Chiều 17/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới tất cả các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh trên cả nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Qua những chia sẻ chân thành, xúc động của các thầy, cô về chuyện đời, chuyện nghề, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: có thể thấy rằng các thầy, các cô là những nhà giáo có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới học sinh; thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người.
"Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó của các thầy, các cô giáo trong suốt những năm qua, nhất là trong đại dịch Covid-19. Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước ta trong những năm qua", Thủ tướng phát biểu.
Phương châm được lãnh đạo Chính phủ đề cập là "Lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực". Đồng thời, Thủ tướng đặt ra yêu cầu "Học thật, thi thật, nhân tài thật", "Thực tâm, thực tài, thực nghề".
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng nêu lên một số vấn đề lớn đặt ra. Đó là, chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo một cách hiệu quả? Trong bối cảnh, tình hình mới, công tác dạy và học cần thay đổi như thế nào cho phù hợp? Làm thế nào để "học" thực sự đi đôi với "hành"? Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế chúng ta?
Giải pháp nào để vừa xây cho các em những kiến thức nền tảng, cơ bản, vừa tạo điều kiện để các em phát triển năng khiếu bản thân ở bất kỳ môn học nào? Chúng ta cần phát triển thể thao trường học đường như thế nào để các em phát triển đầy đủ cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần?
Nghề giáo là nghề cao quý, vậy chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy, cô yên tâm công tác, không ngừng phấn đấu, cống hiên vì nền giáo dục nước nhà, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn?
Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên qua, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung, tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Trung ương.
Huy động và sử dụng hiệu quá các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng chống bạo lực trong trường học; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn...
Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần: "Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" những phải hợp lý và hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhà giáo là đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, gợi mở với các thầy giáo, cô giáo một số suy nghĩ. Đó là, muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh chỉ được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy cô có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh.
"Thành công của giáo dục không phải là nhồi kiến thức cho đầy, không chỉ là tạo ra những chuyên gia giỏi mà là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đổi mới sáng tạo, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam", Thủ tướng nói.