Hình thành đô thị tại khu vực ven biển Bắc Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản số 1452/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung đô thị ven biển (Diêm Phố), huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã: Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc.
Theo định hướng quy hoạch, đô thị có tính chất, chức năng là đô thị loại V, trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội với chức năng phát triển kinh tế biển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Diện tích đô thị ven biển có quy mô lên tới 2.500ha, định hướng trở thành điểm nhấn không gian, trở thành động lực phát triển của địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu thêm khoảng 250 ha diện tích mặt nước biển. Đô thị hiện có hơn 52.000 dân, đến năm 2030 quy mô dân số dự kiến đạt 60.000 người, đến năm 2045 khoảng 70.000 người.
Đô thị ven biển (Diêm Phố) được quy hoạch phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Chú trọng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, phát huy các yếu tố di sản, văn hóa lịch sử. Định hướng phát triển khu trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao mới tại vị trí trung tâm đô thị, kết hợp với các khu trung tâm đơn vị ở hiện hữu của 4 xã Đa Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, hình thành mô hình phát triển đô thị theo chuỗi điểm, dọc theo trục hành lang kinh tế đường bộ ven biển và đường tỉnh 526, đa dạng hóa các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tạo động lực hình thành và phát triển đô thị đồng bộ tại khu vực ven biển Bắc Thanh Hóa.
Phát triển dọc theo các trục Bắc - Nam, Đông - Tây trên cơ sở quy hoạch mới các tuyến giao thông và quỹ đất thuận lợi xây dựng, tuân thủ theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hậu Lộc đã được phê duyệt. Hạt nhân phát triển đô thị là khu trung tâm đô thị mới và khu công nghiệp Đa Lộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị ven biển nói riêng và huyện Hậu Lộc nói chung.
Cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dân cư hiện trạng, dọc đường bộ ven biển, đường tỉnh 526, đường trục chính xã, đường đê biển được đáp ứng tiêu chí của đô thị.
Bố trí khu trung tâm thương mại, dịch vụ tại các khu vực các nút giao thông chính, đẩy mạnh giao thương gắn với các dịch vụ hậu cần một cách đồng bộ. Ưu tiên theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, có lợi thế phát triển tại vùng biển và ven biển nhất là các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, góp phần củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo.
Bố trí khu công nghiệp Đa Lộc gắn với trục ven biển để tạo thuận lợi về lưu thông hàng hóa và khai thác cơ sở hạ tầng của vùng. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tiểu thủ công nghiệp và chế biến thủy sản... Phát triển khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái tại khu vực phía Tây và phía Nam đô thị.
Phát triển du lịch tâm linh gắn với lễ hội văn hóa phi vật thể và các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Kết hợp hành lang du lịch biển ở phía Đông, khai thác các tuyến du lịch bến thuyền, tham quan đảo Hòn Nẹ, kết nối với hành lang du lịch Sầm Sơn, Nghi Sơn. Khai thác du lịch làng nghề ở phía Bắc, gắn với các nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản của đô thị ven biển. Khai thác khu vực 250 ha mặt biển để tổ chức lễ hội Cầu Ngư, đua thuyền và các hoạt động vui chơi, giải trí.
Chú trọng nâng cao đời sống người dân
Khu đô thị ven biển, ngoài mục tiêu trở thành động lực phát triển kinh tế biển phía Bắc Thanh Hóa còn được kỳ vọng nâng cao chất lượng đời sống người dân trong khu vực với nhiều phân khu văn hóa và khu dân cư mới.
Theo đó, đô thị khi hình thành sẽ giúp giảm mật độ dân cư tại khu vực, nhất là khu vực xã Ngư Lộc (làng biển Diêm Phố)- là xã có mật độ dân cư cao nhất cả nước. Dự kiến đất đơn vị ở phát triển mới đến năm 2045 khoảng 80ha, đạt chỉ tiêu bình quân 45,85 m2/người, từng bước nâng cao chất lượng sống cho các khu dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị về dài hạn.
Đất nhóm nhà ở mới chủ yếu tập trung phát triển tại khu vực dọc các tuyến giao thông chính như đường bộ ven biển, đường Quang - Hưng, đường QL10 đi Đa Lộc và các trục đường liên khu vực khác. Khu vực phía Bắc được tổ chức theo mô hình nhà ở sinh thái với nhà ở kiểu biệt thự kết hợp cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng xã hội. Khu vực trung tâm và phía Nam được phát triển theo mô hình đô thị truyền thống với nhà ở liên kế và nhà ở kiểu biệt thự gắn với công viên cây xanh, thể dục thể thao.
Khu nhà ở xã hội được quy hoạch theo hình thức chung cư cao tầng, có vị trí tại nút giao giữa đường bộ ven biển và đường Đa Lộc đi QL10, gần khu công nghiệp Đa Lộc và trung tâm thương mại đô thị, có hướng nhìn và cảnh quan đẹp phục vụ cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp Đa Lộc.
Đất tái định cư được tổ chức, bố trí tại các vị trí khu ở mới thích hợp khi có dự án đầu tư cụ thể cần phải giải phóng mặt bằng như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, dự án khu công nghiệp Đa Lộc... Khu tái định cư được lập cho một hoặc nhiều dự án. Nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.
Về các công trình công cộng phục vụ người dân, trong quy hoạch cũng được chú trọng. Mục tiêu, tới năm 2045, đất công viên cây xanh sử dụng công cộng đô thị khoảng 28,36 ha, đạt chỉ tiêu bình quân 4,05 m2/người; đất cây xanh sử dụng hạn chế (công viên chuyên đề) 20,98 ha, đạt chỉ tiêu 3,0 m2/người; đất cây xanh chuyên dụng 58ha, đạt chỉ tiêu 8,28 m2/người.
Xây dựng 5 khu công viên cây xanh mới, bố trí phân tán trong đô thị với tổng diện tích cây xanh đô thị khoảng 28,36 ha, đảm bảo quy mô và bán kính phục vụ. Xây dựng 3 khu công viên chuyên đề, tổ chức nhiều hình thức trò chơi và các sự kiện nhằm thu hút số lượng lớn du khách và người chơi cho cả mục đích kinh doanh và văn hóa cộng đồng. Công viên chuyên đề thường có quy mô và cấu trúc phức tạp hơn công viên thông thường, phục vụ cho nhiều lớp người với độ tuổi khác nhau với phần lớn khách hàng hướng tới là trẻ em và thanh thiếu niên. Tổng diện tích khoảng 20,98 ha.
Khu vực dọc sông Lèn, kênh De cũng như các kênh thoát nước được cải tạo mở rộng kết hợp với hệ thống hồ điều hòa với hình thức cảnh quan cây xanh mặt nước, là không gian mở của đô thị. Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi vui chơi thư giãn cho dân cư trong khu vực và các khu lân cận. Diện tích khoảng 58ha.
Đất bãi đỗ xe đô thị đến năm 2045 khoảng 24,59 ha, đạt chỉ tiêu bình quân: 3,51 m2/người; Đất giao thông toàn đô thị (trong đất dân dụng) đến năm 2045 khoảng 245,76 ha, đạt bình quân 35,10 m2/người. Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị (tính đến đường khu vực) đến năm 2045 chiếm khoảng 16%.
Khu văn hóa thể thao cấp đô thị bố trí tại khu vực phía Nam trục cảnh quan của đô thị, quy mô khoảng 3,23 ha. Giữ nguyên vị trí quy mô nhà văn hóa hiện có, cải tạo chỉnh trang về hình thức kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, diện tích khoảng 2,12 ha. Khu quảng trường đô thị bố trí phía Nam khu hành chính mới, giáp với đường bộ ven biển, diện tích 2,54 ha.
Về kinh tế, bố trí khu dịch vụ tổng hợp cấp vùng tại vị trí dọc đường bộ ven biển, đường tỉnh 526, dọc đường nối xã Quang Lộc đi xã Hưng Lộc, đường nối thị trấn Hậu Lộc đi xã Minh Lộc để xây dựng các công trình dịch vụ tổng hợp cấp vùng (bao gồm dịch vụ công cộng, thương mại, logistic, dịch vụ du lịch, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không gây ô nhiễm). Ngoài ra, kết hợp phát triển khu dịch vụ hậu cần phục vụ cho Khu công nghiệp Đa Lộc và cảng Lạch Sung tại phía Bắc đô thị. Tổng diện tích khoảng 77,05 ha.
Bố trí dọc đường bộ Ven Biển, đường tỉnh 526, các khu vực thuận lợi để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, vừa tạo điểm nhấn không gian vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Các loại hình dịch vụ thương mại đô thị như nhà hàng, khách sạn, siêu thị, văn phòng... phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Bố trí trung tâm thương mại hạng 3 trở lên tại các nút giao đảm bảo theo đúng định hướng phát triển hạ tầng thương mại của đô thị. Diện tích đất dịch vụ thương mại khoảng 8,40 ha.
Đồng thời, quy hoạch 2 khu bến thuyền du lịch phục vụ du lịch biển, có vị trí tại xã Hưng Lộc và xã Đa Lộc. Định hướng kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch khám phá biển. Khu bến thuyền du lịch được nghiên cứu đảm bảo các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và các quy định của pháp luật liên quan về sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái biển, giữ gìn cảnh quan nguyên sơ của rừng ngập mặn, phát triển du lịch xanh, bảo vệ và quản lý các công trình xây dựng.
Bố trí các khu dịch vụ du lịch kết hợp với 2 khu bến thuyền của đô thị, diện tích khoảng 4,76 ha. Khu dịch vụ du lịch thứ nhất nằm trên trục cảnh quan trung tâm đô thị, định hướng kết hợp phố đi bộ, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội của đô thị, hướng ra khu bến thuyền đi tham quan đảo Hòn Nẹ, đảo Hòn Mê... Khu dịch vụ du lịch thứ hai nằm trên trục đường ven biển giáp đê biển của đô thị, phục vụ các hoạt động du lịch trải nghiệm, tham quan khu sinh thái rừng ngập mặn.
Về giáo dục, giữ nguyên quy mô, vị trí các trường hiện có từ trường mầm non đến trường phổ thông trung học. Từng bước cải tạo chỉnh trang về công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ đảm bảo quy mô trường chuẩn quốc gia. Bố trí 02 trường liên cấp mới tại khu vực phía Bắc và phía Tây Nam đô thị đảm bảo bán kính phục vụ. Khu vực phía Bắc đô thị bố trí thêm 01 quỹ đất giáo dục (trường THPT, trung tâm giáo dục đào tạo...) để phục vụ cho nhu cầu dân cư phát triển tại khu vực.
Các công trình hành chính - chính trị các xã Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc được giữ nguyên quy mô và vị trí hiện trạng đảm bảo việc hoạt động trước mắt. Khi thành lập đô thị sẽ chuyển về khu trung tâm hành chính - chính trị tập trung quy hoạch mới, giáp trục đường bộ ven biển, nhằm xây dựng trung tâm hành chính mới gắn với các công trình trung tâm Văn hóa thể dục thể thao, Quảng trường, công viên. Tổng diện tích đất cơ quan, hành chính, chính trị khoảng 7,97 ha.
Tính đến cuối năm 2023, dân số của xã Ngư Lộc khoảng hơn 20.000 người, mật độ dân số khoảng 40.000người/km2, cao gấp 17 lần Hà Nội và hơn 9 lần so với Tp.HCM.
Việt Phương