Tháng 5 về, khi cái nắng vàng bắt đầu oi ả, khi gió Lào phả từng cơn bỏng rát đến cháy da, thì trên mọi con đường đổ về Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An lại đông đúc hơn thường lệ. Những đoàn xe khách nối đuôi nhau, những dòng người trên mọi miền Tổ quốc tuy chẳng quen nhưng đều có chung cái hẹn. Hẹn tháng 5 này về một miền quê chung. Nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng một anh hùng dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đường vào Làng Sen được phủ mát bởi những hàng cây cổ thụ xanh mát. Hàng cây nửa thế kỷ phải hai người ôm mới xuể đứng sừng sững ngay ở đầu cổng, như canh giấc ngủ cho mọi người, như bảo vệ du khách đến tham quan. Dường như bao nhiêu sự mệt mỏi của ngày nắng đang dần tan biến.
Tháng 5 về, sen nở rộ, mùi hương nhẹ nhàng bay khiến lòng người bớt đi gánh nặng của cuộc sống. Những đoá sen hồng vươn cao tắm nắng ban mai thơm ngát quyện vào không gian đầy ắp hương lúa ngày mùa, đan xen giữa những ngôi nhà ngói mới, tạo nên một vẻ đẹp đồng quê nồng nàn, căng tràn sức sống. Cũng cách đây 129 năm về trước, sen trong ao cũng nở rực rỡ, chào đón một người con của dân tộc.
Tháng 5 về, hàng tre trong sân nhà Bác khẽ lung lay bóng mát, những bông hoa bằng lăng tím thi nhau nở rộ, tạo nên bức tranh quê yên bình mà dường như phố thị đông đúc ngoài kia đã làm ta quên lãng… Về thăm quê Bác, có người mặc cho mình tà áo dài truyền thống, có người mang cho mình chiếc áo lính đã sờn vai, thế nhưng trên tay ai cũng có vài bông hoa và tấm lòng thành kính để dâng lên Người.
Trong đoàn người hôm nay, có người đến lần đầu, có người đã tới nhiều lần. Cựu chiến binh Lã Hồng Đăng (SN 1936) đến từ Hải Phòng bồi hồi xúc động cho biết: “Đây là lần thứ 3, tôi về thăm quê hương Bác. Lần thứ nhất là vào năm 1963, nhà Bác còn đơn sơ vô cùng. Sau 56 năm, có nhiều thứ thay đổi, chỉ duy nhà của Bác vẫn không đổi thay, mỗi lần quay trở lại vẫn nước mắt rưng rưng”.
Trong dòng người nối dài vào nhà Bác, những phụ nữ Thái xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, xếp hàng dẫn vào mái nhà tranh đơn sơ. Về thăm quê Bác lần này, bà Lương Thị Oanh (SN 1958), ở tỉnh Thanh Hóa cùng với đoàn phụ nữ xã vượt hơn 100km từ tờ mờ sáng.
“Đây là lần đầu tiên tôi được đi tham quan quê Bác nên dù đi chặng đường xa cũng không thấy mệt mỏi. Chứng kiến các vật dụng gia đình thân thiết mâm gỗ, khung cửi… mà tôi cảm thấy vô cùng thân thuộc. Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại nhất trong các lãnh tụ”, bà Oanh nói.
Ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, nhỏ bé, mộc mạc, giản dị dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre. Đây là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời, đây là nơi cậu được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc truyền cho tấm lòng yêu nước. Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của Người.
Càng về trưa, nắng nóng hơn nhưng không thể ngăn cản được dòng người vẫn tiếp tục đổ về Khu di tích Kim Liên. Mặc dù phải đi chậm nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ đến lượt, chờ được chạm vào chiếc võng bà Hoàng Thị Loan ru các con ngủ, chạm vào chiếc phản anh em Bác ê a những câu chữ đầu tiên. Trước khi rời đi, mọi người đặt những bông hoa trên bàn thờ gỗ, kính cẩn nghiêng mình trước lãnh tụ của dân tộc.
Thanh Bình