Từ xa xưa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cũng như một số nước trên thế giới như Trung Quốc đều coi tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn hay tháng “ma quỷ”.
Tục lệ này bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến Rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12h đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá và được gọi là Tết Quỷ.
Theo nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc viện Nghiên Cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông, vì Tết Quỷ trùng với tháng 7 là tháng Ngâu (mưa ngâu nhiều và trùng với sự tích Ông Ngâu Bà Ngâu) nên trong dân gian người ta thường hay vẫn kiêng kỵ nhiều thứ như: Không khởi công tạo tác xây dựng nhà cửa, khởi sự những công việc lớn, khai trương, đi du lịch, những chuyến đi xa, xây cất mồ mả, nhập trạch về nhà mới, mua xe, ký kết hợp đồng... Và nhất là công việc cưới xin, ăn hỏi.
Ông Cung Hà nói: “Trong dân gian xưa, vẫn thường lưu truyền nhiều điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn như: Không treo chuông gió ở đầu giường; Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm vào tháng này, nếu không sẽ dễ gặp điều không may; Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến; Không ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai hoạ vào mình; Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy.
Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau; Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn; Không hù doạ người khác; Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó;
Không nên thức quá khuya; Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường; Không cắm đũa đứng giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung; Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá và không chụp ảnh vào ban đêm…”.
Với nhiều điều kiêng kỵ kể trên, nhà ngoại cảm Cung Hà cho biết thêm: “Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, với sự giao thoa và hội nhập trên thế giới. Dẫu biết “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng không phải tất cả các việc đều phải kiêng kỵ”.