Paris từ chối bán tàu sân bay trực thăng Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea. Đây được coi là một trong những cơ hội bị bỏ lỡ đáng tiếc nhất của Moscow.
Tuy nhiên, không chấp nhận thực tế, Moscow hiện tại đang tự tay đóng con tàu của riêng mình, sử dụng công nghệ, đào tạo và số tiền trả lại từ chính thỏa thuận bị hủy bỏ với Pháp, theo RT.
Một trong hai tàu sân bay trực thăng do Nga sản xuất sẽ được đưa vào chế tạo từ tháng 5 năm sau và sẽ được hoàn thành vào năm 2027, các nguồn tin trong ngành đóng tàu nói với TASS hôm 12/9.
Tàu sân bay của Nga được cho là có khả năng mang theo tối đa 10 máy bay trực thăng và có sàn tàu lớn để triển khai tàu đổ bộ. Hợp đồng hai tàu sẽ được ký kết trong vài tháng tới, nguồn tin cho biết.
Lấp đầy khoảng trống
Các tàu mới sẽ tăng đáng kể sức mạnh hải quân của Nga, vì Moscow đang rất cần tàu tấn công đổ bộ hiện đại, chuyên gia quốc phòng Mikhail Khodarenok nói với RT. Các mẫu xe bọc thép chở quân hiện có bị hạn chế về khả năng lội nước, chỉ có thể triển khai quân trên những vùng vịnh nhỏ an toàn với vùng nước yên tĩnh.
Hơn nữa, chuyên gia Khodarenok tin rằng, những thách thức trong chiến tranh hiện đại sẽ khiến cho các công nghệ thời Liên Xô khó thích ứng trong chiến đấu thực tế. Cần phải có một loại tàu mới để lấp đầy khoảng trống này và đây là điều mà Nga đang nghiên cứu.
Mistral
Nga ban đầu muốn giải quyết vấn đề bằng cách mua tàu sân bay trực thăng ở nước ngoài. Trong đợt đấu thầu quốc tế năm 2010, Pháp đã giành chiến thắng. Họ hứa sẽ chế tạo hai tàu lớp Mistral mới nhất phù hợp với nhu cầu của Nga trong bối cảnh mới.
Moscow có mối quan hệ khá tốt với Paris vào thời điểm đó, vì vậy thỏa thuận này gần như chắc chắn sẽ thành công. Đây cũng được coi là hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất của một quốc gia NATO cho Nga từ trước đến nay.
Xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire trên bờ biển Đại Tây Dương của Pháp hoạt động không ngừng nghỉ để đưa tàu sân bay đầu tiên đến Moscow vào mùa Thu năm 2014. Chiếc thứ hai dự kiến sẽ được bàn giao một năm sau đó.
Tuy nhiên, tất cả đã sụp đổ sau cuộc khủng hoảng năm 2014 ở Ukraine, sau khi Crimea sáp nhập với Nga và cuộc chiến ở Donbass nổ ra. Liên minh châu Âu (EU) quyết định trả đũa Moscow bằng các biện pháp trừng phạt.
Pháp tất nhiên phải đi cùng với nhóm của mình và Tổng thống Francois Hollande lúc đó đã ngừng chuyển giao tàu Mistral vô thời hạn.
Moscow quyết định không chờ đợi trong vô vọng và yêu cầu trả lại tiền. Pháp không chỉ mất một hợp đồng béo bở mà còn buộc phải bồi thường cho Nga chi phí điều chỉnh thiết kế các trực thăng Ka-52 để triển khai trên boong tàu Mistral, cũng như nâng cấp các cơ sở tại cảng Vladivostok dành cho tàu sân bay.
Cuối cùng, Paris đã hoàn trả cho Moscow gần 950 triệu euro. Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin khi đó nói rằng Nga rất hài lòng với kết quả này, vì số tiền tính bằng rúp lấy lại cao gấp ba lần so với số tiền ban đầu trả cho Pháp.
Hơn nữa, Nga còn có được tài liệu kỹ thuật quý giá về cách chế tạo và vận hành các tàu sân bay trực thăng tương lai của riêng mình, do Paris đồng ý chuyển giao công nghệ khi ký thỏa thuận. Khoảng 400 thủy thủ Nga đã được gửi đến Saint-Nazaire để đào tạo. Số tiền chi cho chuyến đi của họ sau đó cũng được người Pháp đền bù.
Chuyên gia Khodarenok cho biết Nga bây giờ chắc chắn sẽ sử dụng kinh nghiệm mà họ có được trong quá trình phát triển Mistral khi hợp tác với người Pháp.
Trớ trêu
Với việc sự kiện Crimea đóng vai trò là cái cớ để Pháp làm “trật bánh” hợp đồng bán tàu, trớ trêu thay - bán đảo này lại là nơi Nga có kế hoạch chế tạo tàu sân bay của riêng mình.
Các tàu dự kiến sẽ được xây dựng tại xưởng đóng tàu Zaliv ở thành phố Kerch, trên bờ biển phía Đông của bán đảo. Tuy nhiên, thay vì là một sự trêu chọc đối với Paris, quyết định chọn nhà máy đóng tàu tại đây được coi là vì lý do khác.
Trên thực tế, chỉ có cảng ở đây mới có một bến tàu đủ lớn để đóng tàu sân bay, chuyên gia Khodarenok nói.
Quan trọng hơn đối với quá trình xây dựng tàu sân bay trực thăng là cây cầu mới nối Crimea với lục địa Nga. Đây sẽ là tuyến đường trung chuyển tốt các bộ phận hạng nặng bằng đường bộ hoặc đường sắt.
“Không phải ngẫu nhiên quá trình chế tạo bắt đầu vào tháng 5/2020”, chuyên gia Khodarenok giải thích. “Vào thời điểm đó, cầu đường sắt Crimea sẽ bắt đầu hoạt động hết công suất”.