Thanh Hóa: Ai về Ngư lộc mà xem...

Thanh Hóa: Ai về Ngư lộc mà xem...

Chủ nhật, 22/09/2013 08:58

Cả xã Ngư Lộc với hơn 17.000 người sinh sống trên diện tích 0,47 km2 đã tạo ra một số kỷ lục, trong đó có “5 nhất” điển hình đang tiềm ẩn rất nhiều.. hệ lụy.

Ông Nguyễn Văn Huấn (Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc) là người đậm chất “ăn sóng, nói gió” của ngư dân ven biển huyện Hậu Lộc. Trong buổi làm việc, ông Huấn “khoe” với chúng tôi về những “cái nhất” tồn tại trên quê hương Ngư Lộc, đang rất cần cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm có biện pháp tháo gỡ.

Xã đông dân nhất tỉnh

Cái nhất đầu tiên mà ông Huấn nhấn mạnh, đó là: “Mật độ dân số hiện nay ở Ngư Lộc đông nhất so với 637 xã, phường, thị trấn của tỉnh Thanh Hóa”. Cả xã Ngư Lộc hiện có hơn 17.000 nhân khẩu (3.200 hộ), được phân bổ ở 7 đơn vị hành chính thôn. Trong đó, thôn Chiến Thắng đông nhất với 626 hộ, nhì là thôn Bắc Thọ với 530 hộ, số hộ dư chia đều ở 5 thôn còn lại.

Miền trung - Thanh Hóa: Ai về Ngư lộc mà xem...
Mật độ dân số Ngư lộc hơn 36.000 người/km2, đông nhất so với 637 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Thanh Hóa.

Về diện tích tự nhiên, xã Ngư Lộc chỉ có 0,47 km2, trừ đi diện tích đất phục vụ các công trình công cộng như nhà công vụ xã, bệnh xá, trường học, nhà văn hóa thôn và hệ thống đường sá, đê biển, bến cá và chợ, thì quỹ đất ở dành cho 3.200 hộ dân còn lại là rất ít. Cho nên, các hộ gia đình ở đây phần nhiều có diện tích đất ở bình quân chỉ từ 8 đến dưới 30m2/hộ, chật hẹp hơn cả phố cổ Hà Nội.

Trong diện tích như vậy, nhiều hộ gia đình hiện có 2 - 3 thế hệ cùng chung sống. Ở thôn Bắc Thọ, gia đình anh Nguyễn Văn Tuất có 12 thành viên quần tụ trong căn nhà rộng hơn 10m2; gia đình ông Nguyễn Văn Mở cùng thôn có ba thế hệ gồm 10 người (ông bà, bố mẹ và 6 người cháu) cùng ở trong một căn nhà rộng chừng 20m2. Ở xã Ngư Lộc hiện còn hàng trăm gia đình đang phải sống trong cảnh chật hẹp như gia đình ông Mở và anh Tuất…  

Điều kiện nhà ở, sinh hoạt của ngư dân ven biển như vậy là vô cùng bức bối, chật hẹp! Theo tính toán của ông Huấn, mật độ dân số của xã Ngư Lộc hiện có hơn 36.000 người/km2. Ông Huấn khẳng định, trong tỉnh Thanh Hóa  không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn nào có mật độ dân số “đậm đặc” như xã Ngư Lộc.

Trong khi đó, cũng theo ông Huấn cho biết, “cái nhất thứ hai” tồn tại hàng chục năm nay ở xã Ngư Lộc là không hề có một tấc đất nông nghiệp nào, nên bao đời nay ở đây không có bãi tha ma. Cho nên, người xấu số và người già chết tự nhiên, gia đình họ phải thuê đất an táng ở nghĩa địa Cồn Khang của xã Đa Lộc hoặc chôn nhờ ở các nghĩa địa thuộc các xã lân cận.

Sinh con thứ 3 nhiều nhất huyện

Hiện tại, cơ cấu kinh tế của xã Ngư Lộc được xác định là một xã thuần ngư với 64,5% dân số sống phụ thuộc vào nghề biển và chế biến thủy sản; tỷ trọng còn lại làm dịch vụ thương mại và nghề xây dựng. Những ngày biển động, hàng trăm phương tiện tàu thuyền, bè mảng ở Ngư Lộc không đi khơi, đi lộng, thì mới thấy cảnh “phố phường ở Diêm Phố” người nhàn cư đông đúc như nêm. Người ngược xuôi, ra vào ở các ngõ ngách tại các thôn ở Ngư Lộc thoạt trông cứ như trong các khu phố cổ Hà Nội.

Ngoài “hai nhất” kể trên, ông Huấn tiếp tục khẳng định: “Cái nhất thứ ba ở Ngư Lộc là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 31%, cao nhất huyện Hậu Lộc”. Trong khi đó, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương phối hợp với Ban Tư pháp xã, Hội phụ nữ, Y tế và Đoàn thanh niên vẫn thường xuyên và liên tục tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật hôn nhân gia đình, Pháp lệnh dân số“mỗi cặp vợ chồng chỉ nên đẻ từ một hoặc hai con”.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Huấn, sở dĩ ở Ngư Lộc vẫn còn tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất huyện Hậu Lộc (thậm chí cao nhất tỉnh Thanh Hóa) là do xuất phát từ “tâm lý truyền thống giầu con, giầu của; phải có người nối dõi tông đường; rồi tìm mọi cách đẻ con trai bằng được, vì cho rằng con trai là lao động chính và là người nối nghiệp nghề truyền thống  đi khơi, đi lộng”, bám biển để mưu sinh.

Trước hiện tượng trên, ông Hoàng Trọng Sướng (cán bộ tư pháp xã Ngư Lộc), cho biết: “Mấy năm trước, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Ngư Lộc rất cao, nay giảm còn 31% là sự đóng góp lớn của Ban tư pháp xã, trực tiếp tuyên truyền đến nam nữ trong độ tuổi kết hôn, buộc họ phải cam kết “không sinh con thứ 3” ngay thời điểm họ đăng ký kết hôn tại UBND xã Ngư Lộc”.

Miền trung - Thanh Hóa: Ai về Ngư lộc mà xem... (Hình 2).
Hàng ngày bình quân mỗi thôn ở Ngư Lộc tống ra biển khoảng 2 tấn rác thải

Ô nhiễm môi trường và “đói nghèo mãn tính”

Ở Ngư Lộc, đất chật và người đông đang kéo theo hệ lụy về ô nhiễm môi trường là hiện tượng không tránh khỏi. Đây là cái nhất thứ tư của 3.200 hộ dân Ngư Lộc đang sinh sống trên 0,47 km2 ven biển của huyện Hậu Lộc. Từ bao năm nay, ngư dân nơi đây đều có thói quen ra đê phía ngoài biển phóng uế “giải quyết nỗi buồn” cá nhân của họ, rất bừa bãi.

Mặt khác, tất cả các loại rác sinh hoạt gia đình như vỏ tôm, cua, xương và xác cá các loại, túi ni lon và các loại phân động vật nuôi trong các hộ gia đình của xã Ngư Lộc đều gom lại rồi mang tống ra biển. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày một thôn ở Ngư Lộc có tới 2 tấn rác thải cứng được ngư dân mang đổ ra biển. Biển đang nghẹn ngào vì bộ phận lớn người dân nơi đây đang “quay lưng lại với biển”, khiến môi trường sống ở Ngư Lộc đang nặng mùi ô nhiễm!

Trong các đường liên thôn của Ngư Lộc hiện nay rất chật hẹp, không có cống rãnh thoát nước thải, nên nhiều đoạn đường quanh năm nhầy nhụa nước bẩn hôi tanh mùi xác động vật thủy sản. Thêm vào đó, ngoài chợ Diêm Phố còn có các chợ cóc tự phát, các điểm dịch vụ bóc vỏ tôm, ghẹ và nhiều tụ điểm là nơi làm sân phơi các loại cá rất tùy tiện, thiếu quy hoạch.

Vì vậy, nắng lên nhiều tụ điểm bốc mùi hôi tanh nồng nặc lan tỏa khắp các ngõ ngách ở Ngư Lộc, là môi trường thuận lợi cho ruồi nhặng sinh sôi, gây nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh tật.

Thống kê của Trạm y tế xã Ngư Lộc cho thấy, tính riêng năm 2012, cả xã có 150.680 lượt người đến khám và điều trị bệnh, trong đó 3.245 lượt bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Theo đánh giá của Trạm y tế xã Ngư Lộc, trong số người đến khám bệnh chủ yếu là các bệnh về đường ruột, hô hấp, mụn lở…, liên quan đến nguồn nước và môi trường sống của ngư dân đang bị ô nhiễm nghiêm trọng gây ra.

Từ “4 nhất” trên, gây nên hệ lụy cho bộ phận dân số “đói nghèo mãn tính”, đó là “cái nhất thứ 5” của xã Ngư Lộc. Theo báo cáo số 34/BC-UBND của UBND xã Ngư Lộc, tính đến 31/12/2012, cả xã Ngư Lộc còn 45,4% số hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,1% (870 hộ) và hộ cận nghèo là 18,3% (588 hộ). Ông Huấn cả quyết rằng, số tương đối về tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo này của Ngư Lộc sang năm 2013 này vẫn đang “giật giải nhất” của huyện Hậu Lộc.

***

Biển vẫn rì rào sóng vỗ. Chiều về, trong lộng từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân đi khơi về đang no cánh buồm nâu, chuẩn bị cập bến. Trên đê, bà con ngư dân í ới mang đủ các loại dụng cụ gia dụng rủ nhau ra bến Diêm Phố, bến Thắng Tây, Bắc Thọ để thu mua, và tìm việc làm chế biến thủy sản cho các chủ tàu, tìm kế sinh nhai.

Trong cái vòng lẩn quẩn mưu sinh ấy, ở Ngư Lộc bao năm nay vẫn tồn tại “5 cái nhất” kể trên, nó gây ra không biết bao nhiêu là hệ lụy tiêu cực. Thế nhưng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của huyện Hậu Lộc và tỉnh Thanh Hóa đến nay vẫn chưa tìm ra được các biện pháp giải quyết ( !?)

Theo Pháp luật Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.