Hành trình ngàn dặm
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam đã khiến cho nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Cùng với đó, quá trình thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 cũng khiến người dân gặp nhiều khó khăn, hạn chế sinh hoạt hàng ngày.
Vì vậy, khi các địa phương nới lỏng giãn cách, nhiều người đã lựa chọn thực hiện hành trình hàng nghìn ki-lô-mét trên những chiếc xe gắn máy “da thịt bọc sắt”, với vô vàn hiểm nguy trên đường, để về quê hương nương náu.
“Tôi đang trên hành trình về Yên Bái từ tỉnh Đồng Nai và mất 3 ngày chạy xe máy mới ra tới đây (Thanh Hóa). Trước đó, nhận được thông tin có thể di chuyển, tôi đã cùng 4 người nữa quyết định về quê một thời gian. Chúng tôi muốn về nhà để nghỉ ngơi và chờ tình hình ổn định hơn rồi sẽ tính tiếp có vào lại hay không”, anh Phạm Văn Vi, lao động bị mất việc, về từ tỉnh Đồng Nai cho biết.
Trong đoàn người đi cùng anh Vi có nhiều phụ nữ và cả trẻ em, ai nấy đều lộ rõ vẻ mệt mỏi khi phải di chuyển một quãng đường dài trên xe gắn máy. Gương mặt và tóc tai bơ phờ vì nắng gió trên quãng đường dài. Đồng thời, đôi mắt họ đỏ hoe vì gió bụi và có lẽ là cả khi được nhắc tới những người thân yêu ở quê nhà, cùng những tình cảm, sự sẻ chia chân thành của bà con trong suốt quá trình di chuyển.
“Tôi xa nhà vào Đồng Nai làm công nhân xưởng gỗ được gần 1 năm nay, hơn 4 tháng vừa qua không có việc làm và thu nhập, trong khi vợ và con vẫn ở ngoài quê. Vì vậy, tôi rất mừng khi chuẩn bị được gặp lại những người thân. Đồng thời, qua đây, tôi cũng cảm ơn bà con cùng lực lượng chức năng các địa phương đã hỗ trợ trên suốt chặng đường mà chúng tôi đi qua”, anh Vi cho biết thêm.
Trong đoàn người về quê, ngoài những người đi xe gắn máy, còn có trường hợp những người do kiệt sức hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, được lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An bố trí phương tiện chuyên chở cả người và phương tiện tới địa phận tỉnh Thanh Hóa.
Đó là những gia đình có con nhỏ, có nhiều người ngồi trên cùng một xe không đảm bảo an toàn hoặc người gặp đau ốm trong khi di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra tới đây… đều được lực lượng chức năng bố trí phương án hỗ trợ.
“Quê tôi tận Hà Giang, đợt này tôi cùng 2 con nhỏ đi xe máy về quê từ tỉnh Đồng Nai. Trên đường đi cũng vất vả nhưng may mắn được người dân hai bên đường giúp đỡ, đồng thời chính quyền các tỉnh hỗ trợ cho phương tiện chuyên chở nên việc di chuyển cũng thuận lợi hơn”, chị Lâm Thị Hoa chia sẻ khi chiếc xe tải của lực lượng chức năng chở mẹ con chị vừa vào tới Trạm an sinh của tỉnh Thanh Hóa.
Mẹ con chị Hoa cùng hơn 100 người khác đang được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa bố trí cho nghỉ ngơi, ăn uống tại Trạm để tiếp tục chuẩn bị hành trình. Đây là hành động kịp thời, thiết thực của tỉnh Thanh Hóa trong việc chung tay cùng người dân cả nước vượt qua đại dịch.
Chung tay hỗ trợ đồng bào hồi hương
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, trước làn sóng người dân về quê từ các tỉnh thành phía Nam, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động lập các trạm an sinh nhằm mục đích hỗ trợ kịp thời cho người dân Thanh Hóa và các tỉnh khi vào tới địa phận tỉnh.
Theo đó, người dân về quê khi tới các Trạm an sinh tại thị xã Nghi Sơn, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thanh Hóa sẽ được lực lượng chức năng cùng các đoàn thiện nguyện hỗ trợ đồ ăn thức uống, nhiên liệu và những khoản tiền nhỏ để người dân chi tiêu, tạm ổn định cuộc sống khi về tới quê.
“Khi người dân về tới Trạm an sinh, chúng tôi sẽ hỗ trợ cung cấp đồ ăn, nước uống, nhiên liệu và một khoản tiền nhỏ cho người dân. Đây là đóng góp của các tổ chức, chính quyền và người dân tỉnh Thanh Hóa để giúp đồng bào về quê an toàn, thuận lợi”, Trung tá Lường Thị Thanh Quyết, Phó Đội trưởng đội Tuyên truyền và Giải quyết vi phạm, Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng sẽ phân loại để có hướng dẫn phù hợp với từng người dân khi về tới đây.
Đối với những người dân ở các tỉnh phía Bắc khi di chuyển qua tỉnh Thanh Hóa sẽ được lực lượng chức năng tập hợp để cho xe đặc chủng dẫn đường và chuyển giao cho tỉnh bạn Ninh Bình tiếp nhận, hỗ trợ hướng dẫn tiếp theo.
Ngoài ra, để phục vụ những người về quê nhưng có hoàn cảnh đặc biệt, không thể tự điều khiển được phương tiện, lực lượng chức năng tại Trạm sẽ tiến hành đưa người và phương tiện qua địa phận tỉnh Thanh Hóa an toàn trên những chuyến xe khách 0 đồng, do một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn hỗ trợ.
Đối với người dân Thanh Hóa về quê, lực lượng chức năng sẽ phân luồng sang trạm an sinh khác để tập hợp. Sau đó, ngành y tế các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ bố trí phương tiện đưa người dân về và tiến hành cách ly theo quy định.
“Sau khi người dân về tới Trạm, chúng tôi sẽ tiến hành tập hợp và phân tách. Người dân trong tỉnh Thanh Hóa sẽ được ngành y tế các huyện đón về cách ly. Đối với người dân đi qua tỉnh sẽ được chúng tôi tập hợp lại thành từng tốp khoảng vài trăm xe một lượt và tiến hành dẫn đường để đảm bảo an toàn cho người dân khi di chuyển và đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Dự kiến, trong những ngày tới, người dân di chuyển về các tỉnh phía Bắc còn nhiều, vì vậy chúng tôi vẫn đang phối hợp chặt chẽ cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đơn vị chức năng sẵn sàng các phương án để hỗ trợ người dân về quê được an toàn”, Trung tá Quyết nói.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 4/10 tới nay, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành dẫn đường, hỗ trợ cho gần 30 đoàn xe với hơn 10.000 đồng bào về quê qua địa phận tỉnh Thanh Hóa an toàn và không xảy vụ tai nạn nghiêm trọng nào.
Việt Phương