Nhiều giải pháp quyết liệt
Trong những năm qua, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Cụ thể, Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành văn bản gửi các phòng GD&ĐT các địa phương trong tỉnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước, đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa về thực hành kỹ năng an toàn khi dưới nước, kỹ năng cứu đuối, sơ cấp cứu khi gặp các tình huống. Trong đó, chú trọng phối hợp với gia đình học sinh nhằm tăng cường công tác quản lý con em trong dịp nghỉ hè.
Về công tác thực hiện các biện pháp tại địa phương, ông Nguyễn Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, huyện Quảng Xương là địa bàn có đường bờ biển dài, dân số đông nên nguy cơ xảy ra đuối nước với trẻ em luôn cao và diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngoài tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em học sinh tại các nhà trường hàng năm thì huyện cũng giao cho các xã, nhất là các địa phương ven biển cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; đoàn thanh niên xung kích tham gia tuyên truyền về phòng, chống đuối nước,...
Tương tự, tại các địa bàn ven biển như huyện Hoằng Hóa, hay địa bàn nhiều sông suối như huyện Thiệu Hóa cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đều rất quan tâm, nghiên cứu thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng chống đuối nước. Đồng thời, tích cực xây dựng lực lượng tại chỗ, có kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu ban đầu; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và người dân để ứng cứu kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, theo lãnh đạo các địa phương, hàng năm huyện đều giao trách nhiệm phòng, chống đuối nước trẻ em tới từng xã, phường trên địa bàn.
Với chức năng của mình, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa vừa qua đã chủ trì tổ chức lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi” và phòng, chống đuối nước cấp tỉnh. Trong đó, tổ chức giải bơi các nhóm tuổi, thi bơi cứu đuối, phối hợp tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bơi và cứu hộ, cứu nạn cho hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở, tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè năm 2023. Qua đó, nâng cao phong trào bơi lội trên địa bàn toàn tỉnh cũng như ý thức người dân trong việc chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trong môi trường nước.
Là đơn vị chuyên trách về vấn đề trẻ em và công tác xã hội, thời gian qua phía Sở LĐTBXH Thanh Hóa có nhiều biện pháp như tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhanh chóng chỉ đạo điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong cho nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng, đề xuất tham mưu xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cương quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn nếu có sai phạm dẫn đến đuối nước ở trẻ em.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, từ những sự việc đuối nước xảy ra trên địa bàn, huyện cũng đã kiểm điểm lại để tìm ra các giải pháp, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đuối nước. Tuy nhiên, do điều kiện hạn chế nên các biện pháp như việc phổ cập bơi lội sẽ cần nguồn kinh phí lớn, hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến tới các gia đình, các nhà trường là chủ đạo.
Toàn xã hội chung tay đẩy lùi đuối nước trẻ em
Tại các huyện khu vực miền núi với điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, tuy nhiên cũng có sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác phòng, chống đuối nước. Theo đại diện phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy, dịp hè huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước.
Qua sự vận động chung tay đóng góp, các lớp dạy bơi được tổ chức từ đầu tháng 5, trong đó có lồng ghép kỹ năng phòng, chống đuối nước với sự vào cuộc của 100% xã, thị trấn, các trường học, nhờ đó nhận thức của Nhân dân không ngừng nâng lên. Thành quả, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện này không để xảy ra vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng nào liên quan tới trẻ em.
Bàn về thực trạng đuối nước ở trẻ em, tiến sĩ ngành giáo dục Hồ Quang Hòa, công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển giáo dục cho biết, tình trạng đuối nước như hiện nay cho thấy sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa thật sự chặt chẽ, một số gia đình còn thiếu sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Trong khi đó, lực lượng giáo viên chuyên trách về thể dục thể thao ở một số đơn vị còn thiếu, đặc biệt là các trường tiểu học. Qua đó, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình, hoạt động giáo dục thể chất nói chung và hoạt động tổ chức giảng dạy môn bơi nói riêng tại các đơn vị. Ngoài ra, cũng phải nói thêm khó khăn về kinh phí ngân sách dành cho tổ chức các hoạt động TDTT còn hạn hẹp, công tác xã hội hóa còn hạn chế, đặc biệt các đơn vị ở khu vực miền núi.
Để giải quyết vấn đề kinh phí, theo một doanh nhân hiện sở hữu, kinh doanh chuỗi khách sạn ở Tp.Sầm Sơn cho biết, việc các doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp kinh phí xây dựng hay cho mượn các hệ thống cơ sở hạ tầng như bể bơi sẵn có là việc có thể thực hiện được, và hiện nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đang phối hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà chức trách nên nghiên cứu có cơ chế phù hợp, ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh xây dựng các hệ thống bể bơi, từ đó sẽ góp phần giải quyết tận gốc vấn đề.
Không những được quan tâm tại các địa phương trên cả nước, công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em còn thu hút sự quan tâm của cả các tổ chức nước ngoài. Cụ thể, Sở Lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa hiện đang tiếp tục triển khai dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em” (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ tài trợ) tại các địa phương trong tỉnh. Riêng năm 2022, đã thực hiện dự án tại 17 xã, thị trấn thuộc các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn.
Theo đánh giá thực tiễn, dự án khi thực hiện tại các địa phương này đạt hiệu quả tốt, làm giảm số vụ tai nạn đuối nước và góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành có liên quan, nâng cao ý thức của Nhân dân.
Trong tháng 4, căn cứ diễn biến tình hình đuối nước trẻ em, sự quan tâm sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, GD&ĐT tăng cường thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài các biện pháp cơ bản đã nêu, thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao các huyện, thị, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, trường học nếu để xảy ra đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Đồng thời, giao cơ quan công an các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em theo quy định của pháp luật. Từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp và gia đình trong công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Có thể thấy, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, dù điều kiện còn nhiều khó khăn tuy nhiên với sự vào cuộc với trách nhiệm cao nhất của các ngành, địa phương và của cả cộng đồng xã hội sẽ là những giải pháp hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài, góp phần nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.