Thanh Hóa: Lộ trình phát triển để thành trung tâm năng lượng Quốc gia

Thanh Hóa: Lộ trình phát triển để thành trung tâm năng lượng Quốc gia

Nguyễn Hữu Phương

Nguyễn Hữu Phương

Thứ 7, 02/03/2024 11:00

Thanh Hóa đã và đang thu hút nhiều dự án năng lượng quy mô lớn với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, đóng góp lớn vào an ninh năng lượng khu vực và quốc gia.

Các dự án năng lượng "đổ bộ" Thanh Hóa

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa, đơn vị này hiện đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư. Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn là dự án năng lượng trọng điểm có quy mô diện tích thực hiện dự kiến khoảng 68,2ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2,4 tỷ USD.

Trong danh sách đề nghị có các tên tuổi lớn như: Nhà đầu tư Gulf Energy Development Public Company Limited; Nhà đầu tư SK E&s Co., Ltd; Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER) và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group); Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc và Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP (APT).

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Lộ trình phát triển để thành trung tâm năng lượng Quốc gia

Hình minh họa.

Dự án có quy mô xây dựng 1 nhà máy điện LNG có công suất 1.500MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG.

Các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG gồm kho chứa LNG và trạm tái hóa khí trên bờ với quy mô 1 bồn chứa khoảng 230.000m3; 1 trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm; hạ tầng kỹ thuật cho kho chứa LNG và trạm tái hóa khí xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Diện tích đất thực hiện dự án dự kiến khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng (hơn 2,4 tỷ USD). Địa điểm dự án tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự án vận hành thương mại trước năm 2030.

Dự kiến, dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư trong quý II/2024. Đây cũng là dự án có quy mô lớn thứ 3 của Thanh Hoá sau 2 dự án công nghiệp năng lượng khác là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. 

Ngoài ra, tháng 7/2023, UBND tỉnh Thanh Hoá có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Lộ trình phát triển để thành trung tâm năng lượng Quốc gia (Hình 2).

Dự án điện khí LNG của Công Thanh nếu thành hiện thực sẽ đóng góp lớn vào an ninh năng lượng của khu vực và Quốc gia.

Theo văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất chuyển đổi dự án điện than của Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG với công suất nhà máy 1.500MW.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Công Thanh nằm trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9,0 tỷ kWh; tổng diện tích sử dụng đất của dự án 197,3ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2 tỷ USD; thời gian vận hành thương mại dự kiến thực hiện trong năm 2028.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư lớn cũng đang quan tâm tìm hiểu đầu tư các dự án năng lượng như: Tập đoàn Energy nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện khí và kho khí hóa lỏng với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD; Công ty TNHH sản xuất giấy Lee&Man đầu tư nhà máy điện sinh khối 250MW.

Thanh Hóa thành trung tâm năng lượng của cả nước

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng.

Trên thực tế, những năm qua, Thanh Hóa đã và đang thu hút được nhiều dự án công nghiệp năng lượng lớn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp, thu ngân sách địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng Quốc gia.

Cụ thể có thể kể tới như: Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, có tổng vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD. Thời điểm vận hành, Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Khi đi vào vận hành, nhà máy đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của cả nước, tạo điều kiện căn bản cho các ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ phát triển, qua đó bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Lộ trình phát triển để thành trung tâm năng lượng Quốc gia (Hình 3).

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu cả nước.

Tiếp đó là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 được xây dựng tại xã Hải Hà và xã Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy bao gồm 2 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt 600MW (2 x 300MW), sản lượng điện thiết kế hằng năm 3,6 tỷ kWh.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Ban QLDA nhiệt điện 2 (thuộc EVN) trực tiếp quản lý Dự án. Tổng vốn đầu tư của công trình là 22.260 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, 15% là vốn đối ứng của EVN.

Mới đây, trong năm 2022, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sau 4 năm thi công xây dựng. Dự án có có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với công suất 1.200 MW do Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 làm chủ đầu tư. Đây là dự án FDI do liên doanh Tổng công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%.

Ngoài các dự án công nghiệp năng lượng kể trên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 22 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 832 MW, 3 dự án nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 235 MW; 3 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 2400 MW và 3 dự án điện sinh khối với tổng công suất 47,7MW. Hiện, đã có ít nhất 15 dự án điện đi vào hoạt động, sản lượng điện sản xuất hàng năm đạt trên 6,2 tỷ KWh.

Theo EVN, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023 là 280,6 tỷ kWh. Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555 MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%; nhiệt điện than là 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; nhiệt điện khí 7.160 MW, chiếm tỷ trọng 8,9%.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.