có lỗi nên đã giục gia đình họ đưa xuống bệnh viện để tiếp tục chữa trị", anh Châu nhớ lại. Thế nhưng, khi được người nhà cáng chạy khỏi nhà anh Châu được chừng 2km thì người đàn ông đó bỗng dưng cựa quậy chân tay và dần hồi tỉnh. Gần 10 ngày sau, khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân này mới đem tiền thuốc và lễ vật sang cảm ơn. Đến lúc này anh Châu mới biết ông ta vẫn còn sống, đồng nghĩa với việc mình đã cứu người thành công.
Năm đó, anh Châu mới 18 tuổi và hơn 30 năm nay anh vẫn âm thầm lấy thuốc chữa bệnh cho mọi người. Theo anh Châu, cách sử dụng thuốc cũng rất đơn giản, không cần sao hay sắc, chỉ cần giã nát nắm thuốc đó ra rồi gạn lấy nước uống. Trung bình 3 tiếng uống một lần cho độc rút, uống đến khi độc rút hẳn là được. Tuy nhiên, với những bệnh nhân để nọc độc của rắn đã ngấm sâu vào máu thì rất khó chữa.
Anh Hoàng Văn Châu.
Bài thuốc "bí truyền" từ... cây cỏ
Những người ở Hồng Sơn cho biết phải có đến hàng trăm người bị rắn cắn, qua bàn tay diệu kỳ của ông Nhung (bố anh Châu) đã giữ được mạng sống. Nói về ông cha mình, anh Châu dí dỏm: "Ngày trước các cụ cứu được nhiều người, nếu như cái thời ấy mà lấy tiền của người bệnh thì cả họ nhà tôi đã giàu to rồi".
Nguyên lý và cách thức sáng tạo ra bài thuốc chữa rắn độc cắn từ bài thuốc chữa hổ cắn do bà lão dân tộc truyền lại, anh Châu không được biết. Anh cười bảo: "Vậy mà đến nay, khi tôi hành nghề cũng là truyền nhân đời thứ tư rồi đấy".
Điều kỳ lạ là "bí kíp" chữa rắn độc cắn mà anh Hoàng Văn Châu đang nắm giữ chỉ là một bài thuốc Nam hết sức đơn giản. Bài thuốc ấy được lấy và kết hợp từ những cây, cỏ ở vùng đồi phía sau nhà anh. "Đây là phương thuốc lành, phụ nữ mang thai đến tháng thứ 9 ngộ nhỡ bị rắn độc cắn, vẫn có thể uống được, không hại gì đến sức khỏe của mẹ và bé, mọi trường hợp khác cũng không để lại di chứng gì", anh Châu nói.
Anh cho biết thêm, chữa cho bất kỳ trường hợp nào thì bài thuốc cũng đều có 10 vị lá cây khác nhau. Lá thuốc được thái nhỏ và giã ra nước cho người bệnh uống, còn phần bã thì đắp vào vị trí bị rắn cắn. Sau khi cho uống thuốc, anh luôn dặn dò rất cẩn thận về các trạng thái mà người bị rắn cắn có thể sẽ gặp như tức ngực, khó thở hay nôn mửa, và cả cách uống thuốc. Thông thường đối với bài thuốc trị rắn độc cắn, cứ khoảng 3 tiếng thì uống một lần, uống khoảng 3 lần thì ngừng.
"Bí kíp" thuốc nam chữa rắn độc cắn này đã trải nghiệm qua bốn đời và được ghi nhận là có thể chữa khỏi khoảng 99% người bị các loài rắn thông thường cắn. Còn những người bị các loại rắn cực độc như cạp nong, cạp nia cắn thì cơ hội thoát khỏi tử thần là khoảng 95%, anh Châu khẳng định.
Một loài rắn cực độc.
"Bác sỹ" của nhân dân
Anh Châu chia sẻ: "Mọi bệnh nhân đến với tôi dù bị loại rắn nào cắn, họ cũng đều đứng trước sự nguy hiểm tính mạng. Nhiều ca đi lấy thuốc mà tôi toát mồ hôi hột, chỉ mong làm sao cho người bệnh sống. Khi họ gọi điện thoại đến, hỏi lý do này, triệu chứng khác, nhiều khi rất đau đầu, dẫu là nghề gia truyền, nhưng đây là chuyện của mạng người chứ đâu thể đùa được.
Chị Nga ở xóm 1, Hồng Sơn, Đô Lương bị rắn lục cắn lúc đang đi làm đồng. Khi người nhà đưa đến gặp anh Châu, chị Nga đã trong tình trạng vô cùng nguy kịch, mặt cắt không còn hột máu, không ngừng nôn ra máu, sự lan tỏa của nọc độc làm nước mắt chị giàn giụa. Nguy hiểm hơn, khi chị Nga khóc, thay vì chảy nước mắt thì máu không ngừng chảy ra từ hốc mắt. Nhờ những lá cây bí ẩn của anh Châu mà chị Nga thoát chết trong gang tấc. Câu chuyện của chị Nga đã qua hơn chục năm nhưng anh Châu vẫn bị ám ảnh, không thể nào quên được.
Trường hợp của anh Thủy ở huyện miền núi Nghĩa Đàn, Nghệ An bị rắn hổ phì cắn. Khi bị rắn cắn, anh Thủy đã xin thuốc từ những người dân tộc sống ở trong vùng và thoát khỏi cơn nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ngón tay bị rắn cắn của anh Thủy không thể loại bỏ hết nọc độc, nên dần bị thối. Từ đó vết thương cứ lan sâu vào phía trong bàn tay và các ngón khác, khiến anh vô cùng đau đớn. Sau khi tìm đến nhờ anh Châu chữa trị, uống thuốc một thời gian thì vết thương dần khỏi, nọc độc được giải, những ngón tay trở lại bình thường như một phép màu.
Ông Nguyễn Quốc Du (50 tuổi) sống gần nhà anh Châu và cũng từng bị rắn đen - trắng (rắn cạp nia) cắn chia sẻ: "Không hiểu bài thuốc đó có gì mà kỳ lạ thế, người nhẹ chỉ cần uống 3 - 5 thang là khỏi, còn người nặng thì cần đến 7 thang là dứt. Bản thân tôi cũng từng bị rắn cắn và cũng được anh Châu chữa khỏi bằng các loại cây rừng đó.
Một điều làm anh Châu rất day dứt là hiện nay, do biến đổi khí hậu nên một số cây thuốc Nam để chữa trị rắn độc cắn đã bị cạn kiệt. Những vị thuốc đó trước đây rất nhiều nhưng nay phải đi tìm mãi trên đồi cao và ở rừng sâu mới có. Theo dự đoán của anh thì chỉ ít năm nữa là những cây thuốc đó sẽ rất khan hiếm. Điều đó đồng nghĩa với việc phương thuốc bí truyền chữa rắn độc cắn sẽ có nguy cơ thất truyền.
Trước lúc chia tay, anh Châu thổ lộ: "Tôi rất muốn các nhà y học, dược học nghiên cứu về bài thuốc gia truyền này để điều chế ra bài thuốc trị rắn cắn phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Mong muốn của tôi là cứu được nhiều người".
Ông Hoàng Công Du, trưởng ban văn hóa xã Hồng Sơn:"Hàng trăm người đã được cứu sống" Ông Du cho biết: "Vùng rừng núi này nhiều rắn độc lắm. Nếu như không có bố con anh Châu thì nhiều người mất mạng. Bố con anh Châu mấy chục năm nay chữa cho hàng trăm người khỏi bị rắn cắn nên chúng tôi rất tin tưởng. Còn đi viện thì không thể được. Rắn cạp nia độc tố mạnh hơn cả rắn hổ chúa, đi bệnh viện xa, chưa xuống đến nơi bệnh nhân đã chết rồi". |
Hoàng Việt