Quyết tâm đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm trở thành tỉnh "kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.
Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách nhà nước năm 2020 gấp 2,75 lần năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 gấp 1,9 lần năm 2015), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, sắc thái, diện mạo của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực.
Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhiều chỉ tiêu về kinh tế tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, nông, lâm, thủy sản tăng 1,92%, công nghiệp – xây dựng tăng 21,87%, dịch vụ tăng 7,71% và thuế sản phẩm tăng 61,26%.
Về sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng (tăng 32,6% so với cùng kỳ) và hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng đều có sản lượng tăng. Các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, một số ngành có nhiều khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ, giá cả hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,1%.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,72 tỷ USD, vượt 24% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ, một số mặt hàng xuất khẩu chính cũng tăng cao. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,93 tỷ USD.
Năm 2020, quy mô của nền kinh tế Thanh Hoá lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Thu ngân sách tăng đột phá và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng và cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, gấp 3,3 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhất là ở các huyện miền núi. Hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm trung bình mỗi năm.
Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thế và lực của Thanh Hoá đã lớn mạnh hơn, diện mạo của tỉnh đã thay đổi toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ một tỉnh nghèo nàn, do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có sự phát triển ấn tượng trong cả nước.
Thanh Hóa quyết tâm đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh "kiểu mẫu" mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Trên công cuộc xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới, ngày 17/07/2020 tỉnh Thanh Hoá đã được Bộ Chính trị thông qua đề án: “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một sự kiện quan trọng, một dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá.
Tờ trình “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: Thanh Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng. Trong suốt quá trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, quân sự. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Thanh Hóa đều có những đóng góp rất lớn cho dân tộc và vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm.
Xuân Chinh