Sau phản ánh của Người Đưa Tin liên quan thực trạng một số dấu hiệu nứt, gãy và đục phá trên tuyến đê hữu sông Yên, ngày 22/11/2023, UBND thị xã Nghi Sơn có Văn bản 2737/BC-UBND về kết quả kiểm tra xác minh tại tuyến đê hữu sông Yên, thuộc phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn.
Theo đó, ngày 10/11, đoàn liên ngành gồm các đại diện của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa), phối hợp UBND thị xã Nghi Sơn, Hạt quản lý đê Đông Nam cùng các đơn vị liên quan tiến hành đi thực tế kiểm tra tuyến đê sông Yên, thuộc phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn.
Kết quả kiểm tra hiện trường của đoàn công tác cơ bản ghi nhận, trên tuyến đê hữu sông Yên đoạn qua khu vực thi công dự án Khu nuôi trồng thủy sản Cảnh Long có xuất hiện một số vị trí bề mặt bê tông bị nứt dọc theo mặt đê và lệch 1⁄2 về phía Đông và bong tróc bề mặt.
Theo đoàn kiểm tra, các vết nứt này đã xuất hiện từ lâu và hằng năm vẫn đang phát triển thêm, do tuyến đê hữu sông Yên (thuộc phường Hải Châu) đã được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Sau thời gian sử dụng và chịu tác động của thiên tai trong nhiều năm nên việc nứt, bong tróc mặt đê là tất yếu.
Đoàn kiểm tra đánh giá, hiện các vết nứt, bong tróc chưa làm nguy hại đến tuyến đê nêu trên. Vị trí nạo hút cát tạo ao lắng của Công ty Thương mại Cảnh Long nằm ngoài phạm vi hành lang đê (vị trí hút cát cách chân đê từ 15 – 20m).
Về nội dung phản ánh nhiều đoạn đê sông Yên bị người dân tự ý đục phá cắt ngang bề mặt, tại các điểm đục phá, người dân lắp đặt các hệ thống ống nước lớn dẫn từ khu vực mép sông, có nguy cơ phá vỡ cấu trúc bề mặt của nhiều đoạn đê sông Yên.
Qua kết quả kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra cho biết, trên tuyến đê hữu Sông Yên hiện có 6 vị trí người dân chôn, lắp đặt đường ống nước trên bề mặt bê tông của đê để lấy nước vào đồng nuôi tôm. Các ống đặt trên mặt đê được người dân đổ bê tông phủ mặt, tạo độ dốc thuận lợi cho phương tiện lưu thông trên đê và không làm ảnh hưởng đến kết cấu của đê.
Về nội dung phản ánh quá trình hút cát ao lắng làm sụt lún bờ kênh dẫn nước có nguy cơ thông thủy (mương được đầu tư dẫn nước phục vụ cho sản xuất muối trước đây). Quan điểm đoàn kiểm tra cho rằng: Tại hiện trường Công ty Thương mại Cảnh Long đã cắm các cọc bê tông tạo hàng rào bao vị trí nạo hút ao chứa nước theo phương án đã được phê duyệt. Khu vực nạo hút ao nằm ngoài phạm vi bảo vệ hành lang đê theo quy định, quan sát từ vị trí nạo hút đến mép kênh dẫn nước còn một khoảng đất trống (mép bờ kênh, hàng cột điện, cọc ranh giới) và không có xảy ra hiện tượng sụt lún bất thường trong khoảng trống này.
Đồng thời, tình trạng trên tuyến kênh dẫn nước này có một số vị trí tấm bê tông kè lát mái bị sụt lún, nguyên nhân do tuyến kênh dẫn nước phục vụ sản xuất muối đã được đầu tư từ lâu, tuyến kênh trên không được tu bổ và nâng cấp nên việc sụt lún cục bộ là tất yếu.
Cũng theo biên bản kiểm tra ngày 10/11, đề nghị UBND Thị xã Nghi Sơn tiếp tục giám sát Công ty CP Thương mại Cảnh Long thực hiện theo đúng các nội dung cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời sửa chữa các vị trí đê bị nứt, bong mặt và một số mái kè kênh thoát nước bị sụt đảm bảo ổn định an toàn cho công trình. Ngoài ra, có biện pháp ngăn chặn tình trạng xe quá tải đi trên đê theo như ý ký của đại diện Hạt quản lý đê Đông Nam.
Trao đổi với Người Đưa Tin về kết quả kiểm tra, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết, kết quả kiểm tra hiện trạng cho thấy hiện tại cơ bản chưa có dấu hiệu nguy hại lớn tới kết cấu tuyến đê nêu trên. Qua kiểm tra vị trí ao nước hút cát của dự án nằm ngoài hành lang bảo vệ đê. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lâu dài, thời gian tới Sở NNPTNT cũng sẽ có đánh giá cụ thể, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo từ phía lãnh đạo UBND tỉnh để có phương án phù hợp, đảm bảo an toàn tuyến đê.
"Khu vực hút cát dự án nằm ngoài phạm vi đảm bảo an toàn tuyến đê. Tuy nhiên, việc chân đê có kênh dẫn nước chạy song song thì đúng là không thể chắc chắn như các chân đê có đất liền như thường thấy. Về vấn đề này, trước đây Sở cũng đã tiến hành lấp nhiều ao hồ nằm sát chân đê trên tuyến đê sông Mã tại huyện Hoằng Hóa. Tới đây chúng tôi sẽ khảo sát nếu tuyến kênh dẫn nước làm muối không còn sử dụng nữa thì khả năng Sở sẽ tham mưu tiến hành lấp kênh dẫn nước này để đảm bảo an toàn lâu dài cho tuyến đê", ông Cường cho biết.
Trước đó, theo thông tin Người Đưa Tin đã đưa, (Thanh Hóa: Nứt đê sông Yên), đoạn tiếp giáp dự án nuôi trồng thủy sản Cảnh Long (phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) xuất hiện dấu hiệu nứt, gãy có nguy cơ uy hiếp an toàn của tuyến đê quan trọng này.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường tuyến đê trên tại các ngày 4/10 và 3/11, trên bề mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt, kéo dài từ 1m tới 5m tùy từng đoạn, với độ hở lớn từ 2 tới 3 cm. Đặc biệt phần lớn các vết nứt ghi nhận được đều rất mới. Ngoài ra, trên tuyến đê này, xuất hiện nhiều đoạn bị đục cắt ngang bề mặt đê.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hoạt động thi công đào ao hút cát nêu trên thuộc dự án nuôi trồng thủy sản Cảnh Long do Công ty Cp thương mại Cảnh Long (Lô K59, khu II, Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, Tp.Thanh Hóa) làm chủ đầu tư dự án. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 100 tỷ đồng, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2019, và mới khởi công xây dựng trong tháng 8/2023.
Dự án nuôi trồng thủy sản Cảnh Long thực hiện trên quy mô diện tích khoảng 30ha. Quá trình thi công, Công ty Cp thương mại Cảnh Long được phép thực hút cát tạo ao lắng,với độ sâu từ 4-6,5m, đồng thời sử dụng tận thu cát hút lên để san lấp mặt bằng tại chỗ.
Việt Phương