Từng bị coi như "con điếm rẻ tiền"
Anna May Wong (Hoàng Liễu Sương) sinh năm 1905 tại khu phố người Hoa ở thành phố Los Angeles của Mỹ. Ngay từ nhỏ, cô bé Liễu Sương đã có sắc đẹp nổi bật với đôi mắt dài hình lá dăm và khuôn miệng nhỏ - biểu tượng cho sắc đẹp của phụ nữ Trung Hoa thời điểm đó. Vì thế khi lớn lên, với nhan sắc vượt trội, thay vì theo truyền thống gia đình là buôn bán, Liễu Sương đã quyết định đi theo con đường điện ảnh mặc cho sự can ngăn của gia đình.
Anna May Wong - Hoàng Liễu Sương
Để mình trở nên nổi bật giữa một rừng mỹ nữ Hollywood thời đó, đồng thời muốn chứng minh bản thân không chỉ là một cô "búp bê Trung Hoa di động", Hoàng Liễu Sương đã tạo cho mình sự gợi cảm, quyến rũ đầy mê hoặc - phong cách khác xa với phụ nữ Á Đông lúc bấy giờ. "Khi chân ướt chân ráo vào Hollywood, Anna May Wong đã có một phong cách vô cùng đặc biệt. Cô ấy trang điểm đậm với đôi mắt to tròn và đôi lông mi cong vút. Trên đầu của Anna thường xuất hiện thêm những chiếc mũ hoặc những chiếc khăn để tạo điểm nhấn. Thời điểm đó, trông cô ấy rất giống nữ diễn viên từng đóng phim khiêu dâm nổi tiếng một thời", Louise Brooks- một nhà làm phim cùng với Anna May Wong nhớ lại.
Không chỉ có Anna May Wong, bất kỳ diễn viên nào không mang quốc tịch Mỹ muốn được tham gia vào các bộ phim Hollywood đều rất khó khăn. Mặc dù người Trung Quốc thời đó ít người có mặt trên phim trường của Hollywood nhưng không vì thế mà họ được ưu tiên. Chính vì lẽ này, những ngày đầu tham gia điện ảnh, Anna May Wong luôn được giao những vai nô tỳ hoặc người phụ nữ có thân phận thấp hèn, phải phục tùng những người da trắng.
Vào năm 1932, cái tên Anna May Wong - Hoàng Liễu Sương đã trở nên nóng rực tại Trung Quốc không chỉ bởi danh tiếng của cô mang về từ Hollywood mà từ sự phản ứng dữ dội từ người dân nước này. Trong bộ phim Shanghai Express (1932) của đạo diễn Josef von Sternberg, Anna May Wong đã hóa thân vào một nhân vật với những cảnh diễn khiến người ta nghĩ đó là một ả gái điếm. Mặc dù chỉ là một vai diễn phụ nhưng với những cảnh sex quá nóng bỏng - không hợp với văn hóa Á Đông thời đó, bộ phim Shanghai Express nói chung và cá nhân nữ diễn viên Anna May Wong nói riêng đã bị tẩy chay ở Trung Quốc.
Sau khi bộ phim này ra đời, báo chí tại Thượng Hải khi đó đã dùng những lời lẽ sâu cay nhất để chỉ trích Anna May Wong - Hoàng Liễu Sương như: "Cô ta đã trở thành một búp bê sứ Trung Hoa ở Hollywood, một biểu tượng gợi dục, một con điếm rẻ tiền mua vui cho đám đàn ông nước ngoài".
Không chỉ có vậy, trong những năm tháng đầu tiên chạm ngõ thế giới điện ảnh, Anna May Wong cũng luôn bị đóng đinh trong những vai diễn có lối biểu lộ cảm xúc xơ cứng như hình nộm hoặc trở thành đại diện cho cái ác với tư thế nằm để lộ đôi chân đầy rắn và bò cạp. Mặc dù có sắc đẹp nổi bật, tuy nhiên, ít có đạo diễn nào tại kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới khi đó lại dám giao những vai diễn quan trọng cho Anna May Wong. Với họ, phụ nữ gốc Á nói chung và phụ nữ Trung Quốc nói riêng chỉ thích hợp với những hình tượng là một búp bê không cảm xúc.
Trở thành người phụ nữ yêu nước
Mặc dù là người được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nhưng Anna May Wong chưa bao giờ quên hay phủ nhận nguồn gốc của mình. Ngược lại, dù khi chưa thành danh hay đến khi bị đất mẹ tẩy chay, nữ diễn viên này vẫn luôn hướng tình cảm thân thiết của mình dành cho tổ quốc.
Sau khi Trung Quốc bị Nhật xâm chiếm, với lòng tự tôn dân tộc, Anna May Wong đã tham gia một loạt vai diễn thể hiện tinh thần chống phát xít của mình. Dù thường xuyên xuất hiện trong những vai phụ, nhưng tên tuổi của Anna May Wong vẫn được ghi dấu trong các bộ phim như The Toll of the Sea, Piccadilly, Daughter of Shanghai. Đặc biệt, hầu như trong những bộ phim sau này, Anna May Wong đều thể hiện được tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của mình.
Chính vì lý do này mà từ người bị đồng bào mình tẩy chay, trong những năm kháng chiến chống Nhật, khi quay trở lại quê hương, Anna May Wong lại được nhiều người Trung Quốc chào đón nhiệt liệt. Trong chuyến trở về Thượng Hải vào năm 1936, sau khi quay lại Mỹ, Anna May Wong thường xuyên tham dự cuộc họp của các tổ chức từ thiện và lên tiếng kêu gọi người dân Mỹ tích cực ủng hộ cuộc chiến kháng Nhật của Trung Quốc. Bà còn bán đi nhiều trang sức quý giá và gom góp tiền bạc gửi về nước vào năm 1939.
Anna May Wong
Thậm chí, để chứng tỏ mình không phải là “con điếm rẻ tiền” như những gì báo chí Trung Quốc lên án trước đây, trong những bộ phim sau này của mình, Anna May Wong không đóng phim có cảnh hôn người da trắng trên màn ảnh, dù người này đã hóa trang để đóng vai người Á Đông. Vì thế không có vai chính nam là người Á Đông, Anna May Wong cũng không thể đóng vai nữ chính. Vì lý do đó mà nhiều lần bất bình khi mất vai chính, Anna May Wong phải thốt lên rằng: "Thật đáng buồn cho tình trạng bị phủ nhận bởi người Trung Quốc vì tôi quá Mỹ và bởi các nhà sản xuất Hoa Kỳ vì họ thích chọn người chủng tộc khác đóng vai người Trung Quốc".
Trong thời gian sau này, Anna May Wong luôn cố đề cao quê cha đất tổ, phản đối những vai trò hèn hạ do người Tầu đóng như trong phim Daughter of the Dragon, và lớn tiếng tố cáo nước Nhật trong vụ tạo cớ để chiếm Mãn Châu. Vì những cống hiến của bà cho đất nước, vào năm 1932, Đại học Bắc Kinh đã trao tặng Anna May Wong bằng tiến sĩ danh dự của trường.
Nguồn cơn mối thâm thù từ Tống Mỹ Linh
Mặc dù là một Hoa kiều yêu nước và có đóng góp khá nhiều tài sản cho cuộc cách mạng chống lại phát xít Nhật, tuy nhiên đối với một số người, Anna May Wong vẫn chỉ là "một con điếm rẻ tiền". Trong số này có Tống Mỹ Linh - vợ của Tưởng Giới Thạch.
Theo quan điểm của Tống Mỹ Linh - một người cũng được hưởng nền giáo dục tân tiến của các nước phương Tây, người Trung Quốc tân tiến phải là tầng lớp tinh anh, được giáo dục cẩn thận. Vì thế trong mắt người phụ nữ họ Tống này, mặc dù nổi tiếng nhưng Anna May Wong vẫn chỉ là một người đại diện cho tầng lớp thấp kém trong xã hội. Sau này trong các chuyến đi Mỹ để thuyết giảng cho người Hoa Kiều về lòng yêu nước, không một lần nào Tống Mỹ Linh mời Anna May Wong.
Trong một cuốn nhật ký của mình, Anna May Wong đã viết rằng: "Bà Tống (chỉ Tống Mỹ Linh) luôn coi tôi là đại diện cho hình tượng người Trung Quốc trong xã hội cũ, gồm những thành phần xã hội đen, làm cu li, chủ tiệm giặt là hay chủ quán cơm. Vì thế trước khi có những chuyến diễn thuyết tại Mỹ, bà ấy đều đánh tiếng rằng, tôi sẽ không được có mặt vì tôi là tầng lớp thấp kém.
Mặc dù bị Tống Mỹ Linh phân biệt đối xử, Anna May Wong cũng không lấy thể làm buồn. Trong suốt quãng đời sau này của mình, bà cũng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hướng về tổ quốc đang chìm trong đạn khói của chiến tranh. Cũng vì không gây tiếng vang nhiều trong các vai diễn tại Hollywood, nên khi quay về Mỹ, Anna May Wong đã chuyển hướng sang kinh doanh.
Vào năm 1960, khi đã ở tuổi xế chiều, nữ diễn viên này đã tự mình sản xuất hai bộ phim Flower Drum Song và The World of Suzie Wong. Theo nhật ký của Anna May Wong, bà rất mong đợi sự ra đời và sự đón nhận của khán giả đối với 2 tác phẩm điện ảnh đầu tay này. Nếu hai tác phẩm này thành công, tôi rất muốn được quay trở lại với điện ảnh. Đó là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời của tôi.
Tuy nhiên, mọi việc lại không được diễn ra theo ý muốn của nữ diễn viên. Trước khi hai tác phẩm điện ảnh của bà ra mắt công chúng, sau một cơn đau tim đột ngột, Anna May Wong đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng năm 46 tuổi.
Nổi danh khởi đầu từ châu Âu Trước việc kỳ thị diễn viên Trung Quốc, năm 1928, Anna May Wong đã lặn lội sang châu Âu tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, nuôi hy vọng rũ sạch những định kiến cứng nhắc của Hollywood về thân phận gốc Á của mình. Chỉ một năm sau đó, sự can đảm và bản lĩnh kiên trì đã giúp người phụ nữ này khẳng định được chỗ đứng của mình trong làng giải trí châu Âu. Lối diễn lôi cuốn của Anna May Wong trong Piccadilly (năm 1929) nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng. Thậm chí, bà trở thành khách mời danh dự trong một buổi yến tiệc của Hoàng gia Anh. Vinh hạnh ấy trở thành câu chuyện huyền thoại với phụ nữ Trung Quốc thời bấy giờ. |
Hải Hiền