Kể từ sau The Voice Kids mùa đầu tiên, nhạc sĩ Thanh Bùi từ chối tất cả những lời mời làm giám khảo các chương trình dành cho trẻ em. Thậm chí, nam nhạc tài hoa từng “gây bão” với phát ngôn, nên dừng các chương trình âm nhạc cho thiếu nhi. Vì vậy mà, việc tái xuất trên ghế nóng Thần đồng âm nhạc – Wonderkids lần này của Thanh Bùi khiến nhiều khán giả không khỏi bất ngờ.
Từng tuyên bố “đoạn tuyệt” với gameshow âm nhạc, tại sao Thanh Bùi lại quyết định tái xuất trong chương trình Thần đồng âm nhạc – Wonderkids?
Bản thân tôi chỉ mong muốn có những khoảnh khắc các phụ huynh cùng con em mình quây quần xem một chương trình nào đó thật vui vẻ và ý nghĩa. Cuộc sống bận rộn, đôi khi chúng ta bị cuốn theo những việc riêng mà quên dành thời gian cho gia đình. Hai chữ gia đình giờ không còn được như xưa, trong khi bản thân tôi rất coi trọng hai chữ thiêng liêng ấy. Thế nên, tôi muốn làm một điều gì đó để giúp các thành viên trong mỗi gia đình gắn kết với nhau hơn.
Hơn nữa, Thần đồng âm nhạc - Wonderkids không phải là một gameshow mà là một chương trình giáo dục – giải trí. Tính giải trí thể hiện ở chỗ, đây là một sân chơi âm nhạc với mong muốn đem đến cho các em một mùa hè thú vị. Còn tính giáo dục thể hiện ở chỗ, các em sẽ được trưởng thành hơn sau mỗi đêm thi nhờ sự nỗ lực rèn luyện của bản thân cùng sự hướng dẫn tận tình của một chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Sau quá trình tham gia chương trình, các em sẽ hiểu rằng, thành công không đến sau một đêm mà đến từ nỗ lực rèn luyện, sự hết mình và cần có hỗ trợ từ gia đình cũng như cộng đồng.
Chương trình đặc biệt ở chỗ, không loại thí sinh nhí nào hết. Tôi không muốn trải qua cảm giác loại một em nhỏ trên truyền hình, trước mặt bao nhiêu triệu người. Là một người thầy, tôi đã từng rất đau lòng khi phải nghe thí sinh nhí rời khỏi sân khấu và thốt lên “thầy ơi, em xin lỗi, em bị loại rồi”. Ngay lúc ấy, tôi hiểu, khoảnh khắc và hình ảnh đó sẽ theo một đứa trẻ suốt đời.
Nếu như chương trình không loại, vậy thì làm sao đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh?
Quan trọng là ban giám khảo phải khách quan. Hơn nữa, những người đã đồng ý cùng tham gia với tôi trong chương trình này đều là nghệ sĩ có tâm huyết. Thế nên, tôi tin tưởng rằng, chương trình này sẽ rất công bằng, công tâm với tất cả các thí sinh.
Đương nhiên, các em có tài năng, đam mê và muốn theo đuổi con đường nghệ thuật thì tôi sẽ cố gắng tạo ra tất cả những cơ hội.
Nhiều người cho rằng, các gameshow hiện nay đặt nặng yếu tố lợi nhuận. Điều này có đúng không, thưa anh?
Thực ra, đặt ra mục tiêu lợi nhuận cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một chương trình không nên đặt mục đích kinh doanh lên hàng đầu, bởi khi đó mọi chuyện sẽ được xử lý theo hướng khác. Tôi tin, nếu mọi thứ được xây dựng từ cốt lõi thì hiệu quả sẽ đến.
Nhiều giọng ca trẻ muốn vào showbiz thường tham gia chương trình thực tế, thay vì đi lên từ từ như các ca sĩ thế hệ trước. Phải chăng, các bạn trẻ bây giờ có được sự nổi tiếng quá dễ dàng?
Thực tế, dù là ở thời nào, sự nổi tiếng cũng cần gắn với giá trị cốt lõi. Giữa một thị trường âm nhạc đang bão hòa như hiện nay, nếu ai làm nghề bằng cái tâm và tài, thì chỉ cần thời gian và sự nhẫn nại là tài năng, giá trị của họ sẽ được công nhận. Nếu ai muốn theo đuổi nghề đến cùng thì hãy làm nghề từ cốt lõi, còn nếu làm theo kiểu “mì ăn liền” thì sẽ “sớm nở tối tàn”.
Một điều quan trọng nữa mà những bạn trẻ có đam mê và muốn theo đuổi nghệ thuật cần hiểu, làm nghệ thuật là làm văn hóa, tất cả mọi người làm nghệ thuật nên có trách nhiệm tôn vinh văn hóa.
Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Thanh Bùi!
Hà Linh