Diện kiến “thánh cô”
Vượt quãng đường dài hơn 150 km về thôn Đồng Đa, xã Thành Công, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa chúng tôi đến nhà tự xưng là “thánh cô” nằm hút trong con ngõ nhỏ. Trong vai người bị rạn xương chữa lâu ngày không khỏi để được diện kiến “thánh cô”.
Bước vào cổng, nhà “thánh cô” đơn giản, không biển hiệu quảng cáo, không phô trương, cô liền bước ra cất tiếng: “chữa bệnh về xương hả?”. Thấy khách gật đầu cô liền mời vào nhà.
Chân dung "thánh cô" chữa bá bệnh về xương.
Dáng người nhanh nhạy so với tuổi đời, “thánh cô” bước ra, khách liền nói bị tai nạn nên rạn xương đã lâu, đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ chữa mãi nhưng không khỏi. Nghe đến đây “thánh cô” liền trấn an “yên tâm đi, bệnh nặng đến đâu các bác sĩ chữa mãi mới khỏi nhưng đã tìm đến tôi là ắt khỏi.”
“Trước đây có bà cụ khoảng hơn 70 tuổi ở tận Hòa Bình cũng chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi, bị liệt chỉ nằm một chỗ, người nhà phải đưa đến đây, sau đó ở đây gần 1 tháng lấy thuốc tôi sau đó bệnh khỏi hẳn, giờ đây khi đã 80 tuổi mà vẫn đi lại khỏe mạnh”, “thánh cô” kể.
Sau đó lần lượt “khoe” những “thành tích” của mình, rằng khắp các làng trên xóm dưới, khắp cả đất nước, hầu như ở tỉnh nào cũng đều có người lấy thuốc của “thánh cô” về dùng và đều khỏi bệnh. “Không chỉ chữa bệnh cho người mà cô còn ‘kiêm’ cả chữa bệnh cho động vật, tất cả các bệnh về xương khi mà đã được ‘thánh cô’ lấy thuốc sau vài ngày lại chạy tung tăng như ngựa,” một người dân cho hay.
"Thánh cô" khoe chữa khỏi bệnh cho vận động viên bóng chuyền Việt Nam là Ngô Văn Kiều?!
Để dẫn chứng lời nói của mình, “thánh cô” lôi từ trong tủ lôi ra một chồng sách dầy cộm cho biết, tất cả những người bệnh đến chữa bệnh bà đều ghi hết vào trong đó, người bị các bệnh về xương như bị tai nạn, bị đau xương, gãy chân, gãy tay… đều chắc như đinh đóng cột là sẽ chữa khỏi.
Theo “thánh cô” cho biết mỗi ngày có hàng chục người từ khắp các nơi như Nam Định, Thái Nguyên, Yên Bái… thậm chí người trong miền nam bắt xe ra tận nơi xin thuốc của thánh cô để chữa bệnh.
“Thánh cô” tự hào kể: “Mới đây có cả vận động viên bóng chuyền của Việt Nam là Ngô Văn Kiều bị đau chân về nhà tôi xin thuốc chữa khỏi, rồi vận động viên Nguyễn Văn Lập trong đội bóng chuyền Ninh Bình, còn người bình thường được chữa khỏi thì đếm không xuể.”
Theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, “thánh cô” tên thật là Hà Thị Đông (60 tuổi) tên thường gọi là bà Nhung đã hành nghề không phép được 17 năm, gia đình bà có 4 đời đến đời bà là thứ 5, bà cho biết được mẹ chồng truyền cho sau đó được năm thì mất. Nói về bài thuốc bí truyền này, bà cho biết “trước khi mất các cụ có dặn không được nói cho bất cứ ai biết”.
Ngược đời bài thuốc treo
“Thủ tục” thăm khám bệnh của “thánh cô” rất đơn giản, người bệnh chỉ cần ghi họ tên, ở đâu sau đó đặt lễ là vàng hương, hoa quả, một ít tiền mà theo “thánh cô” là tùy tâm, nhưng thường từ 50 đến 100 nghìn, còn người nhiều tiền có thể đặt thêm lên điện thờ được “thánh cô” đặt trên gian tầng 2. Thánh cô tự tay thắp hương khấn, xé một ít lá chuối và một ít lá cúc tần làm lễ, rồi liên tục niệm chú như tiếng Mường sau đó bảo khách xuống dưới nhà đợi thánh cô làm lễ là xong.
Thánh cô làm lễ lấy thuốc cho người bệnh.
Cận cảnh bài thuốc lạ của "thánh cô".
Sau khi làm lễ xong, thánh cô lò dò từ trên nhà bước xuống, trong tay cầm một vật nhỏ được gói ghém gọn như chiếc bánh chưng nhỏ và không quên dặn dò bảo đem về treo ở đầu giường vài ba hôm sau bệnh ắt khỏi.
Kỳ lạ phương thuốc của “thánh cô” không cần uống, không cần xoa bóp hay làm bất cứ thứ gì mà chỉ cần treo lên đầu giường bệnh tự khỏi. Điều kỳ lạ là có rất nhiều người đến để chữa trị.
Theo cô: "Thuốc không cần uống, không cần xoa mà chỉ treo lên đầu giường là ắt khỏi".
Việc chữa bệnh theo kiểu “treo” thuốc lên đình màn rõ ràng phản khoa học và lợi dụng tính chất tâm linh để thực hiện mê tín dị đoan để chữa bệnh. Mạng lưới “cò mồi” của thánh cô rất đông, có lẽ đây là những nhà “quảng cáo” chuyên nghiệp giúp kéo khách đến với “thánh cô”.
Ông Hành không ngớt lời khen về bài thuốc lạ khiến khách không khỏi nghi ngờ là chân rết "cò mồi" của "thánh cô".
Để nắm rõ hơn về khả năng chữa bệnh của “thánh cô”, chúng tôi đến nhà ông Trương Văn Hành theo lời giới thiệu của "thánh cô" rằng đã bị rạn xương nhưng đã được “thánh cô” chữa khỏi, ông Hành không ngớt lời: “Tôi cũng chẳng hiểu nổi bà ấy dùng cách nào thuốc không cần phải uống vì thường thuốc rất đắng mà đi viện thì rắc rối, tốn tiền mà lâu khỏi, lấy thuốc của “thánh cô” về treo có mấy hôm là có thể đi lại được nên ai bị tai nạn, gãy chân gãy tay tôi đều giới thiệu”.
Không biết rằng đó có phải “cò mồi” được thánh cô sắp đặt sẵn không. Chúng tôi gọi điện vào số máy của vận động viên Nguyễn Văn Lập trong đội bóng chuyền Ninh Bình để tìm hiểu thực hư theo số máy "thánh cô" ghi chép trong cuốn sách nhưng máy trả lời “thuê bao tạm khóa”. Phải chăng “thánh cô” dùng chiêu thức đó để lấy lòng tin người đến chữa bệnh?
Văn Nguyên