Bà mẹ đơn thân và đứa con tâm thần
Chị là Lê Thị N. (ở xã X.P, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) người đàn bà gặp nhiều tai ương trong hạnh phúc, chuyện tình cảm mà khi nhắc đến, người dân xung quanh giận thì ít mà xót thương thì nhiều. Ngôi nhà nhỏ ẩm thấp 3 mẹ con chị đang sinh sống nép mình vào chân đồi, hiu quạnh và trống trải. Dù trong nhà có tới hai đứa trẻ con nhưng tiếng cười dường như chẳng thể cất lên.
Trong ngôi nhà đó, hơn 15 năm nay chị đã khóc gần như cạn nước mắt thương cho số kiếp của mình, thương cho thân phận trẻ thơ đâu có tội tình gì mà vẫn cứ phải chịu ghẻ lạnh.
Chị vốn là người con gái có sắc, có hương trong vùng. Tuy kinh tế gia đình không khá giả, nhưng đông anh chị em, chị lại là con út, chớm bệnh tim nên được cả gia đình cưng chiều. Chính vì vậy so với chúng bạn dầm mưa dãi nắng trong vùng chị luôn nổi bật hơn hẳn với nước da trắng, khuôn mặt trăng rằm và đôi mắt biết cười.
Khi vừa đôi mươi chị đã khiến cho nhiều người mê mẩn. Duyên trời, chị rung cảm và sà vào lòng chàng trai hiền lành, nhút nhát ở làng bên. Có bầu 6 tháng thì chị về nhà chồng, tuy nhiều người dị nghị nhưng chị vẫn tin phía trước hạnh phúc đang chờ đón. Cuộc sống lao động vất vả, những xung đột trong sinh hoạt của hai người, thái độ thờ ơ của người chồng khi bị đàm tiếu tu hú nuôi con... dần dẫn đến những cuộc chiến nảy lửa. Bên nào cũng căng nên mối nhân duyên đã đứt. Khi đứa con chưa kịp tròn 1 tuổi thì chị gạt nước mắt bế con về nhà mẹ đẻ.
Chị N. cùng cậu con trai nay đã được 7 tuổi.
Nhà ngoại thương tình cất cho một nóc nhà tranh ở chân đồi để hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Người đàn bà chưa từng nếm qua những lao khổ trong biển đời nay phải xắn tay tự nuôi miệng. Chị chua chát bảo: "Càng vất vả, làm lụng nhiều thì cái cơ thể gái một con như càng đẹp hơn, càng bị nhiều kẻ nhòm ngó".
Nhưng lúc đó trong tâm trí của chị chỉ có một điều duy nhất là làm sao nuôi cho đứa con gái của mình lớn khôn, để nó có thể đứng vững ở đời sóng gió. Nhưng bất hạnh thay, năm đứa trẻ 4 tuổi thì bị sốt triền miên, gây tai biến não, rối loạn tâm thần. Chút tiền tích cóp được thuốc thang hết cho con nên căn nhà của chị càng trở nên xơ xác.
Người mẹ đơn thân khóc ngất khi nhìn con mình đối diện với những trận động kinh bị co giật tới sùi bọt mép, ánh mắt lanh lợi bắt đầu đờ đẫn vô định. Chị muốn đi bước nữa để cùng sẻ chia những buồn đau, những khó khăn trong cuộc sống. "Nhưng dường như số tôi sinh ra để chịu đọa đày, để đền tội cho kiếp trước đã gây nên tội tình gì đó", chị nói và lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt.
Bi kịch nhờ thầy mo gắp đỉa ra... con
Từ khi hai mẹ con ra ở riêng, ngoài làm đồng lấy gạo thóc thì chị còn thường xuyên mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn đạm bạc cho con. Chị bảo dù đã nai nịt rất cẩn thận nhưng không hiểu sao trong buổi chiều đi xúc hến định mệnh đó chị đã bị đỉa chui vào cơ thể, qua chỗ kín.
Chị chị phát hiện ra điều này khi lên bờ phát hiện bị chảy máu, đau rát bất thường. Phát hoảng, chị nhờ người chị gái xem hộ thì người chị tái mét mặt khi nhìn thấy con đỉa no kình đang cắm chốt ở đó. Chị N. được người chị tư vấn nên đã đến chỗ Ậu Đ. để chữa bệnh (tiếng địa phương, Ậu có nghĩa là thầy mo). Ậu Đ. từ lâu vẫn được biết đến là người có thiên sứ nối liền hai cõi Âm - Dương khi chuyên thực hiện nghi lễ ma chay, xem tướng số, may rủi cho người bản xứ. Những người này vốn rất được kính trọng trong đời sống tâm linh xứ Mường.
Ậu Đ. ngoài cúng bái thi thoảng còn lấy thêm một vài bài thuốc nam nên vẫn được một số người gọi là thầy lang. Chị N. kể lại buổi chữa bệnh mà khuôn mặt không giấu được nỗi đau. Khi chị tới trời đã tối, chỉ có mình Ậu Đ. ở nhà. Khi nghe chị nói bệnh xong thì thấy Ậu đi chuẩn bị đồ nghề, thắp hương lầm rầm cúng bái và cho chị uống một chén nhỏ "nước thánh". Chị bảo mình chẳng biết thầy đã gắp đỉa ra như thế nào, chỉ nhớ khi chị tỉnh dậy thì đã thấy con đỉa nằm chình ình ở khay bên cạnh vẫn còn vấy máu. Xong xuôi, Ậu cho chị một ít thuốc bôi, bảo chị phải kiêng cữ mới chóng lành. Thậm chí Ậu còn bảo có điều gì bất thường xảy ra thì cứ yên tâm, vì đỉa ở vào chỗ hiểm nên phải mất một thời gian vết thương mới ổn định được.
Chị tin tưởng dùng thuốc, thấy hết đau nhức nên còn biện lễ để cảm ơn người chữa bệnh cho mình. Nhưng điều kỳ lạ là chị không thấy tháng đúng chu kỳ. Lại nhớ lời Ậu bảo phải mất một thời gian cơ thể mới ổn định nên chị lại tự an ủi mình. Cho tới tận tháng thứ 4, khi thấy mất dấu hoàn toàn "đèn đỏ”, chị mới nhờ chị gái đưa tới trạm y tế xã khám. Tại đây chị được y sỹ sản phụ kết luận đã có bầu 4 tháng!
Trong cơn hoảng loạn chị tìm đến nhà Ậu hỏi cho ra nhẽ vì ngoài lần nhờ gắp đỉa thì chẳng có lần nào khác chị gặp riêng người đàn ông nào nhưng Ậu lặn mất tăm. Cực chẳng đã, chị còn bị người vợ của ông ta xông ra chửi rủa om sòm là đã chữa bệnh không công, nay còn vác cái thai lang chạ của thằng nào đến bắt vạ.
Mọi người biết chuyện lại cho rằng chị làm như vậy là chọc giận tới người của thần, liều lĩnh không sợ bị trừng phạt, không ai tin những lời chị nói. Quá đớn đau chị tính đi bỏ cái thai, nhưng bệnh tim của chị phát nặng, nếu phá thai thì khả năng rất cao chị sẽ tử vong. Chị tự nhủ, thà chết đi được để kết thúc tháng ngày nhục nhã, nhưng nếu chị chết thì đứa con gái ngẩn ngơ vô tội biết sống với ai?
Chị không nghĩ mình lại sống được tới ngày hôm nay, cuộc sống phải đánh đổi bằng quá nhiều nước mắt và niềm đau. Ngày ấy, khi quyết định sống, có nghĩa là phải giữ đứa trẻ lại, chị đã nghĩ đợi khi sinh nó ra sẽ làm rõ trắng đen ngọn ngành. Nhưng trong những tháng ngày tiếp tục mang thai, nỗi căm tức đã chuyển thành lòng trắc ẩn, rồi thành tình yêu thương dành cho sinh linh vô tội. Đứa con trai kháu khỉnh của chị đã ra đời như thế, càng lớn khuôn mặt cậu bé càng như vẽ thêm những nét hệt như kẻ mà chị biết là bố của con trai mình, điều đó như cứa vào tâm can chị. Nhưng chị quả quyết: Hắn không có tư cách để làm bố, thằng bé chỉ là con của mình chị mà thôi.
Chia tay chúng tôi, chị bảo chị sống vì hai đứa con. Chị sẽ tiếp tục sống để đương đầu với những thử thách của cuộc sống để nuôi các con thành người vì đắng cay lòng chị đã đong đầy.
Bài học cho những ai mê tín tin vào "thuốc thánh", "Trường hợp của chị N. là một bài học cho những ai quá mê tín để tin vào thuốc thánh, hoặc xấu hổ vì bị ở vùng kín mà không tới cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Nếu ngay từ đầu chị N. đến bệnh viện để chữa chạy thì đã không thể xảy ra điều nghiêm trọng như vậy", y sỹ sản khoa Bùi Thị Hiền, người khám thai cho chị N chia sẻ. |
Đức Anh Chí