Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh thu hút các nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng công nghiệp. Qua đó đã thu hút được sự quan tâm đầu tư từ nhiều "đại bàng" trong lĩnh vực này như Tập đoàn Sumitomo, VSIP,... Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng tập trung phát triển các cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ.
Nhiều cụm công nghiệp được khởi công, thành lập mới
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thuần Lộc tại huyện Hậu Lộc. Theo đó, cụm công nghiệp này có diện tích gần 24 ha thuộc địa bàn xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc. Vị trí khu đất thực hiện hiện dự án được xác định cụ thể: phía Tây Nam giáp nhà máy may Viễn Đông Hysky, phía Tây Bắc giáp đường tránh Quốc lộ 10, phía Đông Nam và phía Đông Bắc giáp đất sản xuất nông nghiệp và đất ở dân cư. Tổng mức đầu tư dự kiến thực hiện dự án là hơn 208 tỷ đồng.
Tại Cụm công nghiệp Thuần Lộc bao gồm các ngành nghề chủ yếu như: Sản xuất may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phụ tùng ô tô, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng... Cụm công nghiệp Thuần Lộc dự kiến được khởi công từ quý I/2026 và hoàn thành trong quý 3/2027.
Trước đó, trong quý 3/2023, cũng trên địa bàn huyện Hậu Lộc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thành lập Cụm công nghiệp Liên Hoa thuộc địa phận xã Liên Lộc và xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Cụm công nghiệp Liên Hoa có diện tích khoảng 38,4ha, với tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Lam Kinh.
Cụm công nghiệp có những ngành nghề hoạt động: Sản xuất linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp, phụ tùng điện, điện tử; sản xuất thiết bị cơ khí, linh kiện điện thoại; sản xuất các sản phẩm dược, vật tư y tế; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm sản; sản xuất máy móc thiết bị nông, lâm ngư nghiệp; sản xuất hàng tiêu dùng; da giầy; các dự án sản xuất giấy, bột giấy,...
Ngoài 2 cụm công nghiệp mới được thành lập, thời gian qua Thanh Hóa cũng đã khởi công một số cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, trong quý 2/2023 khởi công cụm công nghiệp Thọ Nguyên, nằm trên địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân có diện tích trên 18ha, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư.
Cũng trong quý này, tại huyện Thọ Xuân cũng đã khởi công dự án cụm công nghiệp Xuân Lai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 119 tỷ đồng, trong đó 100% vốn là của chủ đầu tư. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuân Lai được giao làm chủ đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Trong quý 3/2023, tại huyện Thiệu Hóa, khởi công Cụm công nghiệp Ngọc Vũ tại nằm trên địa bàn 2 xã Thiệu Ngọc và Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa với diện tích khoảng 48,6 ha, do Công ty TNHH Thanh Hưng Group làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng.
Dự án cụm công nghiệp Xuân Lai là dự án cụm công nghiệp khởi công đầu tiên trên địa bàn huyện. Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập cụm công nghiệp ngày 24/3/2020. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuân Lai được giao làm chủ đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Các cụm công nghiệp này cơ bản đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: may mặc, da giày; nhóm các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh; chế biến nông sản, thực phẩm, nước giải khát; các dự án chế biến gỗ, sản phẩm nhựa có nguyên liệu từ hạt nhựa; sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm kim loại, linh kiện, phụ kiện kim loại và các ngành nghề khác có liên quan... Dự kiến đến cuối năm 2025, dự án được đưa vào khai thác, sử dụng.
Thanh Hóa sẽ trở thành trung tâm công nghiệp
Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thanh Hóa sẽ có hai khu kinh tế (KKT), 19 khu công nghiệp (KCN) và 126 cụm công nghiệp (CCN).
Cụ thể, về khu kinh tế, tỉnh sẽ tập trung phát triển KKT Nghi Sơn; giai đoạn sau năm 2030, phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành KKT cửa khẩu Na Mèo. Trong đó, có một số khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và nhiều dự án mới sẽ được triển khai theo kế hoạch.
Về khu công nghiệp, Thanh Hoá tiếp tục thực hiện 8 KCN theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424 ha, gồm: KCN Lễ Môn; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga; KCN Bỉm Sơn; KCN - đô thị Hoàng Long; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN Thạch Quảng, huyện Thạch Thành; KCN Ngọc Lặc; KCN Bãi Trành, huyện Như Xuân.
Ngoài 8 KCN trên, tỉnh sẽ phát triển mới 9 KCN với tổng diện tích 2.281 ha, gồm: KCN phía tây TP Thanh Hoá; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hoá; KCN Bắc Hoằng Hoá, huyện Hoằng Hoá; KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Lưu Bình, huyện Quảng Xương; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hoá; KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn; KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Sau năm 2030, thêm hai KCN khác với diện tích 872 ha sẽ được phát triển, gồm: KCN Phong Ninh, huyện Yên Định; KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung.
Về phương án phát triển cụm công nghiệp, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 CCN với tổng diện tích 5.267 ha. Giai đoạn sau năm 2030 có 126 CCN với tổng diện tích 5.893 ha.
Theo sở Công thương Thanh Hoá, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 45 CCN với tổng diện tích gần 1.700 ha.