Vụ việc xảy ra vào trưa 31/8, hàng trăm người lao động của công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Uy (đóng trên địa bàn xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), đã đình công, kéo đến cổng công ty để phản đối, do lãnh đạo doanh nghiệp này không thực hiện các chính sách đối với họ. Công nhân đứng tràn cả ra đường Quốc lộ 47, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo một số công nhân làm việc tại đây cho hay, họ đang bị ép tăng sản lượng, làm thêm ngoài giờ quy định của công ty nhưng không được thanh toán tiền lương. Công nhân thường xuyên bị cán bộ quản lý xúc phạm, nếu không hoàn thành sản lượng giao khoán. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc, dụng cụ lao động, nhà để xe của công nhân, tiền lương ngày thứ 31, tiền lương ngưng việc (không may mất điện công nhân không thể làm việc), nguyên liệu bị hư hỏng… đều bắt công nhân phải bù cho công ty (?!).
Xuất phát từ những điều cho là vô lý trên, sau buổi cơm trưa 31/8, hàng trăm công nhân đồng loạt dừng lao động, kéo nhau ra cổng công ty, đứng tràn ra Quốc lộ 47 để phản đối. Việc này gây ách tắc cho nhiều phương tiện khi lưu thông qua đây.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền sở tại đã chỉ đạo lực lượng Công an xã ra để điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh trật tự. Do lực lượng ít, số công nhân phản đối quá đông nên Công an xã đã không thể điều tiết được giao thông.
Được biết, công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Uy đi vào hoạt động từ năm 2014, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giày dép.
Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Triệu Sơn, được biết, sau khi tiếp nhận thông tin người lao động của công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Uy tập trung để phản đối một số chính sách của doanh nghiệp này, chiều cùng ngày, sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã lên làm việc với UBND huyện Triệu Sơn, để có hướng xử lý các kiến nghị của công nhân.
Ông Hùng cho biết thêm: “Sáng 01/9, tôi cùng đồng chí Phó Chủ tịch huyện xuống lắng nghe ý kiến của công nhân và trực tiếp làm việc với lãnh đạo nhà máy. Theo đó, nội dung công nhân phản đối cũng có một số vấn đề đúng. Tuy nhiên, một số kiến nghị khác của công nhân không có cơ sở để doanh nghiệp giải quyết.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo công ty cũng trả lời với công nhân về những nội dung kiến nghị. Theo đó, các nội dung công nhân phản ánh hợp lý, chính xác thì doanh nghiệp sẽ khắc phục nhanh nhất cho người lao động. Ngoài ra, có một số nội dung công nhân yêu cầu nhưng công ty không thể thực hiện như: Xây nhà để xe ra phía trước; tiền lương ngày thứ 31...
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Uy và lãnh đạo huyện Triệu Sơn, đến đầu giờ chiều 01/9, công nhân đã trở lại làm việc bình thường.
Phạm Thọ