Tháng Bảy âm lịch có lẽ là một trong những tháng đặc biệt nhất trong năm đối với người Việt Nam chúng ta. Đó là tháng của ngày lễ Thất tịch khi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trên cây cầu ô thước. Cũng là tháng mà người ta nhắc đến câu chuyện báo hiếu các bậc sinh thành, vẫn thường được gọi là lễ Vu Lan.
Rất nhiều những thứ có thể thay đổi và xoay vần trước những vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhưng cũng vì thế mà chúng ta biết được sức trường tồn mãnh liệt của những nguồn cội văn hóa và đạo đức dân tộc. Vu Lan báo hiếu là một thứ giá trị bất biến với cuộc đời.
Câu chuyện về ý nghĩa của lễ Vu Lan có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa thể biết rõ hoặc chưa tìm hiểu. Tôi đã từng rất ấn tượng về những gì mình được nghe về ý nghĩa của báo hiếu vào rằm tháng Bảy.
Đó là Mục Kiền Liên Bồ Tát, khi ông biết được người mẹ của mình đang lâm vào kiếp ngạ quỷ ở mười tám tầng địa ngục. Mẹ của Bồ Tát Mục Kiền Liên sinh thời là một người phụ nữ độc ác và gây nhiều những tai ương. Mục Kiền Liên Bồ Tát đã tìm nhiều cách để hóa giải kiếp nạn cho mẹ, mặc cho việc bà là người ra sao.
Tôi còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, trong lễ rằm tháng Bảy của mùa Vu Lan. Buổi chiều hôm đó, tôi sắm sửa một ít đồ lễ ghé qua ngôi chùa nhỏ nằm giữa trung tâm thành phố xô bồ và tấp nập. Ở đó, đằng sau cánh cửa được sơn đỏ đã bong tróc vì thời gian, mọi thứ dường như dừng lại, để đếm từng nhịp đập của trái tim hòa chung vào một nỗi niềm thổn thức: Nhớ về đấng sinh thành.
Cũng trong một buổi chiều tháng Bảy năm đó, khi len lỏi trong dòng người tôi đã bắt gặp một cụ bà tóc bạc trắng ngồi nghỉ ở gốc cây ở sân chùa. Cụ khoác trên mình một tấm áo lam và trên ngực áo là một màu hoa hồng trắng toát.
Tôi hiểu ý nghĩa của màu hoa cài trên áo của cụ, ý nghĩa của sự xa cách mẹ cha. Tôi vẫn ấn tượng với những lời của cụ già đó kể lại. Tròn 20 năm kể từ ngày màu hoa hồng cài áo đổi từ đỏ sang trắng, cũng là tròn 20 năm cụ chỉ còn biết gọi mẹ cha trong nỗi nhớ mà chẳng biết kiếm tìm đâu một bàn tay vỗ về.
20 năm là thời gian ngót nghét một phần tư của đời người. Là cả một quãng thời gian dài đằng đẵng sống trong những nhớ nhung, có thể là cả hối tiếc vì những điều chưa làm kịp cho mẹ cha. Điều đó thật xót xa...
Mỗi cuộc đời, chúng ta dành 20 năm đầu tiên cho những suy nghĩ bồng bột và trẻ con để nhiều lúc hỗn hào với cha mẹ. Chúng ta dành 20 năm tiếp theo cho trưởng thành và tình yêu, sự nghiệp. Chúng ta có 20 năm sau đó cho những nỗi lo về gia đình riêng, về con cái của chính chúng ta...
Chỉ còn 20 năm sau cuối, khi bông hồng trên ngực áo đã chuyển màu trắng của những tang thương và lỗi nhịp, chúng ta mới dành thật nhiều thời gian để nhớ về đấng sinh thành. Bạn đang ở thời khắc nào? Và có từng sống như vậy không?
Tôi nghĩ về màu đỏ của bông hồng trên ngực áo mình và tự thấy rằng cần phải chắt chiu nhiều hơn ở hiện tại. Tôi không muốn quãng thời gian khi màu trắng được thay thế, là lúc phải nghĩ ngợi về những điều đã không còn cơ hội đổi thay với nghĩa sinh thành.
Nhà văn NA