Tăng trưởng ổn định
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế- xã hội tại địa phương phát triển ổn định, cơ bản đạt được các mục điêu đã đề ra trong kế hoạch đầu năm.
Theo đó, kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển ổn định, khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,72%, thuộc top đầu và cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của cả nước 4,24%.
Trong đó, một số ngành nghề có sự phát triển mạnh như sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có bước phát triển khá toàn diện. Theo ghi nhận, sau 9 tháng toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 390 nghìn ha, tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,57 triệu tấn, chuyển đổi 2.458,9 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt hơn 216 nghìn tấn; trồng mới 8.850 ha rừng tập trung, không để xảy ra cháy rừng; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 160.287 tấn. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó khăn, tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54%, với 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng hoặc tương đương với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm tăng mạnh như điện sản xuất (tăng 75,4%), dầu và mỡ bôi trơn (tăng 68,7%), thức ăn gia súc (tăng 16,1%), giấy bìa các loại (tăng 13,8%), benzen (tăng 13%)...
Về hoạt động thương mại dịch vụ, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm với doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ ước đạt 127.332 tỷ đồng, tăng 14,2%, giá trị xuất khẩu ước đạt 3.773 triệu USD, giá trị nhập khẩu ước đạt 5.737 triệu USD. Đáng chú ý, tổng lượng khách du lịch ước đạt gần 12 triệu lượt, tăng 12,4% và doanh thu tăng 18,9%; hoạt động vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân với kết quả vận chuyển hàng hóa tăng 14,8%, vận chuyển hành khách tăng 38,6%, doanh thu vận tải tăng 27,9%.
Về công tác xã hội, toàn tỉnh đã có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP tỉnh. Công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương đã tập trung rà soát, xây dựng các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm tại chỗ để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, sớm đưa vào sử dụng.
Công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng 2/2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với Quyết định này, Thanh Hóa trở thành tỉnh thứ 4 trong cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được quan tâm thực hiện; đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trong triển khai thực hiện các dự án; chỉ số giá xây dựng được công bố định kỳ hằng tháng, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Về đầu tư, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 103.190 tỷ đồng. Đến ngày 15/9, có 2.030 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 12.782 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,3 tỷ đồng/doanh nghiệp; có 721 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, có 967 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Rớt khỏi "CLB 50.000 tỷ"
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 28.728 tỉ đồng, giảm mạnh 27% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù ghi nhận sụt giảm mạnh thu ngân sách trên địa bàn, tuy nhiên đây là diễn biến mà tỉnh Thanh Hóa đã lường trước từ đầu năm khi dự báo sụt giảm mạnh các khoản thu nội địa từ bất động sản và thu hoạt động xuất nhập khẩu dầu từ nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi mặt bằng giá dầu thô dự báo giảm. Với kết quả này, gần như chắc chắn Thanh Hóa sẽ bật khỏi nhóm các tỉnh, thành có thu ngân sách trên 50.000 tỷ đồng sau 1 năm gia nhập khi kết thúc năm 2023.
Mặc dù vậy, với việc làm tốt công tác dự báo, sau 9 tháng đầu năm các chỉ số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều ghi nhận kết quả khả quan so với dự toán đầu năm. Cụ thể, thu nội địa ước đạt 17.638 tỉ đồng, bằng 81% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 11.090 tỉ đồng, bằng 82% dự toán. Toàn tỉnh huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 103.190 tỉ đồng, bằng 73,7% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngoài sụt giảm thu ngân sách nhà nước, tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận kết quả khiêm tốn từ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau 9 tháng đầu năm, Thanh Hóa thu hút được vỏn vẹn hơn 187 triệu USD vốn đầu tư đăng ký. Đây là con số quá khiêm tốn khi so sánh với hơn 1,272 tỷ USD thu hút được của người "hàng xóm" Nghệ An sau 9 tháng đầu năm, điều này cho thấy sự chững lại trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, nhất là nguồn vốn quan trọng như FDI trong những năm gần đây.
Ngoài ra, trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Thanh Hóa chậm, chưa đảm bảo yêu cầu. Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã được cải thiện nhưng còn hạn chế, nhất là quy hoạch xây dựng xã. Công tác quản lý trật tự quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn xảy ra. Tiếp đến, hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường giảm 30,3%; số doanh nghiệp thông báo giải thể tăng 57,3%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 20% so với cùng kỳ.
Trước những thành quả và hạn chế trên, để thực hiện tốt công việc trong thời gian tới, trong hội nghị 9 tháng/2023, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cấp, các ngành cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về mặt thể chế trong sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với tinh thần, quyết tâm cao, tư duy mới hoàn thành tốt các kế hoạch đề ra.
Đồng thời, các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định đầu tư. Quyết liệt việc đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung hoàn thiện các đề án, chương trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xem xét, phê duyệt. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm phải cơ bản hoàn thiện các quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, đặc biệt là quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn lưu ý các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra phải phù hợp với thực tiễn địa phương và sát với dự báo tình hình trước những khó khăn, thách thức đặt ra.
Việt Phương