Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI
Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023.
Theo kết quả công bố, năm 2023, Chỉ số PCI của Thanh Hóa đạt 66,79 điểm, cải thiện được 17 bậc, tuy nhiên vẫn ở vị trí thứ 30 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Trong đó, các chỉ số ghi nhận sự cải thiện trong năm 2023 như: chi phí thời gian tăng từ 6,78 lên 8,09 điểm; tính năng động của chính quyền tăng từ 6,38 lên 7,17 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ 6,76 lên 7,19 điểm; chi phí không chính thức tăng từ 6,5 lên 6,74; gia nhập thị trường từ 6,54 lên 7,04 điểm.
Một số chỉ tiêu thành phần có mức tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp như: đào tạo lao động tăng từ 5,1 lên 5,58 điểm; tính minh bạch từ 5,51 lên 5,94 điểm. Còn lại, có 2 chỉ số sụt giảm là: cạnh tranh bình đẳng từ 5,31 xuống 5,0 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 7,92 xuống 7,42.
Thực tế sự biến động của các chỉ số thành phần trong PCI, đơn cử như các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phản ánh những cải thiện trong công tác hành chính. Tuy nhiên, các chỉ số này duy trì ở mức điểm chưa cao cũng cho thấy sự hạn chế trong điều hành mà tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh công bố chỉ số PCI, đây là năm thứ 2 chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được công bố. Theo đó, năm 2023, Thanh Hóa đạt 5,08 điểm, xếp thứ 50, mặc dù vậy cũng ghi nhận sự thăng tiến so với mốc 3,59 điểm năm 2022. Trong đó, đặc biệt chỉ số thành phần chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ tăng mạnh từ 1,59 lên 5,04 điểm.
Tương quan trong khu vực Bắc miền Trung, Thanh Hóa xếp thứ 5 trong khi TT.Huế dẫn đầu với 5,32 điểm và chót bảng là Quảng Trị với 4,77 điểm. Vấn đề này cũng phản ánh phần nào công tác đảm bảo yếu tố môi trường trong mục tiêu phát triển kinh tế Thanh Hóa thời gian qua.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, để có bước cải thiện lên vị trí thứ 30 bảng xếp hạng chỉ số PCI trong năm 2023, thời gian qua Thanh Hóa cũng nhìn nhận thực tế vào vai trò quan trọng của chỉ số PCI và đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục, cải thiện các chỉ số PCI và PGI (bắt đầu công bố từ năm 2023). Từ đó, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Cụ thể, trong tháng 5/2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021 với đơn vị chủ trì thực hiện đề án - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hoá). Trong đó, cơ bản các nội dung đánh giá dựa trên các chỉ số thành phần của PCI, vì vậy, đây được cho là “hàn thử biểu” - dự báo cho kết quả chỉ số PCI trong năm của tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp đó, trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số PCI, PGI.
Như vậy, có thể thấy, dù thứ hạng cải thiện được chưa cao, tuy nhiên, dấu hiệu cải thiện chỉ số PCI cũng cho thấy kết quả từ những nỗ lực cải cách hành chính, quyết tâm thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thanh Hóa trong thời gian tới đây.
Phát triển bền vững - góc nhìn từ chỉ số PCI, PGI
Theo báo cáo từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chỉ số PCI, PGI nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững hơn tại Việt Nam.
Ngoài PCI, năm 2024, lần thứ 2 bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 được công bố sau khi thực hiện lần đầu năm 2023. Chỉ số PGI giúp đánh giá sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và yếu tố môi trường của các địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, các chỉ số PCI, PGI không chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để so sánh giữa các tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Các chỉ số này giúp tìm hiểu và lý giải về tình hình thực tế phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề về môi trường tại 63 tỉnh thành cả nước.
Về phía nhà đầu tư, đây là thông tin tham khảo quan trọng trong quá trình ra quyết định đầu tư, định hướng có nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Đây còn là cầu nối tập hợp và chuyển tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tới chính quyền các cấp, về chất lượng điều hành kinh tế và chất lượng quản trị môi trường. Trong đó, trao quyền giám sát cho doanh nghiệp và thúc đẩy thực thi là hai trọng tâm chính của báo cáo.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, kết quả PCI, PGI được công bố thường niên sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các địa phương có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế, cũng như có thể đưa ra được những giải pháp phù hợp để tiến hành hoạt động phát triển kinh tế hiệu quả nhất. Đồng thời, có sự quan tâm thỏa đáng tới vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững.
Báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.