Chiều 20/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Theo đó, ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm: Hoằng Hoá, Tp.Sầm Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Đông Sơn, Tp.Thanh Hoá. Huyện Hoằng Hoá giữ vị trí “quán quân” DDCI Thanh Hoá năm 2023 với số điểm 90,83, tiếp sau là UBND Tp.Sầm Sơn với 89,94 điểm; UBND huyện Nông Cống với 85,01 điểm. Còn lại có 9 địa phương xếp ở nhóm khá; 12 địa phương xếp ở nhóm trung bình.
Điểm trung vị của DDCI Thanh Hóa năm 2023 là 60,99 điểm, thấp hơn 6,2 điểm so với điểm trung vị năm 2022. Điều này cho thấy, chất lượng điều hành chung của các đơn vị theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh chưa có sự cải thiện so với năm trước.
Về khía cạnh cải thiện điểm số, có 10/27 đơn vị có sự cải thiện trong năm 2023, trong đó 3 đơn vị có mức độ cải thiện ấn tượng nhất là huyện Nông Cống, huyện Hoằng Hóa và Tp.Sầm Sơn, mỗi đơn vị có điểm số tăng trên 12 điểm so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, có 17/27 đơn vị bị giảm điểm so với năm trước, trong đó giảm nhiều nhẩt là huyện Như Thanh (giảm 28,27 điểm), huyện Quan Sơn (-16,28 điểm), huyện Thọ Xuân (-13,89 điểm), huyện Quan Hóa (-12,64 điểm) và huyện Nga Sơn (-10,78 điểm).
Sự thay đổi về điểm số của các địa phương dẫn tới sự biến động đáng kể về thứ bậc của các đơn vị trong khối UBND cấp huyện trên bảng xếp hạng DDCI 2023 so với 2022. Cụ thể, trong 27 đơn vị, không có đơn vị nào giữ nguyên thứ bậc so với năm trước; có 14 đơn vị được tăng bậc và 13 đơn vị khác bị tụt bậc.
Trong số các đơn vị được tăng bậc, huyện Yên Định cải thiện mạnh nhất với mức tăng 16 bậc, từ vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng năm 2022 lên vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng năm 2023. Tiếp theo là thị xã Bỉm Sơn, tăng 12 bậc, từ vị trí 20 năm 2022 lên vị trí 8 năm 2023.
Ở khối các sở, ngành, Sở Công thương là đơn vị dẫn đầu, với 88,01 điểm. Các vị trí tiếp theo thuộc về Văn phòng UBND tỉnh (86,31 điểm), Cục Hải quan (85,51 điểm), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (85,04 điểm), Thanh tra tỉnh (81,61 điểm) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (80,10 điểm). Đây cũng là 6 đơn vị được xếp vào nhóm “tốt”, với điểm số cao hơn đáng kể nhóm các đơn vị còn lại. Ngoài ra, có 8 đơn vị ở nhóm khá và 10 đơn vị ở nhóm trung bình.
Điểm trung vị của DDCI khối sở, ban, ngành năm 2023 là 60,76 điểm, thấp hơn so với điểm trung vị năm 2022 (66,80 điểm). Điểm trung vị của toàn khối lại giảm, cho thấy điểm số của các đơn vị ở nửa trên của bảng xếp hạng có xu hướng giảm so với năm trước.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hoá - Ninh Bình, cho biết, năm 2023 là năm thứ 3 tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Đề án DDCI Thanh Hóa với những kỳ vọng lớn hơn. Với tâm thế ấy, quá trình khảo sát DDCI Thanh Hóa được đơn vị chủ trì thực hiện đề án thực hiện cẩn trọng hơn, với phương pháp chính là đi thực địa, tiếp xúc trực tiếp với DN, tuyên truyền về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, về PCI, DDCI và trách nhiệm, quyền lợi của DN.
Việc xác minh, kiểm tra chéo thông tin người trả lời khảo sát cũng được thực hiện với tỷ lệ lớn hơn so với năm 2022. Báo cáo kết quả DDCI Thanh Hóa năm 2023 đã được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo khách quan, độc lập dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ công tác DDCI và không có bất kỳ sự tác động nào đến kết quả công bố.
Bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá năm 2023 giữ nguyên 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và vai trò của người đứng đầu; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ DN; Thiết chế pháp lý; Tiếp cận đất đai.
Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Ngoài ra, DDCI Thanh Hóa năm 2023 còn khảo sát thêm một số nội dung không được sử dụng để tính điểm, xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng có tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, làm rõ nét hơn môi trường kinh doanh của tỉnh, làm thông tin đầu vào để xác định các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị được đánh giá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm tới, như: Gia nhập thị trường; đào tạo lao động; hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp; nhu cầu hỗ trợ của DN...
Ước tính, có khoảng gần 8.000 DN đã tiếp cận với bảng câu hỏi và được mời tham gia khảo sát bằng các hình thức khác nhau, chiếm khoảng 30% số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Sau khi thu được phiếu khảo sát, VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình đã thực hiện xác minh thông tin DN, đối tượng trả lời phiếu khảo sát. Kết quả, sau khi sàng lọc và xác minh thông tin, có 2.751 phiếu khảo sát hợp lệ để đưa vào xử lý dữ liệu và tính toán; trong đó có 1.348 phiếu khảo sát đánh giá các sở, ban, ngành và 1.403 phiếu khảo sát đánh giá các UBND cấp huyện.
Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan khẳng định, dưới góc nhìn và tiếng nói của cộng đồng DN, kết quả công bố DDCI hôm nay là minh chứng cho chặng đường một năm điều hành kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền trong tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhìn nhận lại cách thức điều hành của đơn vị mình, để từ đó có những giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn trong thời gian tới, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đồng thời, Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình thực hiện tốt sứ mệnh đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN; động viên, lan toả đến DN trách nhiệm của việc tham gia đánh giá về năng lực điều hành của các đơn vị thường xuyên tiếp xúc, từ đó xây dựng Thanh Hóa trở thành địa phương có môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, phát triển năng động, toàn diện.
Phát biểu tại hội nghị công bố DDCI năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã nhiệt liệt chúc mừng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã đạt kết quả cao từ sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng DN; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; sự hưởng ứng và tích cực tham gia khảo sát của cộng đồng DN; sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan thông tấn, báo chí trong quá trình thực hiện đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, năm 2023 PCI của tỉnh đã có tín hiệu tốt, với việc tăng 17 bậc so với năm trước, và là một trong các địa phương có sự bứt phá về thứ hạng. Đây là tín hiệu đáng mừng, cũng là sự phản ánh và ghi nhận xứng đáng những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện thứ hạng chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua; trong đó có việc triển khai Bộ Chỉ số DDCI. Tuy nhiên, ông Thi cũng cũng cho rằng, Thanh Hóa còn nhiều thách thức để có thể lọt vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước chỉ số PCI vào năm 2025.