Theo thông tin từ Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 9/4 - 11/4), Thanh Hóa đã đón hơn 460.000 lượt du khách, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 520 tỷ đồng.
Theo đó, Tp.Sầm Sơn đã đón gần 300.000 lượt khách về với phố biển nổi tiếng này. Tiếp đó, lần lượt các khu du lịch biển Hải Hòa, bãi Đông (Tx.Nghi Sơn) đón hơn 20.000 lượt khách; du lịch Hải Tiến (H.Hoằng Hóa) cũng đón 7.000 lượt khách.
Ngoài ra, các khu du lịch sinh thái cộng đồng, di tích, danh lam thắng cảnh cũng là lựa chọn của nhiều du khách, tiêu biểu như: Tp.Thanh Hóa đón 21.600 lượt khách, khu di tích lịch sử Lam Kinh (H.Thọ Xuân) đón 8.100 lượt khách, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (H.Bá Thước) đón 3.200 lượt khách, di sản thế giới Thành nhà Hồ (H.Vĩnh Lộc) đón 2.250 lượt khách…
Kết quả trên là tín hiệu khởi sắc và cũng là thành quả ban đầu cho ngành du lịch Thanh Hóa sau thời gian 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa nhận định, những thành công bước đầu trên là nhờ sự cố gắng và cộng hưởng của nhiều yếu tố mà tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm thực hiện.
Cụ thể, sau thời gian dài nhu cầu du lịch của người dân bị hạn chế bởi dịch Covid-19, nay du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn nên nhu cầu của người dân rất lớn. Cùng với đó, thời tiết trong dịp nghỉ lễ vừa qua rất thuận lợi cho các hoạt động du lịch.
Tiếp đó, thời gian qua, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa cũng đã tham mưu cho tỉnh để có sự chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch như công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa, phối hợp các địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu tổ chức nhiều chương trình lễ hội (lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái - Sầm Sơn, lễ hội Vua Lê Hoàn, mở cửa Chính điện Lam Kinh đón du khách...).
Thêm vào đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng đã chuẩn bị kỹ càng, sửa sang, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất. Trong đó có việc phát huy các thương hiệu đã xây dựng, phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới như Tp.Sầm Sơn dự kiến triển khai hơn 19 lễ hội văn hóa thể thao trong dịp hè.
Đồng thời, Thanh Hoá cũng chú trọng xây dựng văn hóa phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp để thu hút du khách.
Ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua đó là, du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch an toàn cho du khách khi đến với địa phương.
"Những yếu tố cơ bản trên đã cộng hưởng lại với nhau để kích cầu, thúc đẩy ngành du lịch hồi phục và phát triển sau những tác động nặng nề của dịch Covid-19", bà Vương Thị Hải Yến cho biết.
Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của 3 vùng kinh tế là vùng núi và trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế với một Di sản văn hóa Thế giới là Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn. Bên cạnh đó, tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội với 102 km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…
Trong năm 2022, ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách, với doanh thu đạt 17.920 tỉ đồng.