Nước sạch bị nhiễm mặn
Đã hơn 10 ngày qua, tình trạng nước sạch được cung cấp từ nhà máy nước Nga Sơn bị nhiễm mặn nhưng vẫn chưa được khắc phục, khiến cuộc sống của người dân tại 9 xã trên địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bị đảo lộn.
“Cách đây hơn 10 ngày, sáng ngủ dậy tôi bỗng nhiên thấy nước nhà mình mặn chát mà không hiểu nguyên do. Sau đó, tôi có sang hỏi hàng xóm thì mới biết nước nhà nào cũng bị tình trạng tương tự”, chị Tr.T.Tr., (SN 1981) bức xúc cho biết.
Trước tình trạng trên, trong nhiều ngày nay, gia đình chị Tr. đã phải đi mua nước lọc đóng bình để phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
“Tôi phải mua nước lọc đóng trong các bình 20 lít về để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình như nấu nướng, tắm rửa nên rất tốn kém. Lo ngại hơn, sắp tới đây khi nước nhiễm mặn sẽ khiến các thiết bị vệ sinh có nguy cơ hư hỏng, rỉ sét”, chị Tr. lo lắng.
Không "sốc" như chị Tr., anh Tr.G.L., một người dân sinh sống trên địa bàn xã Nga Yên dường như đã quen hơn với tính trạng này, nhưng vẫn không giấu được vẻ bất bình cho biết tình trạng nước sạch nhiễm mặn đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng phía Nhà máy nước Nga Sơn vẫn chưa xử lý được vấn đề trên.
“Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và nhà tôi đã chuẩn bị dự trữ một bể nước mưa. Tuy nhiên, phía nhà máy nước cần có biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng trên, cứ mỗi khi tới mùa khô, nước lại bị nhiễm mặn và ngày càng nặng hơn”, anh L. cho hay.
Qua ghi nhận thực tế của Người Đưa Tin tại các hộ gia đình trên, khi thử nước vặn ra từ các vòi nước sạch được cấp từ nhà máy nước đều có mùi vị và màu sắc bình thường nhưng vị mặn thì rất rõ ràng và dễ dàng cảm nhận được.
Theo chị Tr., điều khiến chị bức xúc nhất là việc nước bị nhiễm mặn nhưng bên phía nhà máy nước không hề có động thái thông báo trước hoặc hướng dẫn cho người dân. Thực trạng này đã đẩy người dân vào thế bị động, không có phương án dự phòng để ổn định sinh hoạt và bảo vệ tài sản do nguy cơ từ nước nhiễm mặn. Trong khi đó, tiền nước người dân vẫn phải đóng đầy đủ.
“Trước và sau khi xảy ra tình trạng trên, tôi hoàn không được thông báo gì. Khiến gia đình tôi không có chuẩn bị. Hôm vừa rồi, có nhân viên nói ở bên nhà máy nước sang thu tiền, tôi có phản ánh thì được bạn nhân viên trả lời phải khi nào sử dụng hết bể nước nhiễm mặn này và hút nước mới vào thì mới hết được”, chị Tr. kể lại.
Trách nhiệm của nhà máy nước
Theo xác nhận từ phía UBND huyện Nga Sơn, tình trạng nước máy bị nhiễm mặn đã xảy ra liên tục trong nhiều năm nay trên địa bàn huyện Nga Sơn, hiện, tình trạng này đã xuất hiện trên địa bàn 9 xã. Phía huyện Nga Sơn cũng cho rằng trách nhiệm thuộc về Nhà máy nước Nga Sơn khi lấy nước vào đã không kiểm tra tình trạng nước trước khi bán, cung cấp cho người dân.
“Phía huyện cũng đã nắm bắt được tình hình. Tuy nhiên, trách nhiệm về việc này rõ ràng là phía nhà máy nước, khi lấy nước kinh doanh, bán cho người dân phải kiểm tra độ mặn và chất lượng nước. Đồng thời, trong hợp đồng mua bán nước cũng đã quy định rất rõ về chất lượng nước, giờ nhà máy cung cấp nước không đảm bảo thì phải chịu trách nhiệm”, ông Trịnh Văn Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn chia sẻ quan điểm.
Chia sẻ về nguyên nhân và phương án xử lý tạm thời, ông Huyên cho biết, tình trạng trên do nước biển xâm lấn theo triều cường và thời điểm mùa khô nước ngọt đổ về ít. Phía huyện Nga Sơn đã trao đổi với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạm thời tiến hành đắp đập để ngăn nước mặn xâm nhập sâu hơn vào bên trong qua con sông Càn.
Đồng tình với quan điểm trên và nêu hướng xử lý, giải tỏa bức xúc của người dân đang phải sử dụng nước nhiễm mặn, qua trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Ngọc Quyết, Phó bí thư Huyện ủy Nga Sơn cho rằng: "Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, nhà tôi dịp này cũng phải dùng bể nước mưa dự trữ. Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. Vì khi nước nhiễm mặn, ảnh hưởng cả trong sinh hoạt cũng như vấn đề bảo quản thiết bị tài sản của nhân dân. Do vậy, khi nắm được thông tin, tôi đã yêu cầu phía chính quyền huyện có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng trên".
Cũng theo ông Quyết, phía nhà máy nước cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc này. “Nguyên tắc khi nước bị nhiễm mặn, phía nhà máy nước cần có thông báo cho người dân. Ngoài ra, về việc này, phía nhà máy nước cũng nên có động thái xin lỗi người dân. Với công việc được nhà nước giao, phía nhà máy phải có trách nhiệm đảm bảo được nguồn nước cung cấp”, ông Quyết nêu quan điểm.
Tuy nhiên, khi Người Đưa Tin trao đổi nhanh với ông Đỗ Doãn Thành, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Thanh Hóa, ông này cho biết nước cung cấp cho người dân vẫn đảm bảo ngưỡng cho phép.
"Do người dân lâu nay dùng nước ngọt quen rồi, nên khi hơi mặn một chút là cảm nhận được ngay. Chứ hàm lượng muối vẫn ở ngưỡng cho phép", ông Thành thông tin.
Theo tìm hiểu, Nhà máy nước Nga Sơn thuộc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa).
Việt Phương