Địa bàn “trọng điểm” đuối nước ở trẻ em
Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông đứng thứ 3 cả nước (trẻ dưới 16 tuổi chiếm hơn 25%) cùng đặc tính địa lý với đường bờ biển dài hơn 100km, cùng hệ thống sông suối, ao, hồ dày đặc khiến địa phương này vô tình trở thành địa bàn trọng điểm về đuối nước ở trẻ em, nhất là mỗi khi vào hè.
Theo thống kê từ Sở Lao động thương binh và xã hội (Sở LĐTBXH) Thanh Hóa, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 31 vụ tai nạn đuối nước làm 44 trẻ em tử vong. Và tình hình trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng tăng trong các năm trở lại đây. Cụ thể, số trẻ em bị tử vong do đuối nước các năm 2018 là 31 trẻ; năm 2019 là 21 trẻ; năm 2020 là 27 trẻ; năm 2021 là 28 trẻ; năm 2022 là 44 trẻ. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 12 vụ đuối nước gây tử vong cho 13 trẻ em.
Trong đó, có những vụ rất thương tâm như vụ việc xảy ra trong những ngày đầu tháng 4/2022, một nhóm học sinh ở xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đi học nhưng đến tối vẫn không thấy về. Sau đó, các gia đình mới tổ chức tìm kiếm, khi đến khu vực đập tràn trên sông Mậu Khê (giáp ranh giữa xã Thiệu Duy và Thiệu Hợp) thì bàng hoàng phát hiện phương tiện và đồ đạc cá nhân của các em học sinh để lại trên triền đê. Khi gia đình liên hệ với giáo viên mới biết buổi chiều các cháu được nghỉ học.
Dự đoán việc chẳng lành, sau đó lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thanh Hóa được huy động đến hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và hàng trăm người dân khẩn trương triển khai tìm kiếm các nạn nhân. Sau 2 ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 học sinh.
Tiếp đó, chỉ vài tháng sau, người dân tỉnh Thanh Hóa lại bàng hoàng khi hay tin vụ việc bố dẫn 2 con đi tắm tại biển Quảng Đại, Tp.Sầm Sơn và đã xảy ra đuối nước thương tâm, khiến hai con tử vong. Theo tìm hiểu, gia đình anh T., (ngụ tại xã Quảng Giao, Tp.Thanh Hóa), vào hè, anh T., dẫn 2 con gái (học lớp 7 và lớp 4) đi tắm biển, lúc phát hiện sự cố hô hoán thì đã quá muộn.
Trước đó năm 2021, trong một hoàn cảnh khác, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 anh em ruột (7 tuổi và 4 tuổi) tử vong. Đáng chú ý, hiện trường vụ tai nạn là hố chôn cột điện đang thi công dang dở. Theo đó, hai cháu bé được bố mẹ gửi cho ông bà chăm để đi làm công nhân. Tuy nhiên, do ông bà bận việc cơm nước nên hai em nhỏ chạy lên trang trại của chú ruột gần đó chơi, khi về thì xảy ra tai nạn thương tâm. Đáng chú ý, hố chôn cột điện kể trên chỉ rộng khoảng 10m2, sâu khoảng 1m nhưng không có đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn khi hạng mục công trình này đang thi công dang dở.
Điểm qua một số trường hợp điển hình trên, có thể thấy đều có một đặc điểm chung là nguy cơ đuối nước có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Đối với trẻ em tai nạn đuối nước có thể xảy ra chỉ với một hố cạn công trình thi công dang dở, một phút lơ là của phụ huynh, hay sự thiếu tương tác hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh hay sự thiếu cảnh báo hoặc tuyên truyền chưa hiệu quả của các cấp chính quyền. Vì vậy, đòi hỏi toàn xã hội cùng các cơ quan hữu quan cần chung tay để xây dựng giải pháp mang tính dài hơi trong việc ngăn ngừa tối đa những mất mát đáng tiếc liên quan đuối nước ở trẻ em.
Khó khăn hiện hữu
Là một tỉnh với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, địa hình sông nước nhiều, trong khi dân số, với tỷ lệ trẻ em cao khiến việc thực hiện các giải pháp ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp vô vàn khó khăn.
Theo đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh có gần 950.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh), trong đó có hơn 12.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,35% và gần 110.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 11,5% trên tổng số trẻ em. Thực tế trên khiến công tác tiếp cận cũng như các điều kiện vật chất cho các em nhỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang còn rất thiếu thốn.
Đánh giá về những khó khăn, phía Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện có nhiều khó khăn, tuy nhiên tập trung ở các nguyên nhân chính sau.
Cụ thể, môi trường sống xung quanh trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em khó kiểm soát như sông, suối, ao, hồ, mương nước, cống rãnh cấp thoát nước, bể nước, dụng cụ chứa nước, hố công trình v.v..., chưa có biện pháp phòng ngừa thích hợp, không có biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, rào chắn, nắp đậy. Trong khi đó nhiều gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, áp lực kinh tế khiến cha mẹ thường xuyên phải đi làm xa, trẻ em chủ yếu do ông bà chăm sóc nên việc quản lý, giám sát trẻ em chưa được sát sao.
Tiếp đến về hệ thống cơ sở vật chất, để 1 trẻ em có thể tiếp cận với kỹ năng an toàn trong môi trường nước, không phải dễ dàng khi cần có các cơ sở vật chất đặc thù như bể bơi, cùng các các huấn luyện viên, đi kèm với các biện pháp đảm bảo an toàn... những vấn đề kể trên tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ, trong khi Thanh Hóa có tới gần 1 triệu trẻ dưới 16 tuổi, với hơn 10 vạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Việc này gây áp lực lên chính quyền địa phương, nhất là với những địa phương còn khó khăn về phát triển kinh tế.
Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em còn thiếu, chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác. Chưa kể, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp huyện, cấp xã đều là kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi nên chất lượng tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, các hoạt động rà soát, một số cấp ủy, UBND các cơ sở chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em, nhất là giám sát tại các công trình thi công dang dở.
Cuối cùng, quan trong nhất, đó là khó khăn khi nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em chưa đầy đủ. Một số gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ em, để trẻ em đi lại hoặc xuống môi trường nước khi chưa biết bơi, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân...