Bị xâm hại, nữ sinh thành hư hỏng
Cái sự kiện đưa cuộc đời Huyền vào tăm tối xảy ra cách đây đã 10 năm ở một xã thuộc Thái Bình. Lúc đó, Huyền đang học lớp 11. Cô bị một người trong họ, sống cùng làng, lừa cưỡng hiếp, và cả chục ngày sau mới dám nói với mẹ. Bố mẹ cô sang “nói chuyện phải trái” với gia đình người con trai kia, nhưng anh ta không nhận. Bố mẹ anh ta được thể chửi ngược lại, rằng con ông bà đĩ thõa, chưa lớn đã mất nết, lại còn định đổ vấy, rằng có giỏi thì gọi công an về đưa con bé đi xét nghiệm xem ai ngủ với nó…
Ảnh minh họa
Chuyện om sòm lên, các bậc trưởng thượng trong họ phát hoảng, sợ tiếng xấu cho cả họ nên vừa thuyết phục vừa ép hai nhà phải im đi, không được cãi cọ nữa, cũng không được kiện cáo gì cả. Biết làm gì thì cũng chỉ con mình chịu thiệt, đằng nào cũng không chứng minh được, gia đình Huyền đành nuốt nhục. Thế nhưng người làng thì không im. Họ bàn tán, đoán định về sự việc. Kẻ thì tin cô thiếu nữ thuận tình “cho”, sau vì sợ quá nên lu loa là bị hiếp, người thì nghĩ cô bị cưỡng bức thật, nhưng chắc cũng phải lả lơi, hớ hênh thế nào thì mới bị vậy chứ, gái ngoan thì đời nào mắc phải chuyện kia.
Huyền đi đâu cũng bị chỉ trỏ. Đám trai làng thấy cô đi qua thì cười cười hoặc buông lời trêu ghẹo, có kẻ còn nhân khi đường vắng giở trỏ sàm sỡ “thử một chút xem được thì được, không thì thôi”. Đám con gái có một số đứa ra vẻ mình chính chuyên, không chơi với Huyền, một số khác bị bố mẹ cấm chơi kẻo mang tiếng học đòi thói hư hỏng.
Chuyện cũng nhanh chóng lan đến trường, và cả ở đây, cô thiếu nữ cũng trở thành đầu đề của những câu chuyện buôn dưa lê bán dưa chuột với những cái nhìn ẩn ý, những câu nói ác ý. Sợ hãi, Huyền bỏ học, trốn ru rú ở nhà, không đặt chân ra đường.
Gần 2 năm sau, khi bạn bè kẻ đã vào đại học, người bắt đầu kiếm việc để làm, thì bố mẹ Huyền cũng không cho phép con gái vô công rồi nghề thêm nữa. “Mày có trốn được cả đời không? Nếu không học lại thì đi kiếm việc làm đi”, bố nói. Huyền không thể giáp mặt ai ở quê nên quyết định lên Hà Nội tìm việc, mang theo nỗi hận và ý nghĩ, cuộc đời mình từ nay không còn gì tốt đẹp nữa.
Ở quán bia mà Huyền làm phục vụ, sự sàm sỡ, chớt nhả của nhiều khách hàng khiến Huyền càng nghĩ mình là đồ bỏ đi, không được ai tôn trọng. Bởi thế, khi một người đàn ông ngỏ ý muốn “bao” mình, cô gật đầu. Giờ đây sang tuổi 27, cô đã qua tay nhiều đàn ông dù chưa có nổi một cuộc tình, và hoàn toàn không hy vọng về một tình yêu hay mái ấm.
Ảnh minh họa
Hận người, tự phá đời mình
Bây giờ, Vân đã trở thành “tấm gương tày liếp” mà các gia đình trong khu phố đưa ra để cánh báo, dạy dỗ con gái. Sau những năm tháng sống xả láng quên đời, giờ cô đang chờ những ngày cuối cùng khi hệ miễn dịch đã bị tàn phá bởi virus HIV.
Thời còn là thiếu nữ, Vân từng là tấm gương thực sự bởi cô không chỉ xinh mà còn ngoan và học giỏi. Vào năm Vân thi đại học, khu phố của cô có 6 người thi nhưng chỉ mình cô đỗ và rời nhà lên thủ đô. Thế nhưng Vân chẳng bao giờ ra trường. Chưa hết năm thứ 3 cô đã bỏ học rồi “xõa” hết mình cho quên mối hận tình đầu.
Yêu nhau hơn 2 năm, Vân đặt hết niềm tin yêu cùng hy vọng về tương lai cho người đàn ông ấy, người mà cô coi là hoàn hảo, tôn sùng như thần tượng, đến nỗi dù được bố mẹ giáo dục là con gái phải tuyệt đối giữ gìn tiết hạnh, cô vẫn trao thân chẳng chút băn khoăn. Vân chỉ mong chóng tốt nghiệp, ổn định việc làm để được làm vợ.
Nhưng giấc mơ tan tành vào cái ngày một người phụ nữ đến đúng lúc bạn trai đang ở với cô và rầm rộ đánh ghen. Hóa ra người yêu Vân đã có vợ. Nhưng điều kinh khủng nhất là, trước cơn thịnh nộ của vợ, anh ta rúm ró xin lỗi, và để mặc cho vợ cấu xé người tình, khiến Vân cơ thể rách nát, tâm hồn bầm dập.
Sau hôm đó, điện thoại của người đàn ông luôn ở trong tình trạng không liên lạc được. Vân đến tìm thì anh ta lẩn như chạch, trừ một lần anh ta nói đúng một câu “em thông cảm cho anh, đừng tìm anh nữa” rồi cũng lẩn mất. Vân tự tử mà không chết. Cô tìm quên bằng cách theo bạn đi chơi, mỗi ngày một khuya hơn, bạo hơn, kết giao mỗi ngày một dễ dãi hơn. Đàn ông à ơi, đùa cợt với mình, cô chẳng buồn nghiêm ngắn giữ mình hay phản ứng mạnh nữa, bởi với cô, ai mà chả khốn nạn như nhau, mà cô thì là thứ vứt đi rồi…
Những cuộc vui sa đà khiến chuyện học của Vân bết bát đến mức cô đâm nản, không hơi đâu mà “vá víu”. Vân bỏ học, theo đám bạn hư hỏng đi xõa quên sầu, mà phần đóng góp của cô là xác thân. Đến lúc thấy không giấu được gia đình nữa thì cô gọi một cú điện thoại cho mẹ bảo đừng tìm rồi cắt hẳn liên lạc, sống đời giang hồ. Cô thành “gái” lúc nào không biết.
Khi gia đình không tìm Vân nữa thì cô trở về, thân tàn ma dại, mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Gia đình cố giấu, nhưng không hiểu sao thông tin ấy vẫn lộ ra. Bố mẹ Vân chẳng những mất con mà còn mất hết cả danh dự. Còn Vân, trước viễn cảnh tăm tối của cái chết, cô cầu cho người đàn ông kia bị đày xuống địa ngục vì tội đã phá nát cuộc đời cô và hạnh phúc của gia đình cô.
Những người như Vân, sa ngã sau nỗi đau của mối tình đầu bị lừa dối, không hiếm gặp. Họ luôn oán hận một người đã đẩy họ xuống vực thẳm, mà không nhận ra rằng, những kẻ kia chỉ làm họ bị thương, còn người biến nó thành vết tử thương lại chính là họ. Thay vì điều trị cho vết thương chóng lành, họ lại tự đâm cho nó sâu hơn, rộng hơn, khiến cho nó nhiễm trùng, hoại tử và dẫn đến sự hủy hoại bản thân hoàn toàn.
Ban đầu, họ là nạn nhân của một gã đàn ông bất lương, nhưng sau đó lại là nạn nhân của chính mình. Kẻ bất lương kia gây cho họ một tai nạn, còn bản thân họ tự giết chết chính mình. Dù là tai nạn hay là sự sa ngã, họ cũng chẳng có cách nào khác là tự đứng lên, hoặc chí ít cũng nhờ người khác kéo mình lên từ chỗ ấy để bước tiếp. Không ai hủy hoại được họ ngoài chính họ, và cũng không ai cứu được họ ngoài chính họ.
Theo Tri thức thời đại